Lý Ỷ Hồng lần đầu tiên gây ấn tượng với khán giả truyền hình khi đạt danh hiệu Á hậu 2 của cuộc thi Hoa hậu Hồng Kông năm 1994 nhờ nhan sắc trong trẻo và khả năng ứng biến nên vẫn được đánh giá cao.
Trước khi trở thành Á hậu, người đẹp sinh năm 1970 có một cuộc sống khá cơ cực. Năm 6 tuổi, Lý Ỷ Hồng đến Canada cùng bố mẹ nhưng cuộc sống khó khăn khi cha mẹ cô với vốn ngoại ngữ ít ỏi, phải chật vật kiếm tiền. Để giúp gia đình bớt gánh nặng, năm 13 tuổi, cô bắt đầu lao động kiếm tiền. Năm 1994, sau khi học xong đại học và được người thân nói rằng thi Hoa hậu Hồng Kông sẽ có tiền nên Lý Ỷ Hồng đã đăng ký tham gia.
Lý Ỷ Hồng đạt danh hiệu Á hậu 2 của cuộc thi Hoa hậu Hồng Kông năm 1994.
Trong cuộc thì nhan sắc năm ấy, Lý Ỷ Hồng xuất sắc giành vị trí Á hậu 2 và được truyền thông săn đón. Sau đó, cô đã ký hợp đồng với TVB. Năm 1995, nàng Á hậu được giao vai Quách Tương trong Thần điêu đại hiệp. Nhờ vai diễn này, cô giành được nhiều thiện cảm của người xem và được ca ngợi là nàng Quách Tương đẹp nhất màn ảnh.
Kể từ đó, tên tuổi của cô ngày càng nổi hơn và có cơ hội đóng phim chung với nhiều sao hạng A như Lê Minh, Lưu Đức Hoa, Triệu Văn Tuyên. Không chỉ vậy, trong vòng 2 năm, Lý Ỷ Hồng đã 5 lần vinh dự được đề cử giải Kim Tượng cho hạng mục Nữ diễn phụ xuất sắc và Nữ diễn viên mới xuất sắc.
Ở TVB, mức cát-xê của nữ diễn viên cũng thuộc hàng đầu trong số các diễn viên của đài. Sự nghiệp phát triển nên Lý Ỷ Hồng đã thực hiện được ước muốn giúp cải thiện cuộc sống gia đình, mua nhà cho bố mẹ ở Canada.
Giữa lúc đang đạt đỉnh cao sự nghiệp, nữ diễn viên xinh đẹp đột ngột rời khỏi làng giải trí mà nguyên nhân chính là vì căn bệnh trầm cảm. Áp lực công việc và sự kỳ vọng quá lớn đã khiến cho tinh thần của Lý Ỷ Hồng không ổn định.
Cô được mệnh danh là nàng Quách Tương xinh đẹp nhất màn ảnh.
Sau nhiều năm hồi phục, người đẹp cho biết bản thân khi đó rất suy sụp, ngày nào cũng khóc. Cô thậm chí còn không thể tự đi đánh răng và cũng không thể gọi bác sĩ tư vấn. Đã có lần, Ỷ Hồng còn muốn lao xuống gầm cầu tự tử khi đang lái xe. Cô nghẹn ngào chia sẻ: "Năm 2002, quá nhiều áp lực khi đóng phim truyền hình ở Đại lục, sau khi về nhà thì tôi bị ốm, tôi thường khóc không rõ lý do sau khi thức dậy vào buổi sáng. Điều đó rất đáng sợ. Tôi thậm chí còn cố gắng lao xuống cầu vượt khi đang lái xe".
Sau 9 tháng điều trị tích cực, người đẹp đã dần bình phục và bắt đầu lại cuộc sống. Nhìn lại quãng thời gian khủng hoảng, nữ diễn viên nhận ra mọi thứ xuất phát từ sự kỳ vọng quá cao của bản thân khi luôn lo sợ mình không đủ xuất sắc, tiến bộ.
Hiện tại cô đã rút lui khỏi làng giải trí và tận hưởng cuộc sống gia đình bên ông xã người Canada và là y tá tâm thần đã được chứng nhận.
Áp lực công việc cùng sự kỳ vọng quá cao vào bản thân đã khiến cho nữ diễn viên mắc bệnh trầm cảm.
Ảnh hưởng của chủ nghĩa hoàn hảo tới sức khỏe tâm thần
Tất cả chúng ta đều có kỳ vọng về những điều khác nhau trong cuộc sống. Một số kỳ vọng có thể tốt và khuyến khích bạn vượt qua những trở ngại và theo đuổi ước mơ của mình. Tuy nhiên, khi kỳ vọng của bạn không thực tế, nó có thể tạo ra những điều tiêu cực và thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nhiều người có xu hướng theo chủ nghĩa hoàn hảo tức là thường đặt ra những tiêu chuẩn quá cao và đánh giá quá nghiêm khắc về bản thân. Không ít người luôn lo sợ về những đánh giá khắt khe của người khác và cố gắng thể hiện sự hoàn hảo để được công nhận. Tuy nhiên, việc cố gắng để đạt được những điều vượt xa thực tế và dằn vặt, trừng phạt bản thân khi không thể thực hiện được có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta.
Lo lắng, trầm cảm và ý định tự tử chỉ là một số vấn đề sức khỏe tâm thần mà các bác sĩ chuyên khoa đã nhiều lần liên hệ với dạng chủ nghĩa hoàn hảo này.
Một nghiên cứu cho thấy hơn một nửa số người chết do tự tử được mô tả là những người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Một nghiên cứu khác cho thấy hơn 70% những người trẻ tuổi chết do tự tử có thói quen tạo ra những kỳ vọng cực kỳ cao về bản thân.
Chủ nghĩa hoàn hảo độc hại dường như ảnh hưởng đặc biệt đến những người trẻ tuổi. Theo ước tính gần đây, gần 30% sinh viên đại học gặp phải các triệu chứng trầm cảm và chủ nghĩa hoàn hảo có liên quan rộng rãi với những triệu chứng này.
Chủ nghĩa hoàn hảo tự phê phán bản thân cũng được cho là làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lưỡng cực.
Ỷ Hồng hiện là y tá tâm thần ở Canada và đã rút lui khỏi làng giải trí.
Ngoài việc gây ảnh hưởng sức khỏe tinh thần, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng huyết áp cao phổ biến hơn ở những người theo chủ nghĩa hoàn hảo, và các nhà nghiên cứu khác thậm chí còn liên hệ đặc điểm này với bệnh tim mạch.
Ngoài ra, khi đối mặt với bệnh tật, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo gặp khó khăn hơn trong việc đối phó với nó.
Làm thế nào để thoát khỏi sự kỳ vọng quá mức?
Sẽ rất hữu ích nếu bạn tự phản ánh bản thân để xác định xem liệu kỳ vọng của bạn có thực tế hay không. Để thoát khỏi sự kỳ vọng quá mức bạn có thể thử các mẹo sau:
- Thể hiện sự biết ơn với chính bản thân: Lòng biết ơn chính bản thân có thể giúp bạn bắt đầu coi những thất bại là cơ hội học hỏi hơn là đánh giá nó tiêu cực
- Ngừng so sánh bản thân với người khác dù ngoài đời hay trên mạng xã hội.
- Hãy tử tế với chính mình: Thay vì tự nói với bản thân rằng “Đáng lẽ mình phải làm tốt hơn”, hãy nói “Mình đã cố gắng hết sức với nguồn lực và thời gian mà mình có”.
Tự chăm sóc bản thân bằng cách hoạt động khiến bạn hạnh phúc, thư giãn là một cách để đối xử tốt với chính mình.
- Yêu cầu giúp đỡ: Đôi khi bạn không nhận ra rằng những kỳ vọng của mình là viển vông. Chia sẻ mọi thứ với người mà bạn tin tưởng có thể giúp bạn nhìn nhận rõ ràng hơn.
- Giới hạn sự kỳ vọng: Không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng việc điều chỉnh những kỳ vọng không thực tế có thể mang lại những lợi ích to lớn và cảm giác yên bình mới mẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn