Một trong những điểm hấp dẫn thu hút khách hàng của một số shop online và trang thương mại điện tử, đó là có nguồn hàng giá rẻ hoặc khách hàng được hưởng ưu đãi với các chương trình giảm giá sâu.
Tuy nhiên, có không ít khách hàng sau khi nhận sản phẩm, qua một thời gian ngắn sử dụng thì “món hàng” gặp sự cố. Phía bán hàng đã không thực hiện đúng cam kết bảo hành, một số nơi làm qua loa cho xong chuyện, thậm chí có những nơi tìm cách đổ lỗi cho khách hàng nhằm “đánh bài... lờ”, khiến khách hàng rất bức xúc.
Có không ít khách hàng sau khi nhận sản phẩm, qua một thời gian ngắn sử dụng thì “món hàng” gặp sự cố Ảnh minh họa |
Một số khách hàng cho biết, họ đặt mua sản phẩm trên mạng để được hưởng giá ưu đãi theo chương trình của nhà phân phối nhưng sau khi sản phẩm hư hỏng, không sử dụng được, nhà phân phối “gợi ý” họ mua sản phẩm mới với giá đắt hơn so với giá thị trường.
Những khách hàng này nghi ngờ nhà phân phối đã cố tình bán cho họ những sản phẩm kém chất lượng để “gài bẫy”, buộc họ phải mua sản phẩm khác với giá đắt đỏ.
Đặc biệt, nhiều người mua hàng trên các shop online (chủ yếu được mở trên mạng xã hội) nhận phải những món hàng “dỏm”. Họ đã tìm cách liên hệ với quản lý của shop online nhưng không được phản hồi và cuối cùng là bị chặn.
Được biết, do các quy định của luật pháp trong việc quản lý bán hàng trên mạng và thương mại điện tử của ta hiện còn có những kẽ hở, nên nhiều nhà kinh doanh đã lợi dụng để quảng cáo sản phẩm không đúng thực chất, đồng thời không cung cấp đầy đủ và minh bạch các thông tin về quy chế hoạt động, chính sách bán hàng, quy trình giao kết hợp đồng...
Ảnh minh họa |
Điều này dẫn tới hậu quả là những khách hàng của những trang bán hàng trực tuyến nói trên bị xâm phạm quyền lợi mà không biết khiếu nại hay khởi kiện ở đâu khi không có đầy đủ chứng cứ.
Thực tế, mua bán online đang ngày càng chứng tỏ tính ưu việt và dần thu hút người tiêu dùng mua sắm online nhiều hơn. Nhưng trong môi trường pháp lý còn khá nhiều kẽ hở như vậy, người tiêu dùng đành chấp nhận mua bán bằng... niềm tin. Và một khi niềm tin bị lợi dụng, rõ ràng là họ phải chấp nhận thiệt thòi.
Chính vì thế, nhiều khách hàng đề nghị cơ quan quản lý cần tăng mức phạt lên thật nặng đối với những trang bán hàng có vi phạm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Được biết, tại nhiều nước trên thế giới, nếu những trang thương mại điện tử nào bị khách hàng phản ảnh quá 5 lần sẽ bị đóng cửa tạm thời, nặng hơn là rút giấy phép.
Đó cũng là biện pháp mà Việt Nam cần học tập để tạo được thị trường lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.