9X nấu cơm ngon, chồng đi làm về chỉ mong được ăn cơm vợ nấu

12:00 | 24/05/2022;
Từng làm nhiều nghề khác nhau nhưng do công việc của chồng là bác sĩ rất bận rộn nên Nguyễn Yến (29 tuổi, TP Lai Châu) đã lui về “hậu phương”, làm tại nhà để có thời gian chăm sóc gia đình. Nhờ thế, bà mẹ đảm có nhiều thì giờ hơn cho việc bếp núc, nuôi dưỡng đam mê nấu ăn.

Nguyễn Yến (ảnh dưới) tâm sự, mình xuất thân trong gia đình có bố mẹ buôn bán và làm nông nghiệp nên tuổi thơ cô đọng lại là những kỉ niệm bố mẹ bận rộn không có thời gian nhiều cho hai chị em. Mùa thóc non thì bố lên bản theo xe công nông lấy thóc, mẹ bận ở quản lý lo công việc cho người làm ở nhà, nên Yến biết nấu cơm từ năm lớp 2 và mẹ chính là người dạy cô nấu những bữa cơm đầu tiên đó.

Cứ thế, những bữa cơm trong gia đình luôn do Yến tự tay nấu từ những năm học cấp 2, cấp 3, lên Đại học cũng vậy. Dần dần, cô mê nấu ăn lúc nào chẳng hay. Cô tâm sự, ngày bé, bản thân nấu ăn đơn giản lắm, chỉ biết có món rau, món thịt, món canh, hoa quả. Lớn hơn, được tiếp xúc với internet thì Yến học được nhiều công thức nấu hơn, nắm vững cơ bản rồi sáng tạo thêm theo sở thích của bản thân mình.

Hiện tại, hai vợ chồng cô ở riêng nên mỗi bữa cơm chỉ cần nấu cho 2 người và 1 con trai 2 tuổi rưỡi. Cô cho biết, cuối tuần sẽ nấu và mời bố mẹ chồng sang ăn cùng. Còn bố mẹ đẻ ở xa hơn nên thi thoảng hai vợ chồng lại về thăm ông bà và nấu những bữa cơm đơn giản ăn.

Có lẽ nấu nhiều quen tay nên với những bữa ăn bình thường, đơn giản, nhanh gọn, 9X chỉ mất khoảng 20-30 phút. Khi nào nấu những món cầu kỳ hơn thì thời gian có thể lên đến 1-2 giờ.

Yến cũng luôn tính toán chi tiêu sao cho hợp lý. Vì thế, mỗi tháng, cô dự trù kinh phí đi chợ, ăn uống rơi vào khoảng 5 triệu quay đầu. Thường mỗi tuần Yến sẽ bỏ riêng ra 1 triệu đi chợ, sau khi đi chợ thì có về ghi chép quản lý tài chính. Cô sử dụng sổ thu chi điện tử ghi rất cụ thể, kiểm soát theo ngày và theo tuần. Tuy nhiên, cô cũng cho biết, bản thân lại không tính toán cụ thể 1 bữa chi phí hết bao nhiêu mà thường hôm nay ăn món này đắt một xíu thì mai sẽ ăn đơn giản hơn để đảm bảo số tiền cho 1 tuần đi chợ nhưng vẫn đủ dinh dưỡng.

Khi nấu ăn, cô quan tâm tới chất lượng bữa ăn sẽ gồm 3 nhóm chủ đạo: đạm, xơ (rau) và tinh bột, ngoài ra có thêm hoa quả ăn kèm. Phần đạm và xơ là 2 yếu tố được Yến quan tâm nhất bữa ăn. Cô thường chọn đạm trắng như gà, cá, thịt lợn để nấu cho bữa ăn, thịt bò và hải sản tuần ăn 1-2 bữa rất hạn chế vì chồng cô đang cần cải thiện chỉ số axit uric trong máu do tính chất công việc sinh hoạt không điều độ.

Vì làm tại nhà nên cô tự do về thời gian. Mỗi sáng, sau khi xe buýt cùng cô giáo qua đón con đi học, Yến dành thời gian cho bản thân, đi tập gym 1 tiếng rồi sau đó về đi chợ. Cô chọn đi chợ hàng ngày để rau củ được tươi.  

Ông xã Yến thích bữa ăn truyền thống nên mâm cơm của cô thường đơn giản, đặc trưng mâm cơm gia đình. Cô nấu những món cả hai vợ chồng đều thích xong vẫn đảm bảo được dinh dưỡng.

Để bớt ngán, cô thường thay đổi thực đơn liên tục. Ý tưởng nấu ăn vẫn dựa trên những nhóm đạm, thịt đó nhưng sẽ đổi kiểu chế biến. Ví dụ như cá thì cô đổi từ cá hấp sang chiên giòn, nướng…; thịt bò thì sẽ là thịt bò luộc, bò cuốn gỏi, bò xào rau củ, bò sốt vang. Thực đơn còn được 9X thay đổi linh hoạt theo thời tiết nữa.

Ngoài nấu những bữa cơm gia đình, Yến còn hay nấu bún, phở để ăn sáng hoặc những ngày bận rộn. Riêng cuối tuần, 9X lại làm các món cầu kỳ hơn như cơm sườn, cơm gà, bún chả, bánh mỳ sốt vang, cá hồi muối ăn gỏi.

Nhờ có bàn tay đảm đang, khéo léo, mỗi khi ăn cơm cô nấu, mọi người đều hết lời khen ngợi, đôi khi còn nói “giống ngoài hàng”. Nhiều người còn hỏi 9X công thức để về làm thử.

“Chồng Yến rất tự hào vì vợ nấu ăn ngon và thường hay chia sẻ với đồng nghiệp. Chồng Yến hay nói ‘Đi làm về mệt chỉ mong về nhà thấy vợ, được vợ nấu cho bữa cơm ngon, cảm thấy thoải mái và ấm áp’. Đây là động lực giúp Yến nghĩ ra nhiều món ăn sáng tạo để chồng có nhiều bữa ăn ngon miệng. Còn bạn Bảo, bé nhà mình hơi kén ăn nên mẹ hay nấu những món canh sở trường cho bạn ấy. Con thích nhất là món canh gà mẹ nấu”, 9X vui vẻ tâm sự.

Theo Yến, bữa cơm gia đình rất quan trọng. Bếp là nơi lưu giữ ngọn lửa của gia đình. Mỗi bữa cơm Yến nấu đều có tâm huyết và thêm vào đó nhiều tình yêu thương, mong người ăn có những trải nghiệm hạnh phúc. Với cô, bữa cơm gia đình còn là nơi để chồng luôn mong muốn về với vợ thật sớm sau mỗi giờ tan làm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn