Tác động của biến chứng bệnh tay chân miệng ảnh hưởng nặng đến hệ thần kinh, hệ thống hô hấp và tuần hoàn của bệnh nhân. Những người dễ gặp biến chứng của bệnh cần quan sát kĩ những dấu hiệu sức khỏe trở nặng để can thiệp y tế kịp thời.
Các số liệu thống kê cho thấy, hầu hết các trường hợp bị bệnh tay chân miệng là trẻ em dưới 10 tuổi. Trong đó có khoảng 95% nhiễm bệnh xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đây là độ tuổi cơ thể có sức đề kháng yếu, khả năng chống chọi với bệnh tật còn kém, chưa có khả năng vệ sinh và chăm sóc tốt cho cơ thể.
Chính vì vậy, nếu không được các bậc phụ huynh chăm sóc và kiểm soát bệnh tật kỹ lưỡng, trẻ rất dễ bị biến chứng bệnh tay chân miệng. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến đối tượng là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tuổi. Ở độ tuổi này, nếu bị biến chứng bệnh tay chân miệng, nguy cơ tử vong rất cao.
- Những người bị mắc bệnh tay chân miệng do virus enterovirus 71 hoặc virus Coxsackie A6 thì có nguy cơ bị biến chứng cao hơn. Các chủng virus khác gây bệnh tay chân miệng như coxsackievirus A16, A4 - A7, A9, A10, B1-B3 và B5 thường lành tính hơn, ít gây biến chứng.
- Tay chân miệng là bệnh lý có diễn biến rất nhanh. Thậm chí bệnh có thể tăng cấp độ nghiêm trọng chỉ trong nửa ngày. Do đó, với những bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm, điều trị sai hoặc không kịp thời thì rất dễ bị biến chứng. Vì vậy, khi thấy xuất hiện các triệu chứng bệnh đầu tiên, người bệnh cần được thăm khám sớm tại các cơ sở y tế đáng tin cậy để được chẩn đoán và tư vấn điều trị chính xác nhất.
- Bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, bệnh nhân mắc kèm các bệnh lý nghiêm trọng khác cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng bệnh tay chân miệng.
- Nếu bị mắc bệnh tay chân miệng khi mang thai, đặc biệt là ở 3 tháng đầu thai khi, bệnh rất dễ gây ra biến chứng sảy thai hoặc thai kém phát triển.
>> Bệnh tay chân miệng ở phụ nữ mang thai: Hiểu để chủ động phòng ngừa, bảo vệ mẹ và bé trong suốt thai kỳ
Như đã nói ở trên, bệnh tay chân miệng có diễn biến rất nhanh chóng. Mà đa số các ca bệnh đều được bác sĩ tư vấn chăm sóc và điều trị tại nhà. Do đó, bệnh nhân cần được chăm sóc và kiểm soát các triệu chứng bệnh thật cẩn thận.
Các dấu hiệu sau đây có thể cảnh báo sớm nguy cơ bệnh nhân bị biến chứng tay chân miệng, cần được đưa đi cấp cứu khẩn cấp:
- Bệnh nhân sốt cao, sốt liên tục trong nhiều ngày, sốt khó hạ.
- Nôn ói nhiều. Nôn ói không liên quan tới tình trạng ăn uống, ho. Nôn ói không kèm theo tình trạng đường ruột khác như tiêu chảy.
- Huyết áp tăng cao.
- Khó thở, thở nông và nhanh, khi thở có thể nghe thấy tiếng rít thanh quản.
- Các vết lở loét, tổn thương da ngày càng trầm trọng hơn.
- Bệnh nhi hay quấy khóc, giật mình, dễ bị hoảng hốt.
- Cơ thể mệt mỏi, ngủ li bì, lơ mơ.
- Lạnh tứ chi.
- Khi kiểm tra có thể thấy bạch cầu máu của bệnh nhân tăng cao, trên 16000/mm3.
Khi bệnh nhân có các dấu hiệu trên thì cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức, tránh để bệnh tay chân miệng biến chứng, đe dọa đến tính mạng.
Hiện nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vacxin phòng chống, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, mọi người cần có biện pháp vệ sinh và phòng bệnh thật tốt. Khi bị bệnh cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, chăm sóc cơ thể thật tốt. Các biến chứng nguy hiểm sẽ không xuất hiện nếu như bệnh nhân được chẩn đoán và chăm sóc kịp thời, đúng cách.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn