90% lao động nữ di cư khó tiếp cận an sinh xã hội

13:45 | 29/12/2017;
Lao động khu vực phi chính thức đóng góp tới 20% tổng GDP của cả nước, nhưng lực lượng lao động này, đặc biệt là phụ nữ di cư lại ít có cơ hội tiếp cận đầy đủ các chính sách an sinh xã hội để có cuộc sống bền vững.
lao-dong-nu-di-cu.jpg
Nhóm lao động giúp việc gia đình tại Hội thảo thường niên với chủ đề “Con đường chúng tôi đi”

  

Ngày 28/12, Mạng Hành động vì lao động di cư – M.net tổ chức Hội thảo thường niên với chủ đề “Con đường chúng tôi đi” nhằm chia sẻ thông tin về kết quả hoạt động, đồng thời là dịp để các nhóm lao động di cư như lao động giúp việc gia đình, bán hàng rong, nhặt rác… gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu và cùng nâng cao năng lực cũng như cơ hội tiếp cận các chính sách an sinh xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng – GFCD, cho biết: Xu hướng luồng di cư từ nông thôn ra thành thị ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Năm 1989 mới có 1,3 triệu người di cư, nhưng đến 2009, con số này đã tăng lên 3,4 triệu người.

Đến 2019, dự báo có tới 5 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị, chiếm khoảng 5% dân số.

Theo bà Ngọc Anh, trong số lao động di cư, phụ nữ chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng. Cụ thể, có 42% lao động nữ di cư từ nông thông ra thành phố năm 1989, đã nâng lên tới 54% vào năm 2013. Họ có độ tuổi khá trẻ, là 23 tuổi và đa số có gia đình. Điều đáng lưu ý, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật tương đối thấp, trên 90% không có bất kỳ chứng chỉ tay nghề nào.

bang-thong-ke-lao-dong-di-cu-chua-tiep-can-an-sinh.jpg
Lao động nữ di cư khó tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội

 


“Lao động nữ di cư phải đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống khi phải tách ra khỏi gia đình, xóm giềng ở quê”, bà Ngọc Anh nói. Cư ngụ tại thành phố, họ phải chịu mức phí sinh hoạt cao, môi trường sống không đảm bảo an ninh, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo; có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của buôn bán người, bóc lột sức lao động, nạn nhân của bạo lực, xâm hại…

Họ ít tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể tại nơi đến. Vì vậy, lao động nữ di cư ít được tiếp cận dịch vụ xã hội, chưa được hỗ trợ và thiếu cơ hội tiếp cận đầy đủ về các chính sách an sinh xã hội. Theo thống kê, có 90% lao động khó tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội và chính sách công tại nơi đến.

Chất lượng cuộc sống và quyền của người lao động di cư không được đảm bảo, đặc biệt là “lao động nữ với hơn 80% lao động nữ di cư có đem theo con; chưa có chính sách riêng biệt về y tế và giáo dục dành cho các con của lao động di cư”, bà Ngọc Anh nói.

 

ganh-hang-rong.jpg
Lao động nữ di cư từ nông thôn ra thành phố

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn