Ngày 9/10, tại Hà Nội, đại diện Văn phòng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC), trực thuộc Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (NATEC - MOST) đã công bố 9 cá nhân, tổ chức đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp về giải pháp sáng tạo hàng đầu để tăng khả năng tiếp cận cho người khuyết tật (PwDs).
9 giải pháp sáng tạo hàng đầu để tăng khả năng tiếp cận cho người khuyết tật (PwDs) đã được trình bày tại Vòng Chung kết SDG Challenge 2019 (Thử thách SDG Việt Nam) - cuộc thi đổi mới đầu tiên để tạo điều kiện cho Cộng đồng Người khuyết tật.
Cuộc thi được phát động vào giữa năm nay là một phần của các hoạt động IMPACT TECHFEST với mục đích cải thiện cuộc sống cho 6,2 triệu người khuyết tật Việt Nam. Với vòng chung kết diễn ra vào trước ngày Doanh nhân Việt Nam, cuộc thi kì vọng mang đến sự thúc đẩy một phương thức kinh doanh mới là doanh nghiệp với phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Kết quả, 9 đội xuất sắc nhất đã được chọn từ hơn 30 đội thi tiềm năng. Các đội thi đã mang đến những ý tưởng kinh doanh rất sáng tạo để khắc phục các vấn đề về khả năng tiếp cận mà người khuyết tật phải đối mặt - từ việc sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để hỗ trợ trẻ tự kỷ và gia đình của họ, đầu kéo xe lăn nhỏ gọn sử dụng pin để di chuyển đường dài cho đến kính công nghệ thông minh giúp người dùng khuyết tật vận động điều khiển các thiết bị điện tử thông qua chuyển động trên khuôn mặt.
Ngoài ra, các đội đã trải qua một chương trình ươm tạo chuyên sâu, bao gồm đào tạo phát triển kinh doanh, gặp gỡ các chuyên gia và nhà tài trợ, hỗ trợ trực tuyến từ các chuyên gia và thực hành thuyết trình.
Top 3 (Etic, Goodluck và VunArt) của cuộc thi sẽ nhận được 16.000 USD dưới dạng đầu từ phi cổ phần từ UNDP Việt Nam. Top 2 (VunArt và Goodluck) sẽ nhận được một chuyến đi tham dự TECHFEST Việt Nam tại Hàn Quốc để làm việc với các tổ chức hỗ trợ và các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, cũng như kết nối với các nhà đầu tư và chuyên gia để phát triển tiềm năng hợp tác.
Chương trình ươm tạo chuyên sâu này cũng dành cho một đội thắng cuộc (VunArt) sẽ do Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tài trợ (NSSC). Bên cạnh đó còn một giải thưởng dành cho đội tiềm năng nhất (Etic) do KisStartup trao tặng.
Phát biểu tại buổi công bố kết quả, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (NATEC - MOST), cho biết: “Hành trình khởi nghiệp không dễ dàng, nhất là đối với các doanh nghiệp xã hội đi từ những bước đầu tiên. Những giải pháp cho người khuyết tật hay những doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ chắc chắn cũng gặp nhiều thách thức. Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu, không dám tiến lên từ khó khăn thì chúng ta không có gì cả. Cùng với sự chung tay từ cộng đồng, chúng ta có thể thay đổi được, mang những sáng kiến tạo tác động trở thành hiện thực, thực sự mang đến những giá trị bền vững cho xã hội”.
Cũng tại sự kiện, bà Catherine Phương, Trợ lý Đại diện Quốc gia UNDP Việt Nam và Trưởng phòng Quản trị và Sự tham gia UNDP Việt Nam, đã gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp đã tham gia cuộc thi và đóng góp hết mình để tìm giải pháp hỗ trợ người khuyết tật.
“Khả năng tiếp cận không chỉ là quyền của người khuyết tật, mà còn là một phương tiện để đảm bảo rằng họ có thể thực hiện tất cả các quyền khác để tham gia đầy đủ vào xã hội. Đó vừa là nhu cầu xã hội, vừa là nhu cầu của thị trường, như chúng ta thấy các công ty khởi nghiệp phát triển các sản phẩm và dịch vụ cho người khuyết tật và phát triển cơ sở tiêu dùng của họ”, bà Phương nói.