Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án MI-APRACA về “Hỗ trợ mở rộng học tập và nâng cao năng lực hoạt động tài chính nông nghiệp trong GMS” đã thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế và các cơ quan Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ và doanh nghiệp từ các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong. Đại diện của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức nông lương Liên Hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế đã đưa ra thảo luận nhiều vấn đề về những khó khăn mà doanh nghiệp khởi nghiệp phải đối mặt, những hạn chế đối với khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp, những kinh nghiệm và mô hình khởi nghiệp thành công trong khu vực GMS.
Tại Hội thảo, đại diện của các cơ quan Chính phủ đến từ Ngân hàng Quốc gia Campuchia, Cơ quan Thúc đẩy phát triển kinh tế số của Thái Lan, Cơ quan Thuế Thái Lan đã chia sẻ những cơ chế, chính sách vĩ mô của các nước này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thuận lợi tiếp cận nguồn vốn, giảm chi phí ban đầu và tham gia vào các chuỗi giá trị, từ đó tăng cơ hội khởi nghiệp thành công và mở rộng quy mô.
Tham gia Hội thảo có đại diện của hai ngân hàng thương mại lớn là Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Ấn Độ (NABARD) và Agribank. Tổng Giám đốc NABARD đã giới thiệu mô hình hợp tác giữa NABARD và Chính phủ Ấn Độ trong đầu tư vốn và phát triển các trung tâm nhân giống vật nuôi, cây trồng, hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Về phía Agribank, Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng Ban Định chế tài chính, đại diện cho Agribank trình bày nội dung bao trùm thực trạng khởi nghiệp của Việt Nam, những khó khăn đặc thù của doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp; chính sách ưu đãi của Chính phủ dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp; vai trò của Agribank trong hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn; những ưu đãi của Agribank đối với các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao; chính sách của Agribank hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tổng Thư ký APRACA chủ trì phiên thảo luận đã đánh giá cao những chia sẻ của Agribank tại Hội thảo, những đóng góp của Agribank vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói riêng và đặc biệt quan tâm tới các chính sách, nguồn tài chính mà Chính phủ Việt Nam đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
APRACA thành lập được 54 năm và hiện có 87 tổ chức tài chính thành viên thuộc 24 quốc gia tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tại Việt Nam có 2 thành viên là Agribank và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Tham gia Hiệp hội từ năm 2001, Agribank đã được tín nhiệm bầu vào Uỷ ban Điều hành APRACA trong 20 năm qua (2001 - 2021) và giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ 2008 - 2010. Agribank đã tham dự, chủ trì nhiều sự kiện quan trọng của APRACA như các hội nghị thường niên, hội nghị chính sách khu vực, hội thảo chuyên đề…
Bên cạnh APRACA, Agribank còn là thành viên Uỷ ban điều hành/Hội đồng quản trị Hiệp hội Ngân hàng Châu Á (ABA) từ năm 2007, Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp Quốc tế (CICA) từ năm 2001 và Hiệp hội ngân hàng Bán lẻ Thế giới (WSBI) từ năm 2004. Tại các hiệp hội này, Agribank luôn đóng vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Hiệp hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn