9 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2023 của tỉnh Đắk Lắk gồm:
(1) Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, nhất là vai trò của người đứng đầu; xem xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng, một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện kiên trì, kiên nhẫn, thường xuyên và liên tục, phải xác định xây dựng nông thôn mới "có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc".
(2) Tập trung hoàn thành các văn bản quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình; chỉ đạo cấp huyện chủ động ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của chương trình theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững.
(3) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn về các nội dung mới, yêu cầu mới của chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025".
(4) Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 để chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của chương trình năm 2023; tập trung triển khai hiệu quả 06 chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đế bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới (môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP; chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn…).
(5) Thường xuyên kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện chương trình ở các cấp đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến địa phương (huyện, xã), ưu tiên bố trí đủ người có tâm huyết, đủ năng lực cho bộ máy tham mưu về xây dựng nông thôn mới. Nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới chuyên trách ngày càng chuyên nghiệp.
(6) Tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Các đơn vị, địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, đảm bảo tập trung, hiệu quả tránh dàn trải, phân tán làm lãng phí nguồn vốn ngân sách; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục khuyến khích cho vay ủy thác; tăng cường vận động nguồn lực từ các doanh nghiệp, các tổ chức…
(7) Thực hiện có hiệu quả chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 để góp phần giải quyết các vấn đề từ thực tiễn đặt ra trong phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh.
(8) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể các cấp, vai trò chủ thể của người dân trong giám sát, phản biện về kết quả xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
(9) Tiếp tục và triển khai thực hiện xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; thôn, buôn đạt chuẩn nông thôn mới; khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn