Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 939/QĐ - TTg về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939) với mục tiêu nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp; thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh.
Một trong những hoạt động quan trọng xuyên suốt Đề án là tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp nhằm tìm kiếm các dự án/ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng để hỗ trợ hiện thực hóa.
Đã có 62/63 tỉnh, 31/63 tỉnh có huyện tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp (Ngày PNKN) thu hút trên 24,640 phụ nữ có ý tưởng, dự án dự thi. Hầu hết các tỉnh đều đã tập huấn, kết nối đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vốn nhằm hiện thực hóa ý tưởng, đề án cho chị em.
Các đơn vị tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp có chất lượng với nhiều hoạt động phong phú là Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hưng Yên, Hòa Bình, Lào Cai...
Đặc biệt, TP. Đà Nẵng đã có 20% các xã tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ. Thông qua Ngày Phụ nữ khởi nghiệp, chị em phụ nữ có ý tưởng được kết nối, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp…
Tại cấp trung ương, hàng năm Trung ương Hội đều phối hợp các bộ ngành/đơn vị tổ chức Cuộc thi và Ngày PNKN với các chủ đề khác nhau như "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh", "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công"... Đây cũng là dịp để các cấp Hội tôn vinh, truyền cảm hứng khởi nghiệp và nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh cho phụ nữ.
Năm 2020, TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục tổ chức Cuộc thi và Ngày Phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công". Cuộc thi đã thu hút đã có 922 đề xuất dự án gửi tham dự (tăng 181 đề xuất so với năm 2019).
Trong đó 99% tác giả dự án là nữ, chỉ 1% tác giả là nam giới. Lĩnh vực nông lâm - ngư nghiệp - chế biến thực phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất 59%. Tiếp theo là lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp chiếm 18%, dịch vụ 12%, công nghệ 3%, năng lượng tái tạo 1%, các lĩnh vực khác chiếm 7%.
Trong tổng số 922 dự án, có 4% chủ dự án là các nhà khoa học, giảng viên trường đại học, 11% là doanh nghiệp, 16% là hợp tác xã, 13% là các tổ hợp tác/tổ nhóm liên kết, còn lại 54% là các chủ hộ kinh doanh cá thể. Đặc biệt, có 3% tác giả là phụ nữ khuyết tật, điều này mang lại cơ hội bình đẳng, phát huy tài năng của phụ nữ khuyết tật, lan tỏa trong khởi nghiệp sáng tạo.
Hội LHPN Việt Nam đã thành lập các nhóm đánh giá và sàng lọc các ý tưởng trên nguyên tắc đảm bảo tính minh bạch, khách quan và đáp ứng các tiêu chí của cuộc thi. Kết quả, đã lựa chọn được 242 tác giả có Đề án đáp ứng đủ các điều kiện tham gia chương trình đào tạo hướng dẫn hoàn thiện kế hoạch kinh doanh để dự thi vòng tiếp theo Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 3.
TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức các khóa tập huấn hướng dẫn hoàn thiện kế hoạch kinh doanh cho hơn 200 tác giả ý tưởng của phụ nữ và 28 tác giả/nhóm tác giả phụ nữ khuyết tật tham dự Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp tại 3 khu vực (Bắc - Trung - Nam) nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, kỹ năng trình bày/ thuyết trình, kiến thức về khởi nghiệp và quản lý tài chính nhằm nâng cao kiến thức cho các tác giả ý tưởng vượt qua vòng sơ loại để tiếp tục tham gia vòng tiếp theo của Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn