1. Quy tắc 50/30/20
Cách quản lý chi tiêu này có thể áp dụng trong rất nhiều trường hợp. Theo đó, các nguồn thu nhập của chúng ta nên được chia làm 3 phần:
- Phần thứ nhất chiếm 50% thu nhập dùng để chi trả các chi phí thiết yếu hàng tháng như tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, chi phí đi lại, tiền mua các nhu yếu phẩm…
- Phần thứ hai chiếm 30% thu nhập phục vụ cho các sở thích cá nhân như: Mua sắm, giải trí, tiệc tùng hoặc bất cứ điều gì liên quan đến cuộc sống tinh thần của bạn.
- Phần cuối cùng chiếm 20% thu nhập là khoản tiết kiệm lâu dài, nên được “niêm phong” bằng cách gửi vào ngân hàng hoặc quy đổi thành vàng, ngoại tệ…
2. Mua hàng số lượng lớn
Quy tắc này nên được áp dụng cho những sản phẩm sử dụng hàng ngày để tránh lãng phí. Ví dụ với những mặt hàng có thời hạn sử dụng lâu như kem đánh răng, bột giặt, bạn nên mua với số lượng lớn để sử dụng trong 1-2 năm khi sản phẩm này đang giảm giá. Điều này giúp bạn có thể tránh được khi giá sản phẩm tăng và tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể so với việc mua lắt nhắt.
3. Không nên dùng thẻ tín dụng
Theo “Cá mập Mỹ” Mark Cuban, thẻ tín dụng là một trong những khoản đầu tư tệ nhất mà bạn có thể thực hiện. Theo ông, công cụ thanh toán này có thể khiến bạn dễ bị vung tay quá trán, lạm chi và thậm chí là mua cả các mặt hàng bản thân không hề cần thiết bằng khoản tiền thực chất không phải của mình.
Sau khi chi tiêu quá tay và không có khả năng thanh toán khi đến hạn, chúng ta còn phải gánh thêm khoản tiền lãi không nhỏ từ thẻ tín dụng.
4. Cố gắng mua từ nhà sản xuất
Trước khi mua một món đồ nào đó trong cửa hàng, bạn nên tự hỏi liệu mình có thể mua sản phẩm đó trực tiếp từ nhà sản xuất không. Bạn hoàn toàn có thể mua được sản phẩm đó với giá bán thấp hơn nếu trực tiếp mua từ nhà sản xuất. Bên cạnh đó, bạn có thể rủ đồng nghiệp, bạn bè cùng mua với số lượng lớn để thoả thuận mức giá hấp dẫn hơn.
5. Không tiêu tiền chính là cách tiết kiệm
Có một chân lý dễ dàng nhận ra là bạn càng tiêu ít bao nhiêu thì bạn càng sở hữu nhiều tiền bấy nhiêu. Do đó, để có thể trở thành người giàu có, việc trước tiên chính là thận trọng trong mỗi khoản chi tiêu cá nhân.
Để chi tiêu một cách hiệu quả, trước khi mua một món đồ nào đó, hãy tự hỏi bản thân “Liệu mình có thực sự cần nó hay không?” hay “Điều gì sẽ xảy ra nếu mình không mua nó?”.
“Mọi người luôn ngạc nhiên vì tôi không hề có một tủ áo quần đầy ắp hàng hiệu. Trên thực tế, tôi chỉ mua 3 bộ vest trong mỗi 5 năm hoặc thậm chí là lâu hơn và hiện tại tôi chỉ sở hữu 10 bộ vest. Đó là tất cả những gì tôi cần”, tỷ phú dầu mỏ T. Boone Pickens cho biết.
6. Sống phù hợp với điều kiện hiện tại
Vấn đề lớn của nhiều người là họ chi tiêu nhiều hơn những gì họ kiếm được. Cách duy nhất bạn có thể tăng ngân sách của mình chính là sống dưới mức điều kiện thực tế.
Có những người cố gắng xây nhà thật to và đẹp chỉ để gây ấn tượng với người khác. Hãy sống vừa đủ để thoải mái và đừng quá bận tâm đến lời bình luận, suy nghĩ của người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
7. Đừng kiếm tiền một cách thụ động
Có một sai lầm mà nhiều người đang mắc phải là "cắm đầu cắm cổ" vào làm bất kể ngày đêm để kiếm từng đồng mà quên rằng thời gian cũng là vàng, là bạc. Hãy tận dụng thời gian của mình cho những hoạt động có thể khiến tiền của bạn sinh lời, khiến tiền "đẻ" ra tiền thay vì chỉ làm công ăn lương hết ngày hết tháng.
8. Mở rộng quan hệ với người thành công
Những người xung quanh thường sẽ có ảnh hưởng đến cuộc sống và tư tưởng của mỗi chúng ta. Nếu kết bạn được với những người tài năng có chung tầm nhìn, bạn có thể nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo hơn và tăng khả năng biến chúng thành hiện thực. Tiếp xúc với những người thành công, bạn không chỉ được truyền cảm hứng mà còn được khuyến khích hành động và theo đuổi giấc mơ.
"Trong hầu hết các trường hợp, giá trị ròng của bạn phản ánh mức độ những người bạn thân nhất của bạn… Chúng ta sẽ dần trở nên giống những người mà chúng ta hay giao thiệp", triệu phú tự thân kiêm tác giả sách Steve Siebold chia sẻ
9. Tiền không phải tất cả
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của tiền bạc trong cuộc sống. Tiền giúp chúng ta có nơi ở tốt hơn, mua được các thực phẩm và cho con cái học ở những ngôi trường tốt nhất. Thế nhưng, tiền không phải là tất cả.
Bạn có thể mua một ngôi nhà để ở nhưng không thể mua một gia đình để sống cùng. Tiền có thể cải thiện chất lượng cuộc sống nhưng nó không thể so sánh với sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè, sức khỏe và sự hạnh phúc.
"Tiền không phải là tất cả và nó không đáng để bạn hy sinh sức khoẻ, gia đình, bạn bè hay những trải nghiệm khác. Tôi đã mất một vài người bạn và căng thẳng với các mối quan hệ khác vì dành quá nhiều thời gian để ở lại trễ trong văn phòng hay hối hả với các thương vụ vào cuối tuần. Mặc dù tôi thực sự tin rằng tiền đem đến sự tự do, tuy nhiên tiền thực sự chỉ là một công cụ để làm cuộc sống của chúng ta tốt hơn thôi chứ không phải là tất cả", Grant Sabatier, người từng trở thành triệu phú chỉ trong vòng 5 năm chia sẻ.
Hãy luôn trân trọng gia đình, những người thân yêu, thời gian và sức khỏe của bạn!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn