Gia đình là môi trường đầu tiên mà trẻ tiếp xúc còn cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái. Nếu lớn lên trong bầu không khí yêu thương, đứa trẻ cũng sẽ trở nên tích cực, lạc quan yêu đời. Ngược lại, khi sống trong một gia đình bất hòa, trẻ sẽ vẫy vùng trong trạng thái bất an và có những cảm xúc tiêu cực rối rắm. Ảnh hưởng này để lại hậu quả ngay cả khi trẻ trưởng thành.
Nhiều bố mẹ thường hay nhầm lẫn tình yêu của mình cho con cái chính là "Tôi sẽ mua tất cả mọi thứ mà con thích". Nhưng điều này chỉ thể hiện tình cảm từ một phía, còn trẻ coi đó như một sự vòi vĩnh, chúng sẽ không cảm thấy tình yêu của bố mẹ.
Theo các chuyên gia giáo dục, muốn biết đứa trẻ đang thiếu tình yêu thương hay không, bố mẹ có thể nhìn vào 9 "nhược điểm" sau đây, từ đó có phương pháp điều chỉnh kịp thời:
1. Trẻ em lớn lên trong gia đình thiếu tình thương thường dễ lo lắng và nóng nảy.
2. Trẻ cũng thường nhạy cảm hơn. Trẻ quá quan tâm đến thái độ của người khác trong quá trình giao tiếp, luôn luôn xem xét tâm trạng cha mẹ, không dám bày tỏ. Trẻ thiếu chính kiến, không có cá tính.
3. Chúng không thích/sợ làm phiền người khác, thích tự mình giải quyết mọi việc. Bề ngoài tỏ ra là người độc lập, có năng lực, chuyên nghiệp nhưng bên trong lại vô cùng bất an.
4. Hầu hết những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong gia đình thiếu tình thương đều trưởng thành và độc lập hơn những bạn bè cùng tuổi. Chúng thích ở một mình hơn, ít khi chủ động tiếp xúc và quan tâm đến người khác nên thường bị đánh giá lạnh lùng.
5. Trẻ ngoan quá mức, không phù hợp lứa tuổi, chỉ chăm chăm làm hài lòng bố mẹ. Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ là người thân yêu nhất, gần gũi nhất. Nếu chúng không dám bày tỏ tình cảm thật của mình thì không phải là lanh lợi hiểu chuyện mà là biểu hiện trẻ đang có cảm giác bất an trong lòng.
6. Phụ huynh ít có cơ hội nói chuyện và quan tâm nhiều đến con cái, dần dần sau một thời gian sẽ khiến mỗi quan hệ giữa bố mẹ và trẻ có khoảng cách. Trẻ bắt đầu không tin tưởng và tìm cách nói dối bố mẹ khi bị ốm đau hoặc gặp chuyện gì đấy.
7. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình thiếu thốn tình thương thường dễ xúc động hơn, bị ảnh hưởng bởi những chuyện vặt vãnh và suy nghĩ quá nhiều trước ánh mắt và lời nói của người khác. Điều này dễ hình thành tính cách dễ chiều lòng, có thói quen sai lầm trong công việc và các mối quan hệ. Mặt khác, dù rất xuất sắc nhưng trẻ vẫn cảm thấy mình chưa đủ giỏi và không đạt được gì vì mặc cảm.
8. Con có thể hình thành tâm lý buông thả, chống đối, trở nên ngang bướng, phá phách hơn khi cho rằng cha mẹ “không cần mình nữa”. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi trẻ trong độ tuổi dậy thì, dễ hình thành nên những hành vi xấu, thậm chí vượt quá chuẩn mực của xã hội nếu ba mẹ không có sự can thiệp kịp thời. Hoặc, trẻ tự gây thương tích cho bản thân mình nhằm mục đích gây ra sự lo lắng, thu hút sự chú ý từ mọi người.
9. Những đứa trẻ này cũng gặp trở ngại trong giao tiếp với người khác giới, chúng không tin đối phương thực sự yêu thương mình, thường hay sống trong nghi ngờ. Chúng khao khát tình yêu nhưng hơi phản kháng, do dự vì mặc cảm, sợ mất mát và tổn thương.
Để tránh tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, các nhà tâm lý khuyên cha mẹ không mang việc của cơ quan về nhà; Tránh những hậu quả của stress trong công việc ngoài xã hội gây căng thẳng trong gia đình làm cho trẻ cảm thấy lo âu, sợ sệt. Cha mẹ nên dành giờ để lắng nghe trẻ tâm sự về những buồn vui, động viên, giúp đỡ trẻ tìm giải pháp cho các vấn đề...
Tính cách và tài năng của đứa trẻ, suy cho cùng là chịu ảnh hưởng của gia đình. Phải biết rằng, mỗi một đứa trẻ có phẩm chất đạo đức, học hành, công việc thành công, đằng sau đều không thể thiếu sự đồng hành và ra sức nâng đỡ của cha mẹ.
Cha mẹ thay đổi suy nghĩ, làm tấm gương cho con cái, cùng con cái trưởng thành trong hạnh phúc, mang tới cho chúng một môi trường gia đình tốt đẹp và tích cực, mới là phương thuốc giáo dục ra những người con ưu tú nhất.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn