1. Sử dụng tốt ngôn ngữ cơ thể
Hãy đặt điện thoại của bạn xuống và quay mặt về phía người bạn đang trò chuyện cùng. Chuyên gia nghi thức Debby Mayne cho biết: “Hãy loại bỏ hoặc ít nhất là hạn chế những tiếng ồn xung quanh và các yếu tố gây xao nhãng khác để có thể thực sự tập trung vào những gì người kia đang nói. Nhớ giữ giao tiếp bằng mắt, hướng thân và vai của bạn về phía người trò chuyện cùng, dành cho họ sự tập trung và chú ý để họ hiểu bạn thực sự quan tâm đến cuộc nói chuyện này".
Khi bạn không thực sự chú ý, ngôn ngữ cơ thể của bạn sẽ thể hiện rõ điều đó. Một người biết lắng nghe là người biết sử dụng tốt ngôn ngữ cơ thể.
2. Quan sát các tín hiệu phi ngôn ngữ
Ngôn từ không phải là phần duy nhất của câu chuyện. Khi bạn đang nói chuyện trực tiếp với ai đó, hãy xem liệu họ có đang gõ chân ở phía dưới không, có nhìn vào mắt bạn không hay có phải đang cười lệch không.
Những biểu hiện và ngôn ngữ cơ thể có thể nói nhiều điều về trạng thái của một người. Hãy tìm kiếm những tiếng thở dài, đảo mắt hoặc thậm chí là cái cau mày... chúng cũng quan trọng trong giao tiếp như ngôn từ vậy. Bạn sẽ phát hiện ra các tín hiệu này dễ dàng hơn khi bạn chú ý và giữ im lặng.
3. Không ngắt lời người khác
Khi bạn đang nói, bạn không thể thực sự lắng nghe người khác. Hãy để đối tác của bạn chia sẻ hết những gì họ nghĩ trong đầu. Đôi khi bạn có thể cảm thấy khó khăn khi người đó đang xúc động hoặc bạn thực sự muốn nói lên quan điểm của mình. Tuy nhiên, đối phương càng ít nói, bạn càng có ít thông tin hơn. Việc ngắt lời người khác còn gửi đi thông điệp rằng bạn là người thiếu kiên nhẫn và cho rằng những gì mình nói mới thú vị hơn.
Nếu bạn thực sự có điều gì đó quan trọng cần nói hoặc cần giải thích rõ về điều gì, hãy ghi lại để hỏi sau khi đối phương chia sẻ xong suy nghĩ.
4. Không mặc định đưa ra các giải pháp cho người khác
Khi ai đó đang nói về một vấn đề, nó không có nghĩa rằng bạn nên chủ động đưa ra lời khuyên. Cherie Burbach, tác giả của cuốn "Art and Faith: Mixed Media Art With a Faith-Filled Message" chia sẻ: "Người biết lắng nghe sẽ để người đang trò chuyện cùng được bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ một cách thoải mái thay vì mặc định bảo ai đó phương pháp giải quyết vấn đề".
Nếu người đó muốn nghe ý kiến của bạn, họ sẽ chủ động yêu cầu. Có thể đối phương chỉ đơn giản là muốn được lắng nghe, được trải lòng và nói ra những điều khiến lòng mình nặng trĩu. Nếu bạn thực sự muốn chia sẻ quan điểm của mình, hãy chủ động hỏi: "Bạn có muốn nghe suy nghĩ của tôi không?" Việc đưa ra giải pháp khi người khác không yêu cầu giống với việc gạt bỏ vấn đề của họ hơn là giải quyết chúng.
5. Không hỏi lan man, lạc đề
Một người đồng nghiệp của bạn vừa kể về cuộc hẹn cuối tuần của cô ấy với bạn trai tại một nhà hàng cụ thể. Bạn lập tức xen vào và kể rằng bạn cùng một người bạn khác cũng từng dùng bữa ở đó. Phần sau của cuộc trò chuyện đều là bạn kể về người bạn đó cùng sự nghiệp của anh ấy.
Đôi khi, chúng ta dễ bị cuốn vào những câu chuyện khác và trở nên lạc đề. Khi bạn nhận ra rằng một cuộc trò chuyện đã đi xa quá, hãy hướng nó trở lại ngay cuộc trò chuyện ban đầu.
6. Ghi nhớ
Nếu bạn đang làm việc, việc ghi lại những dòng thông tin chính có thể giúp bạn nhớ được những gì đôi bên đã thảo luận. Bản thân hành động viết ra giấy có thể giúp bạn ghi nhớ thông tin tốt hơn.
Nếu bạn ở trong hoàn cảnh khác, không thể viết ghi chú, bạn có thể nói lại với người đó bản tóm tắt những gì bạn vừa nghe được. Điều này sẽ giúp bạn nắm vấn đề nhanh hơn và nhớ lâu hơn, hiểu rõ hơn những gì người đối diện đang nói.
7. Thể hiện sự đồng cảm
Những người giỏi lắng nghe biết đặt mình vào vị trí của người đối diện để hiểu hơn về những gì họ đang cảm thấy. Họ thể hiện sự vui vẻ khi người trò chuyện cùng vui vẻ và buồn bã khi người đó nói về điều u ám.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải đồng ý với tất cả mọi điều đối phương nói. Bạn có thể rằng “Tôi hiểu”, mỉm cười hoặc gật đầu để thể hiện rằng bạn đang lắng nghe.
8. Cởi mở
Đừng đưa ra giả định hoặc vội vàng kết luận về những gì người đối diện bạn đang nói. Nếu không, những định kiến của bạn có thể khiến bạn bỏ lỡ điều gì đó quan trọng.
Những người biết lắng nghe tôn trọng tất cả những gì người đối diện nói. Họ biết kiểm soát cái tôi của mình, gạt những ý kiến và niềm tin của bản thân sang một bên để có thể thực sự lắng nghe những gì đối phương đang nói.
9. Nghĩ trước khi nói
Sau khi người đối diện nói xong, hãy dành vài giây trước khi bạn đưa ra phản hồi. Điều này khiến người trò chuyện cảm thấy rõ rằng bạn có suy ngẫm về những gì họ vừa nói. Đây là điều những người biết lắng nghe luôn hiểu. Họ sẽ cân nhắc xem mình có thể cung cấp thêm thông tin giá trị không hay chỉ nên đặt thêm những câu hỏi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn