Tốt nghiệp khoa Triết học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chị Lê Thị Hương (sinh năm 1990) không lựa chọn ở lại thành phố mà theo chồng về quê Bắc Kạn. Trong thời gian mới sinh con đầu lòng, chị Hương ngày ngày đều dùng những món ăn được làm từ củ nghệ.
Nhận thấy thế mạnh về nông sản sạch của vùng đất Bắc Kạn, chị Hương đã nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ cây nghệ.
Những ngày đầu khởi nghiệp, chị Hương đã đi khắp các tỉnh từ Hưng Yên, Hải Dương đến Nghệ An… để học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây nghệ. Sau đó, chị trở về Bắc Kạn, trồng nghệ trên các loại đất khác nhau để xem độ thích nghi và chất lượng cây.
Trong lần thử nghiệm đầu tiên, chị đầu tư 10 tấn giống cây trồng và chi 20 triệu đồng cho việc chăm bón nhưng kết quả lại chỉ thu được 5 tấn. Sau lần thất bại đó, chị đã rút ra được nhiều bài học trong trồng nghệ để rồi, sau đó, chị đạt được thành công đầu tiên của mình.
Chị Hương quyết định trồng nghệ theo hướng organic trên đồi núi cao. Kết quả thu được là năng suất tăng mạnh, cây đạt chất lượng cao. Tiếp tục theo hướng phát triển đó, chị đã thành lập Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn.
Vụ mùa đầu tiên được triển khai với diện tích 20ha và tăng dần lên đến 150ha. Tất cả những sản phẩm nghệ của Công ty đều được chứng nhận Organics do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chứng nhận. Đây được coi là giai đoạn thử thách với chị trong quá trình khởi nghiệp.
Để làm được sản phẩm organic bán ra thị trường nước ngoài không phải dễ dàng. Chị đã cùng Công ty đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Khó khăn đầu tiên đến từ việc người dân chưa quen với canh tác sạch, chưa làm hàng xuất khẩu bao giờ.
Có những lần người lao động nhầm lẫn giữa bao bì đã qua sử dụng với bao bì mới khiến lô hàng không đạt tiêu chuẩn, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Sau những lần đó, Công ty đã kiểm soát quy trình làm việc của người lao động chặt chẽ hơn, để đảm bảo tất cả lô hàng đều đủ và đúng chất lượng. Với sự nỗ lực không ngừng và sự kiên trì liên tục tìm các giải pháp, hướng đi cho Công ty, chị cũng đưa Công ty vượt qua được những giai đoạn khó khăn.
Đến năm 2019, Công ty của chị đã có hệ thống bán hàng với hàng nghìn đại lý, nhà phân phối trên cả nước và mở rộng ra thị trường quốc tế.
Nói về lợi thế của sản phẩm, chị Hương cho biết, sự khác biệt giữa sản phẩm nghệ của Bắc Kạn với sản phẩm nghệ của nơi khác là hàm lượng curcumin trong nghệ Bắc Kạn cao hơn.
Công ty đang có 17 sản phẩm, trong đó, sản phẩm nghệ thái lát và gừng thái lát là sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Mỗi năm, số hộ nông dân kết hợp với Công ty trồng nghệ tăng theo cấp số nhân, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn nông dân. Nhờ trồng nghệ hữu cơ, môi trường nơi đây cũng không bị ô nhiễm bởi hóa chất, thuốc trừ sâu.
Nối tiếp thành công đó, chị đã thành lập thêm một hợp tác xã để chuyên chế biến các sản phẩm từ nông sản Bắc Kạn như măng nứa tép, trà hoa vàng, trà Giảo cổ lam…
Với mong muốn tạo ra sản phẩm chất lượng bằng công nghệ thân thiện với môi trường, hợp tác xã hứa hẹn sẽ mang đến những nông sản sạch, chất lượng, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn