AEON Việt Nam đồng hành cùng người tiêu dùng vượt qua khó khăn

14:29 | 10/07/2023;
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bên cạnh các hoạt động đồng hành tạo thêm nhiều giá trị mới đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, điều quan trọng là doanh nghiệp cần cân nhắc để có chiến lược đầu tư chọn lọc, chuẩn bị cho tương lai. AEON Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai các kế hoạch như phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng, kênh thương mại điện tử và mở rộng địa điểm kinh doanh nhằm mang đến những giá trị mới cho khách hàng trong thời gian tới.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Là người "nghiện" thời trang, chị Hồ Thu Hà ở quận Tân Bình (TPHCM) trước đây hễ thấy chiếc váy, đôi giày, mắt kính hợp mắt là xuống tiền mua sắm ngay không do dự. Không những thế, chị cũng thường chọn mua quần áo từ các thương hiệu lớn nước ngoài cho chồng và hai con nhỏ... Thế nhưng tình hình nay đã khác, chị giảm hẳn tần suất đến các Trung tâm Thương mại vào mỗi cuối tuần. Việc mua sắm các sản phẩm hàng hóa không thiết yếu cũng hạn chế tối đa.

"Công ty tôi chuyên xuất khẩu gỗ bị sụt giảm đơn hàng sản xuất nhiều, thu nhập của đội ngũ công nhân và nhân viên văn phòng cũng bị cắt giảm theo. Ngay cả quán cà phê nhỏ của tôi cũng bị giảm doanh thu do ít khách lui tới hơn. Công việc của ông xã tôi trong lĩnh vực bất động sản cũng không thuận lợi nên phải cân nhắc khi chi tiêu, mua sắm thay vì 'vung tay quá trán' so với trước", chị Thu Hà nói. Là "tay hòm chìa khóa" của gia đình, hiện chị Hà chỉ mua những mặt hàng thiết yếu và tiết kiệm hơn.

Còn chị Nguyễn Ngọc Lan, công nhân công ty may ở Bình Tân (TPHCM) cho hay, trước đây chị tốn khoảng 500.000 đồng đi chợ hàng tuần thì nay cũng cùng số tiền, chỉ 4 ngày là hết sạch đồ ăn. Từ cuối năm ngoái công ty ít việc, chị không còn tăng ca như trước nên thu nhập giảm. Trong khi đó, chồng chị vừa làm công nhân ban ngày vừa chạy thêm xe ôm ban đêm để kiếm thêm thu nhập. "Vậy mà tháng nào tiêu hết tháng đó. Bây giờ chồng tôi cắt luôn cữ cà phê để đủ tiền thuê trọ. Chúng tôi phải dành dụm để sắm quần áo và sách vở cho hai con chuẩn bị năm học mới sắp tới", chị Lan thở dài.

Chị Thu Hà và chị Ngọc Lan không phải là 2 người tiêu dùng hiếm hoi đang thắt chặt hầu bao mà trong bối cảnh cầu thế giới sụt giảm, làm phát tăng cao, người lao động mất việc, giảm giờ làm và giảm thu nhập thì việc "thắt lưng buộc bụng" đang xảy ra với hầu hết người tiêu dùng cả nước.

Khảo sát của PwC gần đây cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn với thói quen chi tiêu của mình. 62% người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết do quan ngại về giá cả gia tăng; 13% người tiêu dùng Việt dự định cắt giảm chi tiêu mặt hàng tạp hóa và thực phẩm…

Theo ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban giám đốc Điều hành phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc AEON Việt Nam, trước đây do ảnh hưởng của Covid, người tiêu dùng giảm tần suất mua hàng, nhưng số lượng hàng hóa cho mỗi lần mua tăng lên. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại khó khăn kinh tế, sụt giảm xuất khẩu dẫn đến nhiều người lao động mất việc làm, giảm thu nhập… "Khi khó khăn, khách hàng sẽ không mua các sản phẩm không cần thiết, và cân nhắc rất kỹ khi lựa chọn món hàng muốn mua, nên cũng ảnh hưởng nhiều đến sức mua trong thời gian gần đây", ông nói. Người tiêu dùng chú trọng nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm, hóa mỹ phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày, và giảm chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, đặc biệt là thời trang - phụ kiện, đồ điện tử.

AEON Việt Nam đồng hành cùng người tiêu dùng vượt qua khó khăn - Ảnh 1.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng chủ yếu lựa chọn những thực phẩm và sản phẩm thiết yếu phục vụ cho nhu cầu hằng ngày

Dù trong bối cảnh khó khăn, đại diện AEON vẫn nhận thấy đây là cơ hội khi doanh nghiệp có thể đồng hành và đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu của khách hàng. AEON Việt Nam kỳ vọng sức mua sẽ dần tăng khi đến mùa hè - giai đoạn kích cầu quan trọng chỉ sau Tết do học sinh nghỉ hè, nhu cầu du lịch, các hoạt động thể thao tăng mạnh, sức mua tập trung với các nhóm sản phẩm nước giải khát, sữa, hóa mỹ phẩm, đồ dùng vệ sinh cá nhân, … và sẽ tiếp tục tăng vào Quý 4 khi vào mùa đông có nhiều ngày lễ hội, Tết Nguyên đán với nhiều hoạt động góp phần kích cầu tiêu dùng.

AEON Việt Nam chia sẻ cùng người tiêu dùng

Trong giai đoạn này, các mặt hàng thiết yếu sẽ được khách hàng lựa chọn nhiều nên AEON đã và đang nỗ lực giữ ổn định giá đối với các mặt hàng này. "Chúng tôi tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chương trình Everyday Low Price (Giá tốt, giá thấp mỗi ngày) để mang đến các sản phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng với mức giá phù hợp và tiết kiệm. Theo đó, AEON thường xuyên rà soát và thay đổi danh mục sản phẩm ưu đãi phù hợp với nhu cầu khách hàng. Đây cũng là một trong những chương trình mang tới hiệu quả thiết thực, được khách hàng yêu thích và đánh giá cao trong thời gian qua", ông Furusawa cho biết.

AEON Việt Nam đồng hành cùng người tiêu dùng vượt qua khó khăn - Ảnh 2.

AEON Việt Nam luôn chủ động ổn định giá cả, triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để phục vụ cho người tiêu dùng

Ngoài ra, AEON Việt Nam cũng chủ động phối hợp với nhà cung cấp trong nước để đưa ra các sản phẩm chất lượng nhưng có giá thật tốt và cạnh tranh nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong tình hình khó khăn hiện nay. Theo đó, nhiều chương trình khuyến mãi phối hợp với nhà cung cấp, không chỉ giảm giá, ưu đãi cao mà còn tặng thêm quà (mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1…), hoặc các ưu đãi cộng gộp khi khách hàng mua số lượng nhiều hoặc thanh toán qua các hình thức thanh toán không tiền mặt, mua hàng qua các ứng dụng của đối tác AEON đang được áp dụng.

Không chỉ thế, với triết lý kinh doanh "Tất cả vì Khách hàng" và cam kết mang lại cho Khách hàng sự an tâm và thoải mái trong cuộc sống hằng ngày", AEON Việt Nam luôn tích cực đưa ra các giải pháp, kịp thời đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của Khách hàng dù trong hoàn cảnh nào. Điển hình như trong giai đoạn nắng nóng cao điểm của mùa hè năm nay, các siêu thị AEON đã chủ động giới thiệu nhiều lựa chọn đa dạng giúp khách hàng giải quyết những vấn đề và khó khăn trong các đợt cắt điện luân phiên, đồng thời có các biện pháp sẵn sàng đối ứng để duy trì hoạt động, phục vụ khách hàng đến mua sắm khi mất điện. Trong đó, các sản phẩm được nhiều khách hàng tìm kiếm và lựa chọn do phục vụ đúng nhu cầu của khách hàng khi mất điện tại nhà, có thể kể đến như quạt/ đèn bàn sạc điện, thực phẩm ăn liền, bình/hộp đựng thực phẩm giữ nhiệt...

AEON Việt Nam đồng hành cùng người tiêu dùng vượt qua khó khăn - Ảnh 3.

AEON Việt Nam luôn nỗ lực cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng

Chuẩn bị cho sự phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới

Đại diện AEON Việt Nam nhận định, với những tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch đầu tư một cách chọn lọc để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, điển hình như phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng được sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn của AEON; tăng cường chuyển đổi số từ kênh thương mại điện tử, hệ thống tích điểm chung đến thanh toán không tiền mặt/tiền điện tử; đồng thời không ngừng mở rộng địa điểm kinh doanh.

AEON Việt Nam đồng hành cùng người tiêu dùng vượt qua khó khăn - Ảnh 4.

AEON tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số từ kênh thương mại điện tử, hệ thống tích điểm chung đến thanh toán không tiền mặt…

Nhà bán lẻ đến từ Nhật đang đẩy mạnh hợp tác với nhiều doanh nghiệp Việt, phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng sản xuất trong nước với chất lượng, tiêu chuẩn AEON nhưng giá bán cạnh tranh. "Việc đẩy mạnh sản phẩm TOPVALU không chỉ giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn khi đến mua sắm tại hệ thống AEON mà còn góp phần ổn định chuỗi cung ứng, đồng thời giúp các nhà sản xuất nhỏ và vừa Việt Nam dần nâng cao năng lực cạnh tranh và có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của AEON và thế giới", ông Furusawa Yasuyuki chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn