Trong cuộc thi Sao Mai 2013, Phạm Thùy Dung là một gương mặt nổi bật với giọng nữ cao đẹp, trong trẻo và ngoại hình sáng sân khấu. Không chỉ giành giải Nhì ở dòng nhạc dân gian, cô còn nhận được giải Ca sĩ được yêu thích nhất chương trình. Đó là một bệ phóng quan trọng để cô có thể bước xa hơn trên con đường âm nhạc, đặc biệt là với dòng dân gian mà cô đã ghi được dấu ấn.
Thế nhưng, sau giải Sao Mai 2013, Phạm Thùy Dung gần như “ở ẩn”. Sau 6 năm, cô tái xuất và khiến nhiều người bất ngờ khi công bố dự án âm nhạc lớn Trăng hát với những ca khúc thính phòng cổ điển. Ít ai biết rằng trong suốt 6 năm qua, cô âm thầm nghiên cứu, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm với âm nhạc cổ điển để chờ ngày tỏa sáng.
Liveconcert Trăng hát của Phạm Thùy Dung sẽ diễn ra lúc 19h30’ ngày 29/9/2019 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự đồng hành của của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời (SSO) do nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine chỉ huy, cùng khách mời là hai nam ca sĩ Đăng Dương và Tùng Dương. Nữ ca sĩ cho biết live-concert này là sự kiện đánh dấu sinh nhật tuổi 30 và 9 năm sự nghiệp ca hát, đồng thời là dấu mốc quan trọng trên bước đường theo đuổi nghệ thuật cổ điển của cô.
Chiều 9/9/2019, tại buổi họp báo giới thiệu liveconcert Trăng hát, Phạm Thùy Dung chia sẻ về lý do theo đuổi âm nhạc cổ điển chứ không phải dòng dân gian mà mình đã có được thành quả nhất định rằng, cô yêu những làn điệu dân ca và chọn dòng nhạc dân gian để thi Sao Mai. Nhưng sau này nhớ lại quá khứ, cô mới nhận ra một điều: Hóa ra từ hồi bé mình đã hát cho nhà thờ, khi đó vẫn chưa biết thế nào là âm nhạc cổ điển thính phòng. Sau này đi học, cô mới biết nguồn gốc âm nhạc cổ điển chính là từ nhà thờ.
“Tốt nghiệp đại học rồi học lên cao học thanh nhạc, tôi được luyện và hát opera nhiều. Lúc đó tôi mới nhận thấy một điều: Hóa ra Opera mới là bản ngã của mình, âm nhạc cổ điển thính phòng mới chính là con người của mình”, Phạm Thùy Dung nói. Tiếp đó, cô được những người thầy, các bậc đàn anh đàn chị của mình như nhà giáo Hồ Mộ La, NSND Quốc Hưng, cô giáo Thu Hằng, ca sĩ Anh Thơ, ca sĩ Tùng Dương… nhận xét rằng giọng của cô mang màu sắc thính phòng và cô nên đi theo con đường đó sẽ phát huy được khả năng. Điều đó khiến cô có thêm động lực để theo đuổi dòng nhạc mà mình say mê.
Liveconcert Trăng hát của Phạm Thùy Dung gồm 20 ca khúc theo phong cách thính phòng, được chia thành 3 phần: Âm nhạc cổ điển, Âm nhạc Việt Nam và Âm nhạc Giao thoa. Chương trình sẽ cho khán giả thấy một Phạm Thùy Dung đến độ “chín muồi” trong dòng nhạc thính phòng, qua các ca khúc kinh điển nổi tiếng của thế giới và Việt Nam rất kén người biểu diễn như Ave Maria (Gounod), Khúc hát nàng Solveig (Nhạc: Edward Grieg, Lời việt: Phạm Duy), Tiếng cười (Johann Strauss) hay Ở rừng nhớ anh (An Thuyên), Bài ca hy vọng (Văn Ký)…
Chia sẻ về Trăng hát, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng – Giám đốc âm nhạc của chương trình cho biết: “Liveconcert sẽ được bắt đầu với âm nhạc cổ điển thính phòng châu Âu, trong đó Dung sẽ giới thiệu những cái mình đã học, là khuôn mẫu để tất cả bắt đầu, khi đó khán giả sẽ có tinh thần đón nhận những gì “nặng đô” nhất. Khi mọi người cảm thấy đủ rồi, sẽ chuyển sang phần 2 là những bài ca Việt Nam đi cùng năm tháng, gần gũi hơn với khán giả. Nhưng đích đến lại là ở phần 3.
Hát opera với thính phòng trên thế giới nhiều rồi, nhưng quan trọng mình nên “Việt Nam hóa” âm nhạc thính phòng. Các ca sĩ thính phòng Việt Nam rất khó khăn để có bài hát mới, đặt hàng viết bài hát thính phòng là khó. Dung là 1 trong số ít ca sĩ thính phòng nghĩ đến sẽ làm gì trong tương lai và con đường nghệ thuật của mình. Đó không chỉ là câu chuyện của Dung mà của cả các ca sĩ thính phòng tại Việt Nam. Phần 3 của Dung sẽ trả lời cho câu hỏi đó”.
Là live-concert đầu tiên của một ca sĩ có thể nói “mới chạm ngõ” dòng nhạc thính phòng, nhưng rất may mắn cho Phạm Thùy Dung khi cô nhận được sự đồng hành xuyên suốt chương trình của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Olivier Ochanine cùng 65 nhạc công trong và ngoài nước. Chính sự đồng hành của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời cũng đã cho thấy, nhạc trưởng Olivier Ochanine đánh giá cao khả năng cũng như định hướng tương lai đúng đắn của ca sĩ Phạm Thùy Dung và đây sẽ là một live-concert được đầu tư, có chiều sâu và lớp lang hấp dẫn.
Bên cạnh đó, Trăng hát của Phạm Thùy Dung còn có sự tham gia của 2 khách mời đặc biệt là nam ca sĩ Đăng Dương và Tùng Dương. “Đây cũng là một may mắn nữa của Thùy Dung, bởi hai người anh lớn không chỉ ủng hộ hết mình khi tôi chia sẻ ý định làm live-concert, mà còn cùng tôi đem đến khán giả những tiết mục hết sức đặc biệt. Anh Tùng Dương và Đăng Dương là những người anh mà tôi rất khâm phục về tài năng và bản lĩnh kiên định với nghề. Đã từ lâu tôi luôn ao ước một ngày mình có thể đứng chung sân khấu với các anh ở concert của riêng mình và ngày 29/9 này, tôi sẽ thực hiện ước mơ đó. Tôi, một người em đi sau muốn tiếng hát của mình được nâng đỡ và chắp cánh bởi hai anh, tin rằng, những tác phẩm được hát cùng các anh sẽ là những phần trình diễn ấn tượng ghi dấu ấn trong lòng khán giả”, nữ ca sĩ chia sẻ thêm.
Sự kết hợp giữa tiếng hát trong trẻo của Phạm Thùy Dung với hai giọng ca nam mang hai màu sắc đối lập: một đậm chất dân gian của Tùng Dương và một Đăng Dương đã quá nổi tiếng với dòng nhạc thính phòng, cũng hứa hẹn tạo nên những tiết mục nghệ thuật hấp dẫn, thổi một “làn gió mới” vào làng nhạc cổ điển, đem đến những món ăn tinh thần chất lượng cho người nghe.
Một trong những điểm nhấn khác của liveconcert Trăng hát nằm ở thiết kế sân khấu do đạo diễn ánh sáng Phạm Xuân Trường đảm nhiệm. Để phù hợp với chủ đề Trăng hát, sân khấu dành cho đêm nhạc sẽ là sự hòa quyện của nghệ thuật sắp đặt và ánh sáng, đảm bảo vừa có thể tôn lên giọng hát trong trẻo, thuần khiết của Phạm Thùy Dung, lại vừa tôn trọng tính hàn lâm kinh viện của dàn nhạc giao hưởng, âm nhạc cổ điển, đồng thời kết nối với tinh thần đương đại của đời sống hiện tại. Ánh sáng trăng sẽ được ekip sử dụng xuyên suốt để tạo nên màu sắc chính của sân khấu và đóng vai trò một hình ảnh ẩn dụ cho giọng ca của Phạm Thùy Dung. Ánh sáng trong trẻo đó cũng phản ánh một không gian âm nhạc siêu thực, nơi người nghệ sĩ thỏa sức vùng vẫy với đam mê ca hát, ngợi ca cuộc sống, tình yêu, khát vọng sáng tạo.
Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La – người đã dìu dắt hướng dẫn Phạm Thùy Dung từ những ngày còn học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và là người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp âm nhạc của nữ ca sĩ cho biết: “Tôi dõi theo Phạm Thùy Dung từ những ngày thi Sao Mai năm 2013. Dung đạt giải Nhì, đó là điều đáng mừng, nhưng giọng của Dung khi đó vẫn còn non. Khi Phạm Thùy Dung học đại học, người có công đầu tiên với em là Anh Thơ. Sau khi Thùy Dung tốt nghiệp đại học, tôi bắt đầu dạy em. Ưu điểm lớn nhất của Thùy Dung là nghị lực. Khi có giải thưởng rồi, nhiều người không cần học nữa, nhưng Thùy Dung không chỉ học mà còn học rất chăm chỉ, học thời lượng dài. Tôi là “bà già khó tính”, hay bắt bẻ nhưng Thùy Dung không nản, chăm chỉ học và tiến bộ từng ngày. Tôi thấy điều đáng mừng nhất là Thùy Dung học tất cả mọi người. Tôi muốn Thùy Dung học hỏi được chất lửa trong giọng hát của Đăng Dương, Tùng Dương. Nếu học tập được tinh thần đó để phát huy âm nhạc của mình thì Thùy Dung hát sẽ ngày càng tốt hơn”. |