Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và 12 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đại diện Agribank, đồng chí Lê Hồng Phúc - Phó Tổng Giám đốc Agribank tham dự Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi và xác định người dân phải là chủ thể trong triển khai Đề án "Chúng ta yêu quý cây lúa như chính bản thân mình. Từ đó mới tạo được cuộc cách mạng cho cây lúa của Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các công việc nói chung", Thủ tướng chia sẻ một trong những định hướng thực hiện đề án. Thủ tướng nhấn mạnh: Cần phải huy động nhiều nguồn lực và sử dụng khoa học, có hiệu quả, xóa bỏ cơ chế xin - cho, bao cấp, thủ tục hành chính rườm rà, làm sao nguồn lực này đến tận địa phương, cơ sở sản xuất, người dân.
Tại hội nghị, lãnh đạo bộ, ngành và địa phương ở ĐBSCL hoàn toàn ủng hộ đề án này. Đề án đã giúp thay đổi phương thức canh tác, giảm chi phí, giảm phát thải, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận cho người nông dân.
Đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhấn mạnh, cốt lõi của đề án hướng đến là thay đổi nhận thức, quy trình sản xuất, cách tiếp cận ngành hàng lúa gạo của chúng ta "Khởi đầu từ 1 triệu hecta ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta sẽ giảm phát thải cho ngành trồng lúa ở nhiều vùng trong cả nước, sau đó có thể chuyển sang ngành khác như chăn nuôi, thủy sản".
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, mục tiêu tới phải tăng tốc bứt phá hơn nữa để đạt 1 triệu hecta lúa chất lượng cao càng sớm càng tốt. Từ đó để đạt 14-15 triệu tấn lúa và 9-10 triệu tấn gạo cho vùng ĐBSCL. Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho bộ, ngành, địa phương phải quy hoạch vùng nguyên liệu mang tính ổn định, lâu dài để phát triển cây lúa với nguyên tắc chất lượng cao, phát thải thấp.
Theo Thủ tướng, xây dựng thương hiệu lúa gạo có nhiều phân khúc, nhưng mục tiêu của chúng ta phải chọn phân khúc chất lượng cao cho người tiêu dùng. Như thế mới xứng đáng với việc chúng ta làm và xứng tầm của vùng ĐBSCL. "Chúng ta phải xây dựng bằng được như các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới chứ không chỉ vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay Việt Nam. Thương hiệu phải đi đôi với mẫu mã bao bì, vùng trồng, chỉ dẫn địa lý", Thủ tướng nhấn mạnh.
Với đề án chuyên canh lúa chất lượng cao, số lượng lớn, theo Thủ tướng, cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên để thực hiện trên tinh thần đơn giản, vướng, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ, vượt qua ở đó. Đề nghị huy động nguồn vốn từ ngân hàng hỗ trợ, bổ sung thêm gói tín dụng ưu đãi cho lúa gạo; Bộ Tài chính lập quỹ hỗ trợ dành riêng cho 1 triệu hecta lúa gồm vốn nhà nước, thu bán tín chỉ carbon, từ các đối tác, xã hội hóa để sử dụng nhanh, không qua nhiều thủ tục.
Thủ tướng giao Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao chủ trì phát triển kết nối thị trường trong và ngoài nước, trong đó có thị trường lúa gạo và việc này phải làm đa dạng, thường xuyên.
"Trong việc chống biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án tổng thể, có phân kỳ đầu tư, nguồn lực cho các địa phương, trong đó có bảo vệ cây lúa", Thủ tướng nói và yêu cầu việc này hết quý I/2025 phải xong. Việc làm sao phát thải thấp, giảm khí mêtan trong nông nghiệp, bán tín chỉ carbon, giao Bộ Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính chịu trách nhiệm, làm trong quý II/2025 phải có sản phẩm", Thủ tướng chỉ đạo rõ.
Thủ tướng lưu ý đến việc kết nối doanh nghiệp, hộ nông dân, cơ sở sản xuất để tiêu thụ lúa gạo, cũng như phát triển thêm nhiều sản phẩm lúa gạo. "Cuộc cách mạng lúa gạo không thể thiếu vai trò của nông dân, cùng mang lại lợi ích thụ hưởng, tự hào từ lúa gạo", Thủ tướng chia sẻ và cũng lưu ý đến việc kêu gọi các tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ tư vấn, kinh phí, kinh nghiệm các nước..."
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học phải liên kết với nhau một cách chặt chẽ; thành lập ngay Ban chỉ đạo chuyên ngành hoạt động có trách nhiệm, hiệu quả trên tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi.
Để tổ chức triển khai thực hiện Đề án, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 8364/NHNN-TD hướng dẫn một số nội dung để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tổ chức triển khai. Trong đó, giai đoạn thí điểm cho vay, từ khi triển khai dự kiến đến hết năm 2025, Ngân hàng thí điểm cho vay là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Agribank, với vai trò là ngân hàng chủ lực cung ứng vốn cho Đề án 1 triệu 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, sẽ tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hợp với mục tiêu Đề án cho các đối tượng tham gia. Các Chi nhánh Agribank trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố thực hiện Đề án đã chủ động hỗ trợ cá nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia Đề án về chính sách, quy trình thủ tục, đồng thời nắm bắt nhu cầu vay vốn đề tổng hợp xây dựng chính sách sản phẩm tín dụng phù hợp nhất cho bà con triển khai Đề án.
Agribank đang nhanh chóng hoàn thiện chính sách, đảm bảo các điều kiện cần thiết, sẵn sàng nguồn vốn, dịch vụ tài chính ngân hàng để đồng hành cùng bà con nông dân tham gia vào đề án phát triển nông nghiệp mới hiện đại, mô hình kiểu mẫu bắt kịp với xu thế phát triển bền vững. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nông sản gắn với giảm phát thải, bền vững trong điều kiện biến động thị trường và xu hướng tiêu dùng; giúp người nông dân liên kết thực hiện chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Trải qua 36 năm xây dựng và phát triển, Agribank luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của Ngân hàng thương mại chủ lực trong thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả với tổng tài sản trên 2,1 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,95 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế trên 1,64 triệu tỷ đồng, trong đó luôn dành 65-70% dư nợ đầu tư "Tam nông". Nguồn vốn Agribank chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Agribank tiên phong, trách nhiệm, thực hiện hiệu quả 07 chính sách tín dụng, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững..
Agribank luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu thực thi nghiêm túc, có hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về "Tam nông", về tiền tệ, ngân hàng, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nông nghiệp, "trụ đỡ" nền kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn