Không như các vấn đề da liễu thông thường, sẹo rỗ xảy ra do cấu trúc da bị tổn thương và tăng sinh/giảm collagen bất thường. Do đó, việc điều trị sẹo rỗ thường mất nhiều thời gian, đòi hỏi phải tính kiên nhẫn và tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn từ bác sĩ da liễu. Dựa vào nguyên nhân và cách thức phân loại sẹo rỗ mà chúng ta có các biện pháp điều trị chuyên sâu khác nhau.
Bôi thuốc trị sẹo rỗ
Thuốc trị sẹo được áp dụng khi trường hợp sẹo rỗ mới hình thành và đang có mức độ nhẹ, phạm vi tổn thương nhỏ. Thuốc có tác dụng kích thích da tăng sinh collagen, elastin và phục hồi các tế bào bị tổn thương. Bạn nên lựa chọn các loại thuốc có thành phần Heparin, Allatoin, Glucosamine, Coenzyme Q10, vitamin E, B, C, A,... cùng các tinh chất nha đam, hành tây thúc đẩy tái tạo mô da hư tổn, xây dựng liên kết và cải thiện độ săn chắc và sức khỏe của làn da.
Bôi thuốc trị sẹo rỗ chỉ đem lại cải thiện rõ rệt đối với vết sẹo mới hình thành, độ lõm nông, phạm vi nhỏ. Nó không có hiệu quả đối với các vết sẹo có kích thước lớn và đã hình thành lâu năm.
Điều trị bằng Laser
Laser là một trong những công nghệ làm đẹp tân tiến nhất hiện nay sử dụng tia nhiệt cải thiện các vấn đề về da và chống lão hóa. Thông thường tia laser có bước sóng từ 10.000nm tác động trực tiếp đến vùng hạ bì nhằm đốt cháy các mô hư tổn, kích thích da tái tạo và phục hồi. Tác động từ tia laser còn thúc đẩy sản sinh collagen nhằm lấp đầy vết sẹo lõm, cải thiện bề mặt và độ săn chắc của da.
Ưu điểm của phương pháp này là có độ chính xác cao, không gây chảy máu, không để lại sẹo và có thời gian phục hồi tương đối nhanh. Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định với các trường hợp có sử dụng Isotretinoin trong vòng 6 tháng, đang bị nhiễm khuẩn da, người có bệnh collagen (tăng sinh mô da bất thường) và bị dị ứng thuốc tê.
Phương pháp bắn tia laser này được đánh giá cao trong điều trị sẹo rỗ, sẹo lồi và cải thiện các khuyết điểm trên da mặt.
Tiêm chất làm đầy (filler)
Đây là phương pháp thẩm mỹ phổ biến và được giới điệu mộ làm đẹp ưa chuộng nhất. Chất làm đầy được sử dụng để điều trị sẹo lõm thường chứa hyaluronic acid - một chất tự nhiên tồn tại ở dạng gel trong suốt có mặt trong ở hầu hết mô sụn, khớp xương và da. Do đó, nó khá tương thích và an toàn với cơ thể người. Chất làm đầy có vai trò lấp đầy các vết lõm giúp cải thiện bề mặt và độ săn chắc của da.
Tiêm filler được ứng dụng trong điều trị sẹo rỗ – đặc biệt là các vết sẹo có kích thước lớn và độ lõm sâu.
Lăn kim
Phương pháp điều trị sử dụng dụng cụ chứa các đầu kim có kích thước nhỏ lăn trực tiếp trên bề mặt da nhằm tạo ra các “tổn thương giả”. Tác động này kích thích cơ thể tập trung tiểu cầu nhằm tái tạo vùng da bị sẹo, giúp làm mờ vết lõm, cải thiện cấu trúc và độ săn chắc của da. Trong quá trình lăn, có thể kết hợp đưa một số tinh chất vào da nhằm tăng tốc độ phục hồi và giúp các mô phát triển đồng đều.
Vì mức độ xâm lấn tương đối nên bạn nên tìm tới địa chỉ lăn kim uy tín tránh các cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo vô trùng dễ gây nhiễm trùng, đau rát và ngứa ngáy.
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Tuy là phương pháp điều trị mới nhưng nó đã được ứng dụng trong điều trị nhiều vấn đề về da và xương khớp. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu sử dụng máu của người thực hiện, sau đó tiến hành chiết tách tiểu cầu và thoa trực tiếp lên vùng da tổn thương. Các chuyên gia thường thực hiện các biện pháp tạo tổn thương giả lên bề mặt da như laser hay lăn kim trước khi thoa. Các vết thương này đóng vai trò là đường dẫn giúp tiểu cầu dễ dàng thẩm thấu và đi sâu vào cấu trúc da.
Tiểu cầu có khả năng thúc đẩy da tái tạo, làm đầy vết lõm, giảm kích thước lỗ chân lông, cải thiện độ căng bóng, đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương và giúp trẻ hóa làn da.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn