Khi bị cúm, người bệnh thường mệt mỏi và chán ăn. Tuy nhiên, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể sẽ giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng, hỗ trợ làm giảm các triệu chứng cúm.
Bên cạnh việc nghỉ ngơi, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, mọi người có thể bổ sung những thực phẩm và đồ uống sau.
Các triệu chứng của bệnh cúm bao gồm sốt, tiêu chảy, nôn mửa… nên dẫn tới tình trạng mất nước. Lúc này, cơ thể cần được bổ sung điện giải và nước đầy đủ.
Trong một số nghiên cứu đã cho thấy rằng, bổ sung nước ấm thúc đẩy quá trình tiết nước bọt và chất nhầy đường thở để bôi trơn và làm dịu đường hô hấp trên. Vì vậy, sẽ giúp giảm các triệu chứng sổ mũi, ho, hắt hơi, đau họng, ớn lạnh và mệt mỏi.
Các bạn có thể uống nước ấm, nước hầm xương, hầm gà. Tuy nhiên, nên tránh những loại nước hầm, thực phẩm có hàm lượng natri cao.
Súp gà thường là món được khuyến khuyến bổ sung khi bị cúm, cảm lạnh hoặc mệt mỏi. Các thành phần trong súp gà kết hợp với nhau có thể làm giảm viêm và hỗ trợ hệ thống miễn dịch, từ đó giúp giảm các triệu chứng bệnh cúm, giúp người bệnh nhanh hồi phục.
Các bạn có thể nấu súp với gà với rau xanh hoặc đậu xanh để cân bằng dưỡng chất.
Tỏi có chứa các hợp chất giúp hệ thống miễn dịch chống lại vi trùng. Ngoài ra, những hợp chất trong tỏi có khả năng thúc đẩy phản ứng chống lại bệnh tật của một số loại tế bào bạch cầu trong cơ thể khi chúng gặp phải virus, chẳng hạn như virus gây ra cảm lạnh thông thường hoặc cúm.
Các bạn có thể ăn tỏi sống, kết hợp với các món ăn hoặc ngâm tỏi với mật ong để sử dụng.
Sự thiếu hụt vitamin C sẽ làm suy yếu đáng kể hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Một số nghiên cứu cho thấy vitamin C có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng và kéo dài của cảm lạnh thông thường, vốn có chung một số triệu chứng với bệnh cúm.
Một số loại trái cây giàu vitamin C các bạn có thể bổ sung khi bị cúm như: Trái cây có múi như cam và bưởi, kiwi, khoai tây, ớt, bông cải xanh, bắp cải Brucxen, dâu tây, cà chua, dưa lưới…
Các loại rau xanh giàu vitamin C giúp tăng cường miễn dịch, chống viêm nhiễm như rau bina, bắp cải, cải xoăn, rau muống, cải thìa…
Hơn nữa, rau xanh còn chứa hàm lượng sắt tương đối, chất này cần thiết cho việc sản xuất các tế bào miễn dịch, đặc biệt là tế bào bạch cầu, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Các bạn có thể luộc, nấu canh hoặc nấu cùng cháo để dễ ăn, nhất là khi cơ thể đang mệt mỏi và chán ăn.
Khi bị cúm, nhất là có các triệu chứng như đau họng, ho, ngứa họng… bạn có thể dùng mật ong để làm dịu họng, giảm các cơn ho. Vì mật ong có đặc tính kháng khuẩn và làm lành vết thương, nên khi bị nhiễm virus cúm, bạn hoàn toàn có thể dùng mật ong để hỗ trợ điều trị.
Bạn có thể sử dụng mật ong với nhiều cách như pha với nước ấm, hấp với quất, pha với nước chanh, kết hợp với gừng hoặc tỏi…
Lưu ý, không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây ngộ độc.
Trà có chứa một nhóm chất chống oxy hóa gọi là polyphenol, được nghiên cứu cho thấy có tác dụng bảo vệ chống lại các bệnh mãn tính.
Trong các nghiên cứu, hoa cúc đã được chứng minh là có đặc tính kháng khuẩn, trà bạc hà có thể giúp làm dịu các triệu chứng tiêu hóa. Trà xanh có chứa một loại polyphenol được gọi là catechin, mà các nghiên cứu cho thấy có thể làm tăng số lượng tế bào T điều hòa, giúp kiểm soát hệ thống miễn dịch.
Tuy nhiên, các bạn không nên chọn các loại trà có chứa caffeine như trà đen, vì loại đồ uống này có thể gây ra tình trạng mất nước.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chiết xuất gừng cung cấp các đặc tính chống vi khuẩn. Trong khi curcumin, một hợp chất tự nhiên có trong nghệ, có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm.
Mặc dù có lợi cho những người bị cúm, nhưng gừng và nghệ không mang tính điều trị, chỉ góp phần hỗ trợ làm giảm các triệu chứng và quá trình hồi phục của người bệnh.
Các bạn có thể cho gừng và nghệ vào các món ăn phù hợp. Nhưng cần lưu ý, mọi người chỉ nên sử dụng gừng và nghệ vừa đủ, nếu ăn quá nhiều có thể gây ra một vài tác dụng phụ như:
- Sử dụng gừng với liều lượng lớn sẽ gây ra tình trạng khó chịu ở bụng, ợ chua, tiêu chảy, kích ứng miệng và cổ họng.
- Do hoạt tính chống đông máu, curcumin trong nghệ có thể gây chảy máu quá nhiều nếu dùng chung với thuốc làm loãng máu như aspirin, clopidogrel (Plavix) hoặc warfarin. Vì vậy, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Khi bị cảm cúm, bạn có thể sẽ bị tiêu chảy hoặc nôn mửa. Sử dụng sữa chua có thể khôi phục vi khuẩn khỏe mạnh sống trong đường ruột và cải thiện sức khỏe.
Mọi người có thể kết hợp sữa chua với hoa quả, các loại hạt để bổ sung đa dạng dưỡng chất hơn.
Bên cạnh những thực phẩm và đồ uống có thể giúp làm giảm các triệu chứng cảm cúm thì một số thực phẩm lại có thể làm bệnh trầm trọng hơn. Vì vậy, khi bị cúm, mọi người nên hạn chế một số loại thực phẩm sau:
- Đồ uống có chứa caffeine có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước, nên mọi người không nên uống cà phê, trà đen, soda.
- Đồ uống có cồn như rượu có thể làm suy giảm hệ miễn dịch và làm bạn mất nước nhiều hơn.
- Các sản phẩm làm từ sữa sẽ làm đặc chất nhầy nên khiến tình trạng nghẹt mũi trầm trọng hơn.
- Sản phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều natri và chất béo bão hoà, mà các chất này có thể gây ra tình trạng viêm cơ thể, ảnh hưởng tới quá trình hồi phục khi bị cúm.
Nhìn chung, các thực phẩm trên không mang tính điều trị mà chỉ có tác dụng hỗ trợ làm giảm các triệu chứng và giúp người bệnh nhanh hồi phục. Để điều trị cảm cúm nhanh chóng, các bạn nên kết hợp thêm hướng điều trị từ bác sĩ. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm, nên đến bệnh viện để được kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn