98% con nuôi tại Nhật Bản là đàn ông trưởng thành

13:11 | 03/05/2017;
Nhật Bản có truyền thống tổ chức công ty theo kiểu gia đình. Giải pháp nhận con nuôi rồi cho kết hôn với con gái là ‘chìa khóa’ duy trì chế độ gia đình trị trong công ty Nhật. Vì thế mà mỗi năm nước này có gần 80.000 con nuôi là đàn ông trưởng thành.
Pháp luật Nhật Bản quy định, khi người đứng đầu gia đình mất đi, tài sản thừa kế sẽ được chia cho các con trai trong nhà. Với những gia đình chỉ có con gái, quyền thừa kế sẽ dành cho người con trai được nhận nuôi có mang họ cha và cáng đáng công việc kinh doanh gia đình.
Từ đó, loại hình hôn nhân sắp đặt (omiai) ra đời và hiện rất phổ biến tại Nhật. Theo số liệu từ Văn phòng Chính phủ Nhật Bản, 98% của tất cả vụ nhận con nuôi ở nước này là đàn ông trong độ tuổi 20 - 30.
Nguyên nhân xuất phát từ truyền thống điều hành công ty theo kiểu "cha truyền con nối" khiến giới chủ Nhật Bản (trong trường hợp không có con trai nối dõi) sẽ tìm cách nhận nuôi các nhân vật thân tín, sau đó cho kết hôn với con gái ruột để hợp thực hóa việc "truyền ngôi" cho người trong nhà.
con-nuoi-nhat-ban-la-nguoi-truong-thanh-1.jpg
Người Nhật có xu hướng nhận đàn ông trưởng thành làm con nuôi
Thực tế này đã xuất hiện ở Nhật từ thế kỷ 13 khi tầng lớp cầm quyền phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp. Trong thời Tokugawa, giới Samurai lấy những người nam trưởng thành để duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ của dòng tộc trong xã hội.
Theo thời gian, truyền thống này đã phát triển thành một chiến lược kinh doanh để duy trì sự cạnh tranh trong thế giới thương mại.
Đến trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, luật dân sự Nhật Bản quy định rằng, tài sản của gia đình sẽ được để lại cho nam giới và theo truyền thống đó thường là người lớn tuổi nhất.
Do đó, các gia đình càng nảy sinh nhu cầu nhận nuôi con trai - những người có thể gánh vác trọng trách duy trì hoạt động kinh doanh và danh tiếng của gia đình.
Nước Mỹ có tỷ lệ nhận con nuôi cao nhất thế giới nhưng chỉ nhận trẻ em làm con nuôi. Trái lại, ở vị trí thứ hai, Nhật Bản nhận hơn 80.000 người làm con nuôi mỗi năm nhưng hầu hết họ là những người đàn ông trưởng thành trong độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi.
“Xét về mặt lịch sử, việc nhận con nuôi ở các gia đình thương nhân ở vùng phía Tây Nhật Bản phổ biến hơn nhiều do họ muốn chọn người thừa kế tài năng nhất. Nếu con trai của bạn không có khả năng kế vị, bạn sẽ cố gắng tìm một người đàn ông tài giỏi hơn để cưới con gái bạn. Rất nhiều vụ nhận con nuôi hợp pháp được thực hiện theo hình thức hôn nhân sắp đặt (omiai) với một trong số các con gái trong gia đình. Người con rể (mukoyoshi) sẽ thay họ theo nhà vợ. Được chọn làm mukoyoshi cũng có nghĩa là được chọn vào những vị trí lãnh đạo cấp cao. Đó là một quyết định rất thực tế để duy trì các công ty gia đình”, ông Mariko Fujiwara, một nhà xã hội học của Viện nghiên cứu Đời sống Hakuhodo tại Nhật Bản, nhận định.
con-nuoi-nhat-ban-la-nguoi-truong-thanh-4.jpg
Hôn nhân sắp đặt vẫn tồn tại nhiều ở Nhật Bản
Khoảng 1/3 các công ty Nhật Bản, thậm chí là các tập đoàn quốc tế lớn như Suzuki, Toyota, Canon có mukoyoshi là quản lý doanh nghiệp. Hãng xe hơi Toyota được thành lập bởi Kiichiro Toyoda năm 1937. Hãng Suzuki cũng là người nổi tiếng điều hành bởi con nuôi đã làm Chủ tịch và Giám đốc điều hành Osamu Suzuki. Công ty dịch vụ tài chính Matsui Securities cũng do người con nuôi thứ 4 là ông Michio Matsui làm tổng giám đốc.
osamu-suzukia.jpg
Ông Osamu Suzuki - Nguyên Chủ tịch và Giám đốc điều hành Suzuki là con nuôi
Trên thực tế, nước Nhật đang bước vào thời kỳ dân số già khi khoảng 25% dân số trên 65 tuổi. Đến năm 2060, tỷ lệ người 65 tuổi ở Nhật có thể tăng lên 40%. Do đó, nhu cầu nhận đàn ông trưởng thành làm con nuôi là một nhu cầu rõ ràng trong xã hội bởi vì tỉ lệ sinh ở Nhật Bản vẫn đang giảm xuống và nhiều gia đình chỉ có con gái. Hơn nữa, nhiều nam giới cũng đang tìm cơ hội để thể hiện khả năng kinh doanh của họ nếu chấp nhận thay đổi họ bởi vì trong nền kinh tế hiện nay, cơ hội tự thân thăng tiến trong các công ty khó khăn hơn nhiều.
con-nuoi-nhat-ban-la-nguoi-truong-thanh-2.jpg
Nhiều thanh niên Nhật Bản tìm cơ hội đổi đời khi làm con nuôi trong các công ty gia đình

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn