Sinh ra và lớn lên ở phía Nam nước Anh, Alan bộc lộ tài năng toán học từ khi còn nhỏ. Ông đã có thể giải vi tích phân từ khi 15 tuổi mà không học qua tích phân cơ bản. Năm 1939, ông tham gia đội giải mã có trụ sở ở thị trấn Bletchley (Anh) và lập công lớn khi góp phần tìm ra cách giải hệ thống máy mã hóa Enigma của quân Đức - một trong những mật mã phức tạp và khó giải nhất thời bấy giờ.
Dù đạt được nhiều thành tích, song Alan lại không được công nhận ở quê nhà, một phần do ông là người đồng tính, phần còn lại là do Đạo luật Bí mật Chính thức (đạo luật quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và thông tin chính thức, chủ yếu liên quan đến an ninh quốc gia) không cho công khai thành tựu của ông.
Alan bị phát hiện là có quan hệ đồng tính với một nam thanh niên 19 tuổi và bị bắt giữ vào năm 1952 (khi đó đồng tính luyến ái ở Anh vẫn là phạm pháp). Ông đã chọn hình phạt "thiến hóa học" thay cho việc ngồi tù và tự sát bằng chất độc xyanua vào ngày 7/6/1954, chỉ 2 tuần trước sinh nhật thứ 42 của mình.
Khi khám nghiệm hiện trường, người ta tìm thấy một quả táo cắn dở và một số người nghiên cứu cuộc đời Alan đã cho rằng việc này được truyền cảm hứng từ "Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn" - câu chuyện cổ tích yêu thích của ông.
Năm 2009, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã công khai xin lỗi về cách đối xử "khủng khiếp" của họ với Alan, cũng như với hàng nghìn người đồng tính nam khác thời bấy giờ. Năm 2013, Nữ hoàng Elizabeth II đã ban ân xá hoàng gia cho Alan Turing. Bộ phim tiểu sử về cuộc đời Alan Turing mang tên "The Imitation Game" (Người giải mã) đã đoạt giải bình chọn của khán giả tại Liên hoan phim Toronto (Canada) năm 2014.
Năm 2021, hình ảnh Alan xuất hiện trên tờ 50 bảng Anh, khiến ông trở thành nhân vật đầu tiên của cộng đồng LGBTQ+ được in lên tiền lưu hành chính thức. Di sản của ông để lại cho thế giới không chỉ có những công trình khoa học mà còn là sự khích lệ và nguồn cảm hứng cho cộng đồng LGBTQ+.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn