81 giây kinh hoàng trên sóng truyền hình

12:40 | 25/07/2017;
Vụ tự tử bằng súng của Budd Dwyer - người đứng đầu cơ quan tài chính bang Pennsylvania, Mỹ – ngay trong cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp cách đây 30 năm của một chính khách Mỹ là sự kiện có một không hai trong lịch sử chính trường Hoa Kỳ.
Người chủ trì cuộc họp báo, ông Budd Dwyer mở đầu bằng một bản tuyên bố về đút lót, lạm dụng chức quyền, tham nhũng và bản cáo trạng của tòa án dự kiến được đưa ra ngày hôm sau. Ông bác bỏ cáo trạng đó và nói: "Từ nay, cuộc đời tôi thay đổi, mà không vì một lý do rõ ràng nào cả". Lúc này, người ông đầm đìa mồ hôi. Còn một số phóng viên đã định thu xếp đồ đạc ra về.
awlf1.jpg
Chính trị gia Budd Dwyer

Đúng lúc đó xảy ra một sự kiện không thể tưởng tượng nổi: Budd Dwyer rút từ túi giấy ra khẩu súng côn kiểu 357 Magnum. Ông lịch sự cảnh báo: "Xin mời các vị ra khỏi phòng họp, nếu không chịu đựng được". 

Rồi ông ra hiệu để cánh nhà báo đang hoảng loạn không lại gần: "Đừng đến gần tôi, nếu không sẽ có người bị thương!". Sau đó ông nhét nòng khẩu côn vào miệng và bóp cò!

Vụ tự tử của ông Budd Dwyer, người đứng đầu cơ quan tài chính bang Pennsylvania được truyền hình trực tiếp sáng ngày 22/01/1987 gây sốc toàn nước Mỹ. Cú trượt dốc từ một chính khách nổi tiếng thành một người hùng bi thảm đã viết nên một trang sử đen tối trong ngành tư pháp Mỹ.

Mắc lưới tham nhũng

Cho đến nay, đã 30 năm trôi qua, những thước phim video về vụ tự tử vẫn lang thang trên Internet ghi lại dấu ấn một hành động tuyệt vọng đến cùng cực. Dẫu xung quanh vụ việc còn chất chứa nhiều bí ẩn song điều chắc chắn là Budd Dwyer, người duy nhất bị buộc tội trong tấn bi kịch này, đã sa vào một mạng lưới của các chính khách, quan chức, thẩm phán tham nhũng. Thế nên cuối cùng, khi rơi vào đường cùng, Budd Dwyer chỉ nhìn thấy một lối thoát duy nhất là cái chết!
81-giay-kinh-hoang-truoc-ong-kinh-1.jpg
Hình ảnh cuối đời của chính trị gia Budd Dwyer

Tấn bi kịch bắt đầu bằng quyết định năm 1979 của Hạ viện Mỹ tăng thuế đối với công chức. Quyết định này 3 năm sau mới có hiệu lực. Tuy nhiên, tại bang Pennsylvania (nơi mà Budd Dwyer là người đứng đầu cơ quan tài chính), do nhầm lẫn nên được áp dụng ngay. Số tiền thuế tăng thêm thu được là 40 triệu đô la. Trước thực tế đó, chính quyền bang đã quyết định thuê một công ty tính toán để hoàn thuế cho những người đã bị thu thuế.

Hợp đồng béo bở này lọt vào tay công ty Computer Technology Associates (CTA) nhờ ông chủ công ty John Torquato đã đút lót nhiều trăm nghìn đôla. Tên người nhận hối lộ và số tiền hối lộ được ông ta lưu trong một chiếc đĩa mềm. Người có chức vụ cao nhất trong danh sách là Budd Dwyer, phụ trách tài chính của Chính phủ bang. Bản danh sách ghi ông này nhận 300.000 đô la.
 
Ở thời điểm ấy, Budd Dwyer vốn vẫn được coi là một người rất trong sạch. Năm 1964, ông là nghị sĩ trẻ nhất hạ viện bang Pennsylvania, năm 1970, ông được bầu vào thượng viện và 10 năm sau trở thành người nắm tài chính của chính quyền bang.

Nhiều ý kiến tin rằng, tuy Budd Dwyer giao hợp đồng béo bở này cho CTA nhưng việc ông nhận tiền hối lộ hoặc CTA "ngã giá" với ông là không có. Vì dựa trên ý kiến từ các cố vấn của mình, Budd Dwyer đã quyết định giao thầu một cách hoàn toàn hợp pháp khi CTA chào giá thấp nhất trong số các công ty tham gia đấu thầu.
81-giay-kinh-hoang-truoc-ong-kinh-2.jpg
Giây phút kinh hoàng

Trên văn bản, Budd Dwyer ký hợp đồng giao thầu ngày 10/5/1984. Trước đó, John Torquato đã đút lót William Smith, người đứng đầu chi nhánh Đảng Cộng hòa trong vùng và nhờ ông này gặp riêng Budd Dwyer để lót tay 300.000 đô la. Sau đó, William Smith có gặp Budd Dwyer nhưng người ta không rõ những gì đã xảy ra. Vì thế, cuộc gặp tay đôi không có nhân chứng đó đã trở thành gánh nặng cho Budd Dwyer.

Nghịch cảnh tình ngay lý gian
 
Dựa trên một bức thư nặc danh gửi thống đốc bang Dick Thornburgh, FBI đã tiến hành điều tra và đưa nhiều bị cáo ra trước tòa. Trước tòa, William Smith đã cố tình đổ lỗi cho Budd Dwyer. Hắn khai rằng đã trao tận tay Budd Dwyer 300.000 đô la lót tay của John Torquato mặc cho Budd Dwyer kiên quyết bác bỏ sự dối trá này.

Và Budd Dwyer đã bị buộc tội đồng lõa với John Torquato cùng một số kẻ khác. Rất lâu sau này, người ta mới biết, cơ quan công tố đã ép William Smith đưa ra lời khai man trá đó, nếu không sẽ khởi tố cả vợ ông ta. William Smith được giảm tội và Budd Dwyer là người phải trả giá.

Vụ xét xử là một trò hề. Người ta đã không cho bồi thẩm đoàn biết các chứng cứ chính. Công tố viên James West và thẩm phán Malcolm Muir đã cố tình dìm người đàn ông duy nhất không nhận hối lộ xuống vũng bùn tham nhũng.
81-giay-kinh-hoang-truoc-ong-kinh-3.jpg
Vợ chồng ông Budd Dwyer và hai con

Ngày 17/12/1986, ngày xét xử cuối cùng, Budd Dwyer viết trong nhật ký của ông: "Chưa bao giờ thời gian trôi chậm như bây giờ. Chúa hãy phù hộ cho con được trắng án". Tối hôm đó, tòa tuyên bố ông có tội.

Thẩm phán Malcolm Muir dự định ngày 23/01/1987 sẽ công bố án phạt Budd Dwyer, năm đó 47 tuổi, 55 năm tù giam. Trong nỗi tuyệt vọng, Budd Dwyer đã gửi đơn xin ân xá đến Tổng thống Reagan nhưng bị từ chối.

Budd Dwyer đón Giáng sinh cuối cùng với vợ, con gái và con trai. Ngày 22/01/1987, trước công bố án phạt 1 ngày, ông tổ chức họp báo. Báo giới cho rằng, Budd Dwyer sẽ thông báo từ chức – một thủ tục hoàn toàn thông thường.

Tuy nhiên, ngay những lời nói đầu tiên của Budd Dwyer đã làm cho người ta dự cảm một điều khác thường. Ông cám ơn Chúa trời đã ban cho ông 47 năm được sống, cám ơn người vợ tuyệt vời và các con ông. Ông nói ông vô tội, bị truy bức chính trị, là nạn nhân của một âm mưu đen tối. Ông mong mọi người cầu Chúa cho gia đình ông và ông sẽ "chết trong chức phận của mình" để đưa sự thật ra ánh sáng.

Sau đó Budd Dwyer rút khẩu côn ra, sắc mặt như đang lên cơn sốt nhưng vừa như đang thanh thản. Budd Dwyer há to miệng, nhắm nghiền mắt, hai tay cầm chặt khẩu súng đưa vào miệng. Giây lát sau ông gục xuống.

Lời thú tội muộn mằn

Trong vụ án này, đa số các bị cáo khác đã thoát tội. Một số sau này tái xuất trên chính trường. Năm 1989, Thống đốc Thornburgh được Tổng thống Reagan bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Duy chỉ có đường công danh của công tố viên James West bị đứt đoạn, sau khi việc ông ta ép cung nhân chứng bị lật tẩy.

Nhân chứng chính William Smith thú nhận đã khai man trước tòa để được giảm tội và đã không đếm xỉa đến số phận của Budd Dwyer. Sau này, William Smith nói: "Vì tôi, ông ấy đã chết".

Vì Budd Dwyer chết trong khi đương chức, nên vợ ông nhận được tiền bảo hiểm nhân thọ và lương hưu của ông, tất cả gần 1,3 triệu đô la – có lẽ ông cũng đã tính đến điều này, nên đã tự vẫn, mà vẫn không từ chức. Bà vợ mất năm 2009 ở tuổi 70 và được chôn cạnh ông chồng ở Pennsylvania.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn