Những năm gần đây, Pete rất hào hứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Ông sử dụng công nghệ này để chỉnh sửa hình ảnh, dịch tin nhắn văn bản và thực hiện nghiên cứu. Dù đã nghỉ hưu, cuộc sống của Pete vẫn rất bận rộn. Ngoài sở thích cá nhân, ông duy trì một blog về chứng sa sút trí tuệ và là cố vấn trải nghiệm thực tế, thành viên ủy ban và tình nguyện viên của Hiệp hội Alzheimer. Cách đây 5 năm, ở tuổi 65, Pete được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ. Từ đó, ông bắt đầu cảm nhận rõ trí nhớ của mình bị suy giảm. "Tôi vẫn có thể viết ứng dụng cho điện thoại di động nhưng lại không nhớ mình đã để điện thoại ở đâu", ông cho biết.
Pete lạc quan về tiềm năng của AI trong việc hỗ trợ người bị suy giảm trí nhớ. Ông tin rằng, công nghệ có thể thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức mà ông có và những khó khăn do chứng sa sút trí tuệ gây ra. Ông nói: "Nếu người mắc sa sút trí tuệ biết ứng dụng AI vào cuộc sống, họ có thể sống tự chủ hơn. AI có thể giúp người lớn tuổi giảm phụ thuộc vào hệ thống NHS và tránh phải vào viện dưỡng lão".
Một số công cụ AI đang được phát triển để hỗ trợ người mắc chứng sa sút trí tuệ. Một trong số đó là Simon, ứng dụng sử dụng định vị và máy học để xác định nhu cầu cụ thể của người dùng và gửi thông báo. Chẳng hạn, ứng dụng có thể nhắc nhở người dùng mã PIN khi phát hiện họ đang ở ngân hàng. Hiện Simon đang trong giai đoạn thử nghiệm beta.
Một dự án khác là Florence, tập trung vào việc tăng cường giao tiếp cho người mắc chứng sa sút trí tuệ. Giáo sư Janet Wiles tại Đại học Queensland (Úc) cho biết, thay vì thay thế tương tác giữa con người, Florence tìm cách củng cố mối quan hệ giữa người mắc chứng sa sút trí tuệ và người chăm sóc hoặc người thân nhờ vào công nghệ giao tiếp được thiết kế để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cuộc trò chuyện. Giáo sư Wiles, người có mẹ mắc chứng sa sút trí tuệ, là thành viên của nhóm thực hiện dự án Florence. Để tránh việc tạo ra sản phẩm quá phức tạp và thiếu tính ứng dụng, nhóm đã phối hợp với người mắc chứng sa sút trí tuệ và người chăm sóc để lấy ý kiến trong quá trình thiết kế. Dự án đã phát triển 3 thiết bị chính: nhật ký, máy phát âm thanh và màn hình kỹ thuật số, mỗi thiết bị có nút điều khiển vật lý đơn giản như núm vặn hoặc nút bấm. Nội dung trên các thiết bị có thể được cập nhật tại chỗ hoặc từ xa, ví dụ như người thân ở xa có thể thay đổi danh sách phát trên máy phát âm thanh sau khi được người dùng đồng ý.
AI giúp cá nhân hóa các thiết bị này thông qua một "ngân hàng kiến thức", được xây dựng thông qua dữ liệu thu thập từ các câu trả lời và cuộc trò chuyện của người dùng. Âm thanh sẽ được ghi lại, chuyển thành văn bản và nếu cần, dịch sang ngôn ngữ khác. Thông tin này sẽ được phân tích để điều chỉnh nội dung phù hợp với nhu cầu của người dùng, ví dụ như nhật ký có thể hiển thị hình ảnh của người chăm sóc cùng với thời gian họ đến. Dự án Florence đã được phát triển trong một thập kỷ và đang thử nghiệm các bản mẫu. Giáo sư Wiles đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của quyền riêng tư và bảo mật, vì các vấn đề kỹ thuật có thể gây tác động nghiêm trọng hơn đối với người mắc chứng sa sút trí tuệ so với người bình thường.
Các chatbot AI hiện cũng được tích hợp vào robot đồng hành để hỗ trợ người mắc chứng sa sút trí tuệ. Hiro-chan, một robot trị liệu, có thể ôm, giúp giảm căng thẳng cho người dùng nhờ vào tương tác thân thiện. Các nhà nghiên cứu đang tìm cách tích hợp ChatGPT cùng với loa và micrô vào Hiro-chan, đồng thời giữ trọng lượng robot dưới 800 gram.
Theo Alzheimer's Disease International, cứ 3 giây lại có 1 người trên thế giới mắc chứng sa sút trí tuệ. Đã có hơn 55 triệu người trên thế giới mắc tình trạng này vào năm 2020. Con số này được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi, đạt 78 triệu người vào năm 2030 và 139 triệu người vào năm 2050.
Trong các thử nghiệm ban đầu với người mắc chứng sa sút trí tuệ tại viện dưỡng lão, Hidenobu Sumioka, chuyên gia về robot tại Viện Nghiên cứu Viễn thông Tiên tiến Quốc tế ở Kyoto (Nhật Bản), cho biết các cuộc trò chuyện đơn giản, trực tiếp hơn và hấp dẫn mọi người hơn mong đợi.
Tuy nhiên, Fiona Carragher, Giám đốc Nghiên cứu tại Alzheimer's Society, nhấn mạnh rằng, AI không thể thay thế tương tác xã hội, điều vốn rất quan trọng trong chăm sóc người mắc chứng sa sút trí tuệ, mà nên được dùng để nâng cao chất lượng chăm sóc theo cách có lợi cho cả người bệnh và người chăm sóc họ.
Dennis Frost, một lập trình viên đã nghỉ hưu từng tham gia dự án Florence, chỉ ra rằng tương tác xã hội rất quan trọng đối với những người được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ. "Tôi nghĩ rằng việc tăng cường tương tác giữa con người với con người nên được ưu tiên hơn là tăng cường tương tác với AI. AI có thực sự quan tâm đến việc chúng ta sống hay chết không?".
Pete nhìn nhận tiềm năng lớn của AI trong việc hỗ trợ người mắc chứng sa sút trí tuệ nhưng nhấn mạnh sự cần thiết của tính linh hoạt để phù hợp với nhiều cá nhân. Ông nói: "Không ai giống ai hoàn toàn. Những gì hiệu quả với tôi có thể không hiệu quả với người hàng xóm dù họ cũng mắc chứng bệnh này". Ông cho rằng, nhà phát triển nên điều chỉnh sản phẩm theo các nhu cầu và giai đoạn khác nhau của chứng sa sút trí tuệ, thay vì áp dụng một cách tiếp cận chung.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn