Quế (có tên khoa học là cinnamamum) là loại gia vị cũng như hương liệu được các gia đình Việt sử dụng phổ biến. Dưới đây là 9 tác dụng của quế đối với sức khỏe được dẫn chứng từ các nghiên cứu khoa học.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một thìa quế xay 2,6g chứa: 6,42 calo, 2,1g carbohydrate, 26,1mg canxi, 0,21mg sắt, 1,56mg magie, 1,66mg phốt pho, 11,2mg ka li, 0,39 microgam vitamin A,... Ngoài ra quế còn chứa một lượng vitamin B và vitamin K cùng các chất chống oxy hóa mạnh mẽ như choline, polyphenol,...
Thành phần chính của vỏ cây quế là cinnamadehyde. Theo nhiều nghiên cứu thì chất này đem lại nhiều tác dụng mạnh mẽ tới sức khỏe và quá trình trao đổi chất (1, 2).
Sau khi lấy lớp vỏ ra khỏi thân, vỏ này sẽ được phơi khô và cán thành dạng que hay nghiền nát thành bột mịn để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó có làm thuốc trong y học.
Có 2 loại quế chính có hàm lượng cinnamadehyde, màu sắc cũng như mùi vị khác nhau.
- Quế Ceylon hay còn gọi là quế thật với giá thành đắt đỏ, có chứa 50 - 63% cinnamadehyde, vị ngọt nhẹ, ít đắt và màu nâu hơi đậm.
- Quế Cassia có chứa 95% cinnamadehyde nên có vị cay nồng và đắng hơn so với các loại quế khác.
Quế chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ, bao gồm cả polyphenol giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương do quá trình oxy hóa gây ra bởi các gốc tự do (3).
Một nghiên cứu cho thấy việc bổ sung quế có thể làm tăng đáng kể mức độ chống oxy trong máu đồng thời giúp giảm mức độ của các chất đánh dấu được sử dụng để do tình trạng viêm, chẳng hạn như protein phản ứng C (4).
Trên thực tế, có nghiên cứ đã chỉ ra rằng, chất chống oxy hóa trong quế mạnh đến mức nó còn được sử dụng như một chất bảo quản thực phẩm tự nhiên (5).
Viêm là đặc tính cực kì quan trọng vì nó giúp cơ thể bạn phản ứng với nhiễm trùng và sửa chữa tổn thương mô. Tuy nhiên, viêm có thể trở thành một vấn đề khi tiến triển thành mãn tính và hướng đến các mô của chính cơ thể bạn (6).
Các nghiên cứu đã chỉ ra quế có đặc tính chống viêm mạnh mẽ giúp giải quyết tình trạng này (7, 8).
Quế có liên quan tới việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Theo một đánh giá thì bổ sung ít nhất 1,5g quế mỗi ngày có liên quan tới giảm mức độ chất béo trung tính, cholesterol toàn phần, cholesterol có hại (LDL) và đường huyết ở những người bị bệnh chuyển hóa (9); đặc biệt là khi tiêu thụ liên tục trong ít nhất 8 tuần (10, 11).
Từ đó có thể thấy được quế có thể góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Insulin cần thiết cho việc vận chuyển đường huyết tới tế bào của bạn (12). Tuy nhiên, có một số người không có độ nhạy với insulin hay còn gọi là kháng insulin dẫn tới các tình trạng như hội chứng chuyển hóa hay tiểu đường type 2 (13).
Thực tế vẫn cần nhiều nghiên cứu sâu hơn, nhưng trước mắt các nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng quế có thể giúp giảm tình trạng kháng insulin bằng cách tăng độ nhạy cảm nhờ tác dụng giảm lượng đường trong máu và hỗ trợ kiểm soát đường huyết tốt hơn (14, 15).
Như đã nói ở trên, ngoài tác dụng trong việc cải thiện độ nhạy insulin thì quế có thể giúp giảm đường huyết thông qua một số cơ chế khác.
Đầu tiên quế đã được chứng minh là giúp giảm đường huyết sau bữa ăn bằng cách can thiệp vào nhiều enzyme tiêu hóa, làm chậm quá trình phân hủy carbonhydrate trong đường tiêu hóa (16, 17).
Tiếp đó, hợp chất trong quế có thể bắt chước tác dụng của insulin để cải thiện sự hấp thu đường vào tế bào (18). Nhiều nghiên cứu trên người cũng đã xác nhận tác dụng có lợi của loại gia vị này trong việc cải thiện lượng đường huyết lúc đói và cải thiện hemoglobin A1c (HbA1c) - mục tiêu trong kiểm soát đường huyết lâu dài (19, 20).
Theo các nghiên cứu này thì liều hiệu quả là 1 - 6g hoặc 0.5 - 2 thìa cà phê mỗi ngày.
Các bệnh thoái hóa thần kinh được đặc trưng bởi sự mất dần cấu trúc hoặc chức năng của các tế bào thần kinh. Bệnh Alzheimer và Parkinson là hai bệnh phổ biến nhất của thoái hóa thần kinh.
Có một số hợp chất nhất định được tìm thấy trong quế dường như ức chế sự tích tụ của một loại protein gọi là TAU (loại protein liên kết vi chất được tìm thấy trong hầu hết các mô và tồn tại rất cao trong hệ thần kinh trung ương và ngoại vi) - dấu hiệu của bệnh Alzheimer (21, 22).
Trong một nghiên cứu năm 2014 trên chuột bị Parkinson, quế giúp bảo vệ tế bào thần kinh, bình thường hóa mức độ dẫn truyền thần kinh và cải thiện chức năng vận động. Tuy nhiên nghiên cứu này cần được chuyên sâu hơn trên người (23).
Cinnamaldehyde có lợi trong việc chống lại các loại nhiễm trùng. Các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy dầu quế có thể giúp tiêu diệt một số loại nấm gây nhiễm trùng đường hô hấp (24) và một số loại vi khuẩn bao gồm cả Listeria và Salmonella (25, 26).
Ngoài ra, tác dụng kháng khuẩn này của quế cũng góp phần vào việc ngăn ngừa sâu răng và giảm hôi miệng (27).
Tuy nhiên các bằng chứng hầu hết chỉ giới hạn trong các nghiên cứu ống nghiệm, vì thế cần nghiên cứu sâu hơn trên người.
Béo phì cũng được biết đến là một hội chứng chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường. Nhiều người tin rằng nhờ lượng lớn polyphenol mà giảm cân bằng quế đem lại hiệu quả bằng cách thúc đẩy quá trình trao đổi chất, phá vỡ các liên kết peptit trong cơ thể và giảm mỡ bụng nhờ hydrocinnamadehyde.
Để giảm cân bằng quế thì bạn có thể kết hợp sử dụng cùng các loại khác như mật ong, chanh hoặc gừng.
Việc lạm dụng quế có thể dẫn tới một số nguy cơ sức khỏe bao gồm:
- Tổn thương gan, nhiễm độc tính
- Dị ứng
- Tăng nguy cơ tổn thương DNA
- Tăng thân nhiệt
- Lở/loét miệng
- Tương tác với một số loại thuốc sử dụng trong điều trị bệnh tim hoặc đái tháo đường
- Ngứa họng
- Một số vấn đề trong quá trình mang thai.
Chính vì thế nếu muốn sử dụng quế và tận dụng các công dụng của quế đối với sức khỏe, tốt nhất bạn nên tham khảo thầy thuốc hoặc bác sĩ chủ trị nếu đang gặp phải các vấn đề sức khỏe.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn