90.000 người dân 2 tỉnh Tây Nguyên được tiếp cận dịch vụ cao về chăm sóc sức khoẻ sinh sản

17:53 | 07/12/2021;
90.000 là số phụ nữ và trẻ em tại hai huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) và Krông Bông (Đăk Lăk) đã được hỗ trợ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) chất lượng cao, nhạy cảm giới, minh bạch và hiệu quả- Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam thông tin tại Hội thảo Tổng kết dự án về chăm sóc SKSS cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số.

Sáng nay (7/12), tại Hà Nội, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc miền núi, Hội hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS).

Sau 4 năm hoạt động, 2 phòng khám nhạy cảm giới tiêu chuẩn đã được thành lập, liên kết trực tiếp với hệ thống bảo hiểm quốc gia. Kết quả là hỗ trợ hơn 90.000 người dân (tương đương 60% dân cư cấp huyện là người trẻ và phụ nữ) ở huyện Krông Bông (Đăk Lăk) và huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) được tiếp cận tới các dịch vụ chất lượng cao, có nhạy cảm giới, minh bạch và hiệu quả về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS).


90.000 người dân 2 tỉnh Tây Nguyên được tiếp cận dịch vụ cao về chăm sóc sức khoẻ sinh sản - Ảnh 1.

Ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, phát biểu tại Hội thảo Tổng kết dự án

Phát biểu tại Hội thảo Tổng kết dự án, ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) đánh giá dự án "Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số" triển khai từ 7/2017-12/2021, được EU và ActionAid đồng tài trợ là một trong những chương trình góp phần thực hiện mục tiêu khó khăn này của Đề án 498 về ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiẻu số đến năm 2025.

Là người được hưởng lợi từ dự án, bà Triệu Thị Sa (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) chia sẻ: Được tham gia dự án, tôi và các chị em trong buôn đã biết cách chăm sóc cơ thể mình và thảo luận chuyện này với chồng/bạn trai. Chúng tôi cũng biết chủ động đi khám sức khoẻ định kỳ và học cách phòng tránh thai, bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình. Trước đây, chúng tôi đều mặc kệ hoặc âm thầm chịu đựng, hoặc phải đi gần 100km nếu cần khám phụ khoa.

 Việt Nam  có hơn 24,6 triệu thanh niên (tuổi từ 10-24), chiếm gần 1/3 tổng dân số, mặc dù tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây luôn đứng đầu khu vực và thế giới, các dịch vụ chăm sóc SKSS và tình dục vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Dự án đã huy động chính quyền địa phương, cộng đồng và các bên liên quan cải thiện các dịch vụ công về sức khỏe sinh sản và tình dục ở Việt Nam. Tại mỗi huyện dự án, việc phân bổ ngân sách địa phương cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã tăng lên đáng kể trong hai năm qua.

Giám đốc Chương trình ActionAid Quốc tế tại Việt Nam Chu Thị Hà cho biết: Từ thành công của dự án, Tổ chức ActionAid Quốc tế đã và sẽ nhân rộng kết quả ra 12 tỉnh, thành trên cả nước (miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long) - nơi ActionAid đang hoạt động.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn