Trong quá trình phát triển, hầu hết mọi trẻ em đều trải qua những thói quen nhất định. Về cơ bản, chúng chỉ là những giai đoạn và sau đó sẽ hết. Tuy nhiên, có những thói quen thực sự không tốt cho sức khỏe của trẻ và đây là cách mà bố mẹ có thể can thiệp để hỗ trợ con bỏ những tật xấu này:
1. Mút ngón tay
Theo các nhà tâm lý học, mút ngón tay là thói quen mà rất nhiều trẻ đều sẽ trải qua. Đây là thói quen nhẹ nhàng mà trẻ hay làm để giảm sự lo lắng. Khi trẻ còn nhỏ điều này là tương đối bình thường. Nhưng khi con bạn đã ở tuổi học mẫu giáo mà vẫn có thói quen này thì hãy giúp con bằng cách:
- Cố gắng hạn chế thời gian con dành để mút tay. Ví dụ bạn dặn dò con rằng việc mút tay chỉ trước khi đi ngủ, không nên thực hiện ở nơi công cộng. Sau đó khắc phục dần dần.
- Đừng quát tháo, cấm đoán con theo kiểu: “Con không được mút tay nữa”. Thay vào đó, hãy khen ngợi con khi con ngừng mút tay. Điều đó sẽ giúp trẻ thấy thích thú hơn và tự từ bỏ tật mút tay này.
- Cố gắng nói chuyện với con về việc này. Phân tích cho con việc mút ngón tay như vậy là không tốt một chút nào. Sự giải thích nhẹ nhàng này giúp con nâng cao nhận thức. Ngoài ra, bạn có thể đưa cho con những gợi ý khác thay thế thay vì mút tay.
- Tìm một số cách giải thích sáng tạo, đánh vào sở thích của con để con ngừng mút tay. Ví dụ như việc bạn nói rằng: “Khi người ta lớn, người ta sẽ không mút tay nữa, con có thấy người Nhện, siêu nhân mút tay của mình không?”.
2. Đòi hỏi, vòi vĩnh
Dạy con cách đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi sao cho hợp lí là điều khá quan trọng. Hành vi đòi hỏi, vòi vĩnh của trẻ em là khá phổ biến. Và đây là một số lời khuyên dành cho bố mẹ:
- Thảo luận vấn đề này với con bạn, cố gắng giải thích cho con hiểu sự khác biệt giữa sự đòi hỏi lịch sự và sự vòi vĩnh vô lý. Ngoài ra, bạn cũng cần phải kiên quyết trong việc không chiều theo mọi yêu sách của con. Có những thứ không cần thiết bạn nhất định phải nói “Không” để con hiểu rằng không phải cứ ăn vạ, vòi vĩnh là đòi được thứ mình thích.
- Một trong những điều quan trọng nhất là việc chính bạn phải làm gương cho con. Nếu bạn thể hiện hành vi đòi hỏi trước mặt con, đừng ngạc nhiên nếu con bạn cũng làm điều tương tự như thế.
- Không nên có thái độ phản ứng thái quá khi con đòi hỏi thứ gì đó. Hãy kiềm chế cảm xúc và từ từ phân tích cho con khi cả hai bình tĩnh lại.
3. Nghiến răng
Nhiều bậc cha mẹ thường thấy con mình nghiến răng khi đang ngủ, thậm chí có bé còn nghiến răng ngay cả khi thức. Tình trạng này được gọi là Bruxism. Dưới đây là cách bạn có thể giúp con:
- Theo các nhà nghiên cứu, Bruxism chủ yếu là do căng thẳng ở trẻ em ví dụ như lo lắng về bàn kiểm tra ở trường hay việc chuyển nơi ở… Điều bố mẹ cần làm là nói chuyện với con để giải tỏa những bất an, lo lắng trong lòng con.
- Bạn cũng có thể giúp con kiểm soát việc nghiến răng bằng các thư giãn trước khi con ngủ như cho trẻ tắm nước ấm, nghe nhạc, đọc sách…
- Trong những trường hợp đặc biệt, nếu căng thẳng ở trẻ quá nghiêm trọng bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để ngăn chặn chứng nghiến răng bằng phương pháp y học. Tuyệt đối không được chủ quan, bỏ qua tình trạng này vì nó có thể gây hại cho con bạn.
4. Cắn móng tay
Có rất nhiều lý do khiến trẻ cắn móng tay, ví dụ như căng thẳng, tò mò, buồn chán hoặc chỉ vì một thói quen. Điều tồi tệ nhất là thói quen này có thể theo đến tận khi trưởng thành. Vì vậy, nếu bố mẹ thấy trẻ có thói quen này liên tục trong một thời gian dài, hãy giúp con bằng cách:
- Cố gắng hiểu nguyên nhân, xem con có căng thẳng, áp lực điều gì không. Khi xác định được tình trạng hãy giúp đỡ con giải tỏa.
- Giúp con nhận thức được việc mình đang làm vì đôi khi đây là thói quen mà chính trẻ cũng không biết là mình cắn móng tay. Bởi vậy khi con làm thế, hãy nhắc nhở con.
- Đưa ra một lời gợi ý đầy sáng tạo. Nếu là con gái thích cắn móng tay, bạn có thể mua loại dán sticker xinh xinh lên móng tay. Bé sẽ rất thích thú và cảm thấy mình như một nàng công chúa và không muốn phá hỏng móng tay xinh của mình.
5. Ngoáy mũi
Đây là một việc thật ngại khi nhắc đến nhưng thực tế là những đứa trẻ đáng yêu của chúng ta rất thích việc ngoáy mũi, thậm chí là ăn luôn những gì chúng “đào được” ra. Đây không chỉ là một thói quen khó chịu mà còn là cách lây lan vi khuẩn gây bệnh viêm phổi. Hãy áp dụng một số mẹo dưới đây để giúp con:
- Ngay lập tức gọi con ra và đưa cho con khăn giấy khi con ngoáy mũi. Bởi vì thói quen này nhiều khi trẻ làm một cách vô thức không nhận ra.
- Ngồi nói chuyện với con và giải thích về những hậu quả có thể xảy ra khi con ngoáy mũi. Hãy nói chuyện với con như người lớn, trẻ em thích khi được coi trọng và hành xử như người lớn.
- Cố gắng lôi kéo con vào các hoạt động để tay chân luôn bận rộn. Bằng cách này, trẻ sẽ không thấy nhàm chán và rồi ngoáy mũi.
6. Ăn nói xấc xược
Hành vi này khó tránh khi nuôi một đứa trẻ bởi nhận thức của trẻ nhiều khi còn hạn chế nên không hiểu được lời mình nói ra là chưa đúng đắn.
- Hãy chắc chắn rằng con của bạn được quan tâm đầy đủ. Một đứa trẻ được bố mẹ lắng nghe, chia sẻ sẽ hạn chế hơn việc trẻ ăn nói xấc xược.
- Cẩn thận với các chương trình TV, âm nhạc hay các nội dung trên Internet mà trẻ xem vì có thể chính nó là nơi mà trẻ học những cách ăn nói không đúng mực.
- Đừng phản ứng quá gay gắt và thể hiện sự tức giận của bạn khi con nói những câu hỗn hào. Hãy cố gắng tìm cách giải thích rằng con nên tôn trọng mọi người và hành vi, lời nói như vậy là không tốt.
- Và tất nhiên, bố mẹ phải luôn làm gương, không được phép nói chuyện có những lời lẽ khiếm nhã trước mặt trẻ vì trẻ có thể học tập theo
7. Nói dối
Có một số lý do con bạn nói dối: che đậy điều gì đó, làm cho câu chuyện trở nên thú vị hơn, thu hút sự chú ý, để có được những thứ mà chúng muốn… Thông thường, trẻ bắt đầu nói dối khi khoảng 3 tuổi nhưng bắt đầu trở nên thường xuyên hơn khi 4 – 6 tuổi. Những lời nói dối khi trẻ lớn càng trở nên phức tạp hơn khi trẻ đã hiểu được người khác nghĩ như thế nào. Dưới đây là cách khắc phục:
- Khuyến khích con bạn nói sự thật. Bất kể con đã làm gì sai, hãy nói với con rằng bạn sẽ vui hơn khi con nói sự thật thay vì giấu giếm. Vì thế đừng cáu gắt hay nổi giận khi trẻ thú nhận 1 sự thật nào đó không như bạn mong muốn bởi vì chí ít bạn đang tạo cho trẻ thói quen nói sự thật thay vì giấu giếm hoặc nói dối.
- Giúp con tránh được những tình huống mà bé cảm thấy cần phải nói dối. Ví dụ: Nếu bạn nhìn thấy nền nhà sữa bị đổ lênh láng, thay vì tra khảo ai đã làm đổ nó thì hãy nói với con rằng việc này đã xảy ra rồi, hai mẹ con mình sẽ cùng nhau dọn dẹp nó nhé.
- Phân tích việc nói dối với con bạn, cố gắng giải thích với con rằng nói dối là xấu và nên thành thật trong cuộc sống.
8. Lau tay lên quần áo
Trẻ em (thậm chí và cả người lớn) cũng hay có thói quen quen lau tay lên quần áo. Đó có thể là thức ăn, bụi bẩn, hay bất cứ thứ gì. Để giúp con chữa tật xấu này, hãy áp dụng các cách sau:
- Luôn cho con một chiếc khăn ăn khi chúng đang ăn, biến điều này thành thói quen thường xuyên, đồng thời nhắc nhở con lau miệng và lau tay.
- Cung cấp khăn ăn, giấy lau tay khi con làm những việc như tô màu, vẽ tranh…
- Đừng tức giận khi con lau tay vào quần áo vì không một đứa trẻ nào có thể có tâm trạng tốt để lĩnh hội bài học khi bị mắng mỏ.
9. “Nghiện” tivi, điện thoại
Theo nhiều nghiên cứu, thời gian trẻ em xem điện thoại, tivi hiện nay thực sự đáng lo ngại. Ví dụ, trẻ em dưới 6 tuổi dành hơn 2 giờ mỗi ngày để xem tivi hoặc chơi trò chơi trên thiết bị di động. Nghiện công nghệ chắc chắn là không tốt cho sự phát triển của một đứa trẻ và cha mẹ nên nhận thức được điều này. Muốn con cai nghiện, bố mẹ phải làm những điều sau:
- Hãy làm gương cho con bạn. Nếu con thấy bạn đọc sách thay vì điện thoại, con cũng sẽ làm thế.
- Dành thời gian vui vẻ cùng con, thay vì xem tivi trong khi bạn ở nhà, hãy cố gắng tham gia vào các hoạt động khác nhau như cùng con vẽ tranh, chơi trò chơi
- Đặt ra thời gian giới hạn các trò chơi trên điện thoại hoặc thời gian xem tivi. Tất nhiên, rất khó để cấm hoàn toàn nhưng đưa ra một khoản thời gian cố định và ngắn sẽ giúp ích nhiều hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn