Agribank tích cực triển khai các giải pháp cho vay phát triển nhà ở xã hội

15:42 | 20/09/2024;
Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đồng thời phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, Agribank đã cùng các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tích cực tham gia xây dựng chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho phân khúc bất động sản nhà ở xã hội.
Agribank tích cực triển khai các giải pháp cho vay phát triển nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Agribank đã cùng các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tích cực tham gia xây dựng chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho phân khúc bất động sản nhà ở xã hội.

 

Được biết, đến 31/8/2024, Agribank là ngân hàng thương mại dẫn đầu về công tác triển khai cho vay trong số các ngân hàng đã tham gia Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong đó, Agribank đã phê duyệt 13 dự án nhà ở xã hội đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện vay vốn tại Điều 25 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, được công bố theo quy định của Bộ Xây dựng tại các tỉnh Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam, Kiên Giang với tổng số tiền phê duyệt là 3.065 tỷ đồng. Trong đó Agribank đã cho vay tại 08 dự án và 145 khách hàng là người mua nhà và 05 dự án còn lại tại các tỉnh Bình Định, Hải Phòng, Lâm Đồng, Thái Nguyên sẽ được sớm giải ngân trong thời gian tới. Bên cạnh đó số lượng dự án Agribank đang tiếp cận và dự kiến tiếp cận là 12 dự án, số tiền dự kiến đề xuất trên 5.200 tỷ đồng.

Tại Agribank, lãi suất ưu đãi của chương trình được điều chỉnh 6 tháng/lần. Hiện nay, lãi suất áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 đối với chủ đầu tư là 7,0%/năm và đối với người mua nhà là 6,5%/năm. Thời gian ưu đãi lãi suất đối với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu, còn đối với người mua nhà là 5 năm.

Agribank luôn chủ động tiếp cận, làm việc với Sở Xây dựng, Ban ngành tại địa phương nắm bắt nhu cầu đầu tư vốn của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm bắt danh mục các dự án và các khó khăn vướng mắc của các dự án về hồ sơ pháp lý để kịp thời tháo gỡ và triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng hiệu quả, đúng đối tượng, điều kiện, tuân thủ cơ chế tín dụng hiện hành.

Để các chính sách về nhà ở xã hội thực sự đi vào cuộc sống, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội được khơi thông, cần sự chung tay vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp cần được tiếp tục hoàn thiện; ưu tiên tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị… Những nỗ lực triển khai và kết quả ban đầu của Agribank đã góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đi đôi với kiểm soát rủi ro; tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp sở hữu nhà ở đảm bảo chất lượng và phù hợp với điều kiện kinh tế.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn