Ngứa da mùa lạnh rất phổ biến. Do vậy điều cần nhớ là cách nhận biết các tình trạng ngứa da mùa lạnh khi nào là bất thường, cần thăm khám bác sĩ cũng như cách giảm nhẹ ngứa da, giảm sưng mẩn đỏ da nhanh tại nhà như thế nào cũng rất quan trọng.
Ngứa da sẽ dẫn tới gãi, ngứa càng nhiều gãi càng mạnh thì da càng dễ bị tổn thương thêm. Vòng lặp luẩn quẩn này có thể xảy ra suốt cả mùa lạnh gây khó chịu và ảnh hưởng tới cả sức khỏe cũng như sinh hoạt thường ngày.
ác triệu chứng ngứa da mùa lạnh có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, nhất là những khu vực thường xuyên tiếp xúc với không khí lạnh hoặc ma sát với quần áo thô ráp, dễ kích ứng. Điển hình là ngứa ở đùi, phía sau đầu gối, bắp chân, bụng, khuỷu tay và ít khi ảnh hưởng tới da dầu.
Bên cạnh ngứa ngáy thì người bị ngứa da mùa lạnh cũng có thể gặp các biểu hiện khó chịu khác như da khô, khi sờ vào có cảm giác thô ráp; da sẩn ngứa với các nốt ngứa li ti hoặc có các vết nứt nhỏ trên da; chảy máu da với những trường hợp nứt nẻ nghiêm trọng hoặc tác động do gãi mạnh, gãi liên tục; da đóng vảy, bong tróc.
Ngứa da mùa lạnh xảy ra thường là do chức năng điều tiết mồ hôi và các axit hữu cơ tiết ra của da bị giảm kết hợp với độ ẩm không khí thấp, nền nhiệt giảm sâu khiến làn da thường bị khô ngứa và nứt nẻ, khô vảy, dễ bị các vi sinh vật như nấm, khuẩn, bụi bẩn xâm nhập hơn và gây bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố kích hoạt gây ngứa da, có thể kể đến như:
- Tuổi tác: Da có xu hướng mỏng hơn và khô hơn khi chúng ta già đi, điều này khiến người lớn tuổi có nguy cơ cao bị kích ứng da, khô da và ngứa da mùa lạnh hơn so với người trẻ khỏe mạnh.
- Người có thể trạng da khô do cơ địa hoặc do bệnh lý như bệnh chà, bệnh vẩy nến,....khiến triệu chứng bệnh trầm trọng hơn nếu tiếp xúc với không khí khô lạnh của mùa đông, dẫn tới các đợt bùng phát nghiêm trọng, trong đó có sẩn đỏ và ngứa da.
- Da bị mất nước: Vào mùa lạnh, nhiều người có thói quen bật điều hòa hoặc sưởi ấm, điều này dẫn đến nhiệt độ trong nhà tương đối cao và độ ẩm thấp, từ đó làm tăng tốc độ mất độ ẩm trên da, dẫn đến da khô và ngứa tăng lên.
- Cuối cùng, thường xuyên tắm với nước nóng hoặc các loại sữa tắm có tính kiềm cao cũng dễ khiến da bị mất lớp dầu tự nhiên, gây khô da và ngứa da nhiều hơn.
Theo Healthline, hầu hết các biện pháp giảm ngứa da mùa lạnh tại nhà không quá tốn kém và đôi khi không cần đơn thuốc từ bác sĩ. Mọi người có thể thử cách giảm ngứa da như:
- Dưỡng ẩm: Bôi kem dưỡng ẩm ngay lập tức sau khi tắm có thể tạo một lớp màng bảo vệ trên biểu bì da và ngăn ngừa độ ẩm da bị mất đi. Theo đó những sản phẩm dưỡng ẩm có chứa axit lactic có thể cung cấp độ ẩm nhiều hơn. Cần tránh các sản phẩm kem dưỡng ẩm có mùi hương tổng hợp nhân tạo có thể gây kích ứng da, nhất là khi da đang bị ngứa viêm và nhạy cảm.
Một số sản phẩm tự nhiên như dầu dừa hay gel lô hội chứa cả thành phần kháng khuẩn và dưỡng ẩm có thể thích hợp với người bị ngứa da kèm theo nứt nẻ, khô ráp. Tùy từng tình trạng mà có thể dưỡng ẩm từ 2- 6 lần mỗi ngày nếu cần thiết.
- Dầu dưỡng: Các loại dầu dưỡng tự nhiên có chứa dưỡng chất như lanolin, axit lauric, axit linoleic, vitamin C, vitamin D và vitamin E giúp làm dịu và phục hồi làn da bị kích ứng nhanh. Có thể kể đến như dầu dừa, dầu cây rum hay dầu bơ.
Dầu ô liu có giúp giảm ngứa không? Dầu ô liu có đặc tính chống viêm nhưng lại thúc đẩy mất nước ở da và có thể làm giảm chức năng hàng rào phòng vệ trên lớp biểu bì da, do vậy người có da khô hay đang bị viêm da nên tránh dùng dầu ô liu để bôi da.
- Tránh các sản phẩm vệ sinh chứa hóa chất mạnh: Việc làn da phải tiếp xúc với không khí khô lạnh đã khiến da bị yếu đi và nhạy cảm hơn bình thường. Do vậy các sản phẩm vệ sinh như sữa tắm, sữa rửa mặt, tẩy da chết cũng cần tránh chứa các hóa chất có tính tẩy rửa mạnh như cồn, paraben, thuốc nhuộm tổng hợp hoặc cả hương liệu tổng hợp để giảm rủi ro bị ngứa da hoặc tăng nặng tình trạng mất nước của da cũng dẫn tới mẩn ngứa.
Thay vào đó, chọn các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như yến mạch để tắm. Bạn cũng có thể ngâm mình với bột yến mạch khoảng 10 phút để làm dịu cơn ngứa da. Không nên ngâm quá lâu vì da có thể bị khô hơn và khiến tình trạng viêm tăng lên. Sau khi tắm xong, nên sử dụng các loại khăn tắm có chất liệu cotton mềm thấm và vỗ nhẹ để da khô thay vì chà xát mạnh.
Yến mạch có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ, sử dụng yến mạch để tắm có thể giúp làm dịu vùng da bị ngứa và bảo vệ da hiệu quả bằng cách giảm cytokine gây viêm da. Yến mạch dạng keo (Colloidal oatmeal) là loại bột yến mạch có nguồn gốc từ yến mạch tự nhiên thường được sử dụng để hòa vào bồn tắm hoặc bạn có thể tìm thấy yến mạch dạng keo có trong một số loại sữa tắm trên thị trường.
Khi tắm, cần đảm bảo nước không quá nóng vì nhiệt độ nước quá cao có thể khiến các nốt mẩn ngứa trở nên tồi tệ hơn. Nếu tắm bồn, bạn cần đổ khoảng 1 cốc bột yến mạch dạng keo ngay dưới vòi nước chảy để việc hòa tan bột yến mạch vào nước được tốt hơn. Tới khi bồn tắm chuyển sang màu trắng giống như sữa và có cảm giác "mịn, mượt" nghĩa là nước đã sẵn sàng để tắm.
- Thuốc giảm ngứa: Thuốc bôi hoặc kem bôi chống ngứa cũng có thể giúp giảm ngứa tạm thời, chẳng hạn như kem hydrocortisone. Tuy nhiên, thuốc bôi có thể nhạy cảm với một số người, chẳng hạn như trẻ em. Trẻ bị nổi mề đay ngứa có thể phản ứng xấu với thuốc bôi chứa cortisteroid. Do vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc bôi nào để giảm ngứa mề đay, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt là mề đay ở trẻ em hay bị mẩn ngứa toàn thân.
- Chú ý khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm: Như đã nói, sử dụng thiết bị sưởi quá nóng thúc đẩy làn da bị mất nước nhanh hơn. Do vậy không nên để nhiệt độ sưởi quá nóng, nhất là trong ban đêm. Bạn có thể sử dụng thêm máy bù ẩm để da cảm thấy dễ chịu hơn.
- Hạn chế tắm thường xuyên: Vào mùa đông, lượng dầu và mồ hôi tiết ra trên da giảm xuống nên việc tắm thường xuyên có thể không cần thiết. Bạn có thể tắm 2 - 3 ngày một lần, khi tắm không nên tắm ở nhiệt độ nước quá nóng, tốt nhất là khoảng 40 độ C và không nên ngâm tắm quá lâu, từ 5 - 10 phút là phù hợp.
- Có chế độ ăn giàu dinh dưỡng: Nếu bị ngứa da mùa lạnh, bạn cũng nên để ý đến chế độ ăn uống của mình. Cố gắng ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm và tránh xa rượu, đồ ăn cay nóng hoặc các món ăn dễ gây kích ứng.
- Giữ ấm cơ thể: Rất nhiều người bỏ qua tới việc giữ ấm cơ thể và cho rằng điều này không liên quan tới việc giảm ngứa da mùa lạnh. Nhưng thực tế, phần lớn nguyên nhân gây ngứa da mùa đông có liên quan tới sự chênh lệch nhiệt độ nên nếu bị ngứa da mùa lạnh, hãy chú ý giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với nhiệt độ môi trường tăng, giảm đột ngột.
- Chọn quần áo phù hợp: Quần áo làm bằng sợi len hoặc sợi tổng hợp như polyester có thể gây kích ứng da và làm da khô hơn, dễ bùng phát cơn ngứa hơn. Tốt nhất hãy chọn quần áo lót (tiếp xúc trực tiếp với da) làm bằng cotton và thoáng khí rồi mới mặc lớp quần áo khác bên ngoài.
Ngứa da đôi khi có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư gan, ung thư thận, ung thư da, ung thư tuyến tụy, ung thư đường ruột, khối u não ác tính. Bởi vậy, nếu nhận thấy tình trạng ngứa đột ngột không rõ nguyên nhân, không có liên hệ rõ ràng với điều kiện thời tiết hay các bệnh lý ngoài da cũng như ngứa da không thuyên giảm sau khi dùng thuốc mà da lại rất ngứa dù không nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy kéo dài (mãn tính) thì cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn