9 hóa chất độc hại "ẩn nấp" trong đồ dùng của gia đình bạn

15:01 | 06/11/2023;
Nhiều hoá chất độc hại có thể "ẩn nấp" trong đồ dùng của gia đình, từ chảo rán cho đến một số sản phẩm chăm sóc cá nhân hàng ngày.

Tưởng chứng các đồ dùng trong nhà như các sản phẩm chăm sóc cá nhân, đồ gia dụng,... là vô hại nhưng trong các sản phẩm này có thể chứa một số hoá chất có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ nếu tiếp xúc trong thời gian dài.

Dưới đây là 9 hoá chất độc hại có thể có trong đồ dùng của gia đình mà mọi người nên lưu ý:

1. Chất Perfluoroalkyl (PFAS)

Đầu tiên là phải nhắc đến PFAS (chất per- và polyfluoroalkyl), được gọi là "hóa chất vĩnh viễn" vì chúng phân hủy chậm trong môi trường và cơ thể.

Việc tiếp xúc lâu dài với PFAS có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, nhẹ cân và các vấn đề về tuyến giáp và hệ miễn dịch.

Mặc dù có khả năng gây độc hại nhưng các hóa chất này vẫn được tìm thấy trong một số vật dụng thông thường trong gia đình như chảo chống dính, đồ nội thất và thảm chống vết bẩn, một số loại mỹ phẩm không thấm nước và lâu trôi (kem nền, son môi, mascara).

Để tránh tiếp xúc với hoá chất PFAS, mọi người nên chọn bát đĩa, chảo và nồi làm bằng gang, đồng, gốm, thép không gỉ và thủy tinh.

Ngoài ra, nguồn nước ô nhiễm cũng có thể chứa PFAS. Do đó, để giảm phơi nhiễm PFSA, các gia đình nên lọc nước bằng bình lọc và theo dõi chất lượng nước thường xuyên.

9 hóa chất độc hại "ẩn nấp" trong đồ dùng của gia đình bạn - Ảnh 1.

Ảnh: SKHN

2. Formaldehyde

Formaldehyde là một loại hóa chất không màu, rất dễ cháy được sử dụng nhiều trong các đồ dùng trong nhà như tủ, bàn ghế, ván ép, ván dăm, sàn gỗ công nghiệp, mỹ phẩm,... Hoá chất này có thể được hấp thụ qua đường hô hấp, tiếp xúc tại chỗ hoặc thậm chí qua đường ăn uống có chứa Formaldehyde.

Hầu hết mọi người không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khi tiếp xúc với một lượng nhỏ formaldehyde. Tuy nhiên, khi mức độ tăng lên, việc tiếp xúc nhiều với Formaldehyde có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, kích ứng mắt, mũi, họng hoặc da.

Những ảnh hưởng sức khỏe này có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng trẻ em, người lớn tuổi và những người mắc bệnh hen suyễn và các vấn đề về hô hấp khác có nhiều khả năng mắc các triệu chứng này hơn.

Đáng chú ý hơn là hít phải lượng formaldehyde rất cao trong nhiều năm có liên quan đến bệnh ung thư mũi họng hiếm gặp ở người lao động. Nhưng theo ước tính thì nguy cơ mắc bệnh ung thư do tiếp xúc với formaldehyde trong nhà có tỷ lệ ở mức thấp.

Một vài lời khuyên để giảm lượng formaldehyde trong nhà và hạn chế tiếp xúc với hoá chất này:

- Formaldehyde có trong nhiều sản phẩm như sơn móng tay, xà phòng, dầu gội, chất khử mùi và sữa dưỡng thể. Vì vậy, mọi người nên ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thành phần thiên nhiên.

- Nếu không thể tránh khỏi việc tiếp xúc, hãy tăng cường thông gió bằng cách mở cửa sổ và chạy quạt. Máy tạo độ ẩm và máy điều hòa không khí cũng nên được sử dụng để giảm độ ẩm và duy trì nhiệt độ mát hơn, vì nhiệt làm tăng lượng khí thải từ các vật liệu có chứa formaldehyde.

9 hóa chất độc hại "ẩn nấp" trong đồ dùng của gia đình bạn - Ảnh 2.

Ảnh: SKHN

3. Paraben

Paraben là hóa chất nhân tạo thường được sử dụng với số lượng nhỏ làm chất bảo quản trong mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm và đồ uống.

Paraben được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm như sản phẩm chăm sóc tóc, trang điểm, nước hoa, kem dưỡng ẩm, kem cạo râu, thuốc,...

Ảnh hưởng sức khỏe con người do tiếp xúc với hàm lượng paraben thấp vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã tìm thấy mối liên hệ tiềm ẩn giữa việc tiếp xúc với hàm lượng paraben cao và nhiều mối lo ngại về sức khỏe, cụ thể:

- Chuột đực tiếp xúc với nồng độ paraben cao có biểu hiện biến chứng về sinh sản.

- Phụ nữ mang thai tăng cơ hội sinh con gái có chỉ số khối cơ thể cao hơn.

- Có mối liên hệ tiềm tàng giữa paraben và các khối u mô vú. Tuy nhiên, tác hại này vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Nhưng có một điều đáng mừng là paraben khi vào cơ thể với hàm lượng nhỏ sẽ được đào thải nhanh chóng. Mặc dù tiếp xúc với paraben thấp không quá đáng lo nhưng mọi người vẫn nên cân nhắc chọn các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên.

9 hóa chất độc hại "ẩn nấp" trong đồ dùng của gia đình bạn - Ảnh 3.

Ảnh: SKHN

4. Bisphenol A (BPA)

Bisphenol A (BPA) được sử dụng để sản xuất nhựa polycarbonate. Hoá chất này có trong các thiết bị y tế, lớp lót hộp, hộp đựng thức ăn và đồ uống bằng nhựa.

Hoá chất BPA có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua chế độ ăn uống, nguồn nước và không khí có chứa BPA.

Nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa phơi nhiễm Bisphenol A (BPA) và rối loạn nội tiết, vô sinh và một số loại ung thư.

Để tránh tiếp xúc với BPA, mọi người nên:

- Không dùng hộp đựng thức ăn bằng nhựa polycarbonate cho vào lò vi sóng.

- Tránh dùng các sản phẩm làm từ nhựa tái chế. Mọi người có thể nhận biết các loại nhựa thông qua mác số của sản phẩm. Số 3 và số 7 thường được đánh dấu là nhựa tái chế có chứa BPA. Thay vào đó, hãy chọn loại nhựa an toàn hơn được đánh số 1, 2, 4 hoặc 5.

- Giảm việc sử dụng thực phẩm đóng hộp.

- Khi có thể, hãy chọn hộp đựng bằng thủy tinh, sứ hoặc thép không gỉ, đặc biệt để đựng thức ăn hoặc chất lỏng nóng.

9 hóa chất độc hại "ẩn nấp" trong đồ dùng của gia đình bạn - Ảnh 4.

Ảnh: SKHN

5. Phthalate

Phthalates cũng là hoá chất được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm gia dụng và chăm sóc cá nhân bao gồm sàn vinyl, chất tẩy rửa, xà phòng, rèm tắm, tấm phủ tường, bao bì thực phẩm, nước hoa, dầu gội và dầu xả, sơn móng tay, keo xịt tóc,...

Vẫn còn nhiều điều chưa biết về ảnh hưởng của phthalates đến cơ thể con người . Tuy nhiên, một số phthalate có liên quan đến sự thay đổi nồng độ hormone và dị tật bẩm sinh ở loài gặm nhấm.

Để tránh tiếp xúc với Phthalate tương đối khó khăn nhưng mọi người có thể giảm thiểu khả năng tiếp xúc với hoá chất này bằng cách mua các đồ gia dụng không chứa PVC, tránh các sản phẩm chăm sóc cá nhân có hương thơm và nước hoa.

9 hóa chất độc hại "ẩn nấp" trong đồ dùng của gia đình bạn - Ảnh 5.

Ảnh: SKHN

6. Dimethicone

Dimethicone là một loại silicone. Hoá chất này là một thành phần phổ biến trong nhiều loại mỹ phẩm, chẳng hạn như các sản phẩm chăm sóc da và tóc, vì Dimethicone có tác dụng làm mịn da và mượt tóc.

Mặc dù được FDA chấp thuận ở một số nồng độ nhất định - nhưng Dimethicone không thể phân hủy sinh học. Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia khuyến nghị giảm sử dụng dimethicone và các loại silicon có trọng lượng phân tử thấp khác.

Nhìn chung dimethicone an toàn đối với con người nhưng lại ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, bạn nên lựa chọn các sản phẩm có chứa các thành phần có thể phân hủy sinh học.

9 hóa chất độc hại "ẩn nấp" trong đồ dùng của gia đình bạn - Ảnh 6.

Ảnh: SKHN

7. Ether Glycol

Ete glycol là dung môi hòa tan các chất khác để tạo thành dung dịch. Cả hai đều không màu và dễ cháy, chúng được sử dụng làm chất tạo màu, chất làm dẻo và chất bôi trơn. Một số ete glycol là chất độc thần kinh.

Ete Glycol được sử dụng làm dung môi trong nhiều loại sản phẩm bao gồm sơn, sơn mài, thuốc nhuộm, nước hoa, xà phòng lỏng và mỹ phẩm.

Khi nói đến các sản phẩm gia dụng và làm đẹp, việc tiếp xúc với ether glycol có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cấp tính và mãn tính như thiếu máu, mệt mỏi, tổn thương gan và thận, mê man, buồn nôn và phù phổi.

Nghiên cứu khoa học cũng cho thấy mối quan hệ tương quan giữa phơi nhiễm hoá chất này trước khi sinh và những thay đổi ở não dẫn đến các vấn đề về phát triển thần kinh ở thai nhi.

9 hóa chất độc hại "ẩn nấp" trong đồ dùng của gia đình bạn - Ảnh 7.

Ảnh: SKHN

8. Amoniac

Amoniac (amoni hydroxit) là một loại khí không màu, có mùi hăng đặc trưng. Amoniac được coi là có tính ăn mòn cực cao và là một trong những chất độc thần kinh.

Mặc dù hầu hết amoniac được sản xuất để làm phân bón nhưng hoá chất này cũng có thể được sử dụng trong nhựa, dệt may và thuốc nhuộm. Trong nhà, Amoniac thường được tìm thấy trong kính, bồn cầu và chất tẩy rửa lò nướng.

Việc tiếp xúc với amoniac ở nồng độ cao có thể dẫn đến một số trình trạng sức khoẻ như:

- Nóng rát mũi, họng và đường hô hấp nếu hít phải

- Gây tổn thương ăn mòn ở miệng, cổ họng và dạ dày nếu nuốt phải

- Kích ứng da và mắt khi tiếp xúc

Ngoài ra, trộn amoniac với các chất khác (chẳng hạn như thuốc tẩy) có thể cực kỳ nguy hiểm, gây tổn thương hệ hô hấp và thậm chí tử vong.

9 hóa chất độc hại "ẩn nấp" trong đồ dùng của gia đình bạn - Ảnh 8.

Ảnh: SKHN

9. Triclosan

Triclosan là một chất kháng khuẩn và kháng nấm được thêm vào các sản phẩm như sữa tắm, kem đánh răng, mỹ phẩm, nước rửa chén, quần áo, đồ chơi và thậm chí cả đồ nội thất. Hầu hết mọi người đều tiếp xúc với triclosan trong xà phòng rửa tay kháng khuẩn và nước rửa tay.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy các triệu chứng khi tiếp xúc với triclosan bao gồm thay đổi quy định về hormone, rối loạn hệ thống miễn dịch và phát triển vi trùng kháng thuốc kháng sinh.

9 hóa chất độc hại "ẩn nấp" trong đồ dùng của gia đình bạn - Ảnh 9.

Ảnh: SKHN

Có thể nói, mặc dù các đồ dùng trong nhà có chứa một số hoá chất có thể tiềm ẩn một số nguy cơ liên quan tới nhưng khoẻ nhưng chúng ta rất khó tránh điều này. Tuy không thể tránh hoàn toàn nhưng chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách thay thế những lựa chọn tối ưu hơn, chẳng hạn như sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân có chứa thành phần thiên nhiên.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn