Nhà khoa học Albert Einstein từng nói: "Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức. Bởi tri thức có hạn, trong khi trí tưởng tưởng là sự liên tưởng vạn vật trên cõi đời, là nguồn tri thức không ngừng vận động". Trí tưởng tượng là năng lực bẩm sinh của trẻ, chỉ cần cha mẹ không dập tắt nó thì trẻ có thể duy trì trí tưởng tượng phong phú cho đến khi lớn lên.
Bên cạnh trí tưởng tượng, nhà khoa học Albert Einstein còn cho rằng: Một khả năng quan trọng không kém khác, đó là sự suy đoán. Đây là kỹ năng tổng hợp thông tin tiến tới phân tích, dự đoán vấn đề. Với việc cải cách giáo dục càng sâu rộng thì tỷ lệ khả năng tư duy phản biện, suy đoán của trẻ càng cao. Ngày nay, trong các bài thi tuyển sinh, những câu hỏi tư duy suy đoán chiếm đến một nửa. Khả năng này được củng cố và phát triển qua nhiều hoạt động giữa cha mẹ và con cái.
Kỹ năng suy đoán của trẻ được rèn luyện càng sớm càng giúp trẻ nâng cao tư duy, cải thiện trí thông minh. Cha mẹ có thể cải thiện kỹ năng cho con bằng những hoạt động sau theo từng giai đoạn:
Trẻ từ 0 - 1 tuổi cần kích thích các giác quan và phát triển trí não. Lúc này, trẻ vẫn chưa thể nói và vận động tư do nhưng não bộ phát triển rất nhanh chóng. Ở độ tuổi này, cha mẹ hoàn toàn có thể kích thích khả năng suy đoán của não bộ thông qua các hoạt động sau.
- Cho trẻ nghe truyện, tranh ảnh: Trẻ từ 0 – 1 tuổi nghe và tiếp thu rất nhiều trước khi bắt đầu tập nói. Khi trẻ được cha mẹ kể chuyện bằng tranh ảnh, trẻ có thể vừa tiếp thu qua lời nói, vừa nhìn thấy hình ảnh sống động. Bên cạnh đó, kích thích sự tò mò của trẻ.
- Chơi cùng các khối lắp ráp: Chạm, ném các khối và tạo ra âm thanh bằng sự kết hợp các khối cũng góp phần kích thích sự phát triển của trẻ. Các khối lắp ráp cũng rất hữu ích cho các mục tiêu giáo dục khác nhau. Chẳng hạn như khi trẻ đưa vào miệng có cảm giác cứng, trẻ sẽ suy đoán đây không phải thức ăn.
Đối với trẻ từ 2 đến 3 tuổi, cha mẹ nên áp dụng các phương pháp sử dụng ngón tay. Đây cũng là giai đoạn trẻ có thể nói được nhiều từ hơn và tự do vận động nên kích thích não bộ rất nhiều bằng cách chơi với các đầu ngón tay. Một số hoạt động cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ thực hiện để nâng cao khả năng phán đoán như:
- Chơi với các bộ xếp hình đơn giản: Khi được 2 – 3 tuổi, trẻ có thể thực hiện các động tác phức tạp bằng cách nắm chặt các ngón tay và vặn, xoay cổ tay. Công việc xếp hình đòi hỏi phải có những động tác khéo léo như điều chỉnh góc độ, vì vậy giúp kích thích não bộ của trẻ.
- Chơi cùng hình dán: Động tác bóc hình dán ra khỏi giấy để dán vào vị trí khác không thể thực hiện được nếu không sử dụng các đầu ngón tay một cách linh hoạt. Điều này còn giúp trẻ nâng cao kỹ năng phán đoán, sự kiên nhẫn tập trung.
Trẻ từ 4 đến 5 tuổi sẽ phát triển tư duy hơn nữa, vì vậy nên chơi bằng cả tay và đầu để có để suy nghĩ theo thứ tự và nhận biết cá con số, hình khối. Cha mẹ hãy lựa chọn những trò chơi giúp trẻ cảm thấy hứng thú sau đây.
- Chơi xếp hình có nhiều mảnh: Trẻ từ 4 đến 5 tuổi có khả năng hoàn thành các hình xếp ở khoảng 50 – 60 mảnh. Lúc mới bắt đầu, hãy hướng dẫn mẫu cho trẻ làm quen. Một ưu điểm khác của việc xếp hình là trẻ có thể cảm nhận được thành tựu khi hoàn thành. Cho trẻ ráp lại những hình đã hoàn thành cũng là một cách để rèn luyện trí nhớ và nâng cao khả năng tưởng tượng, suy đoán ra mẫu đã hoàn thành.
- Trò chơi nhập vai: Cha mẹ có thể giúp phát triển trí tưởng tượng, sự sáng tạo của trẻ bằng cách để trẻ sáng tác một câu chuyện khi chơi đồ chơi hoặc đóng vai. Đây là cơ hội để trẻ tập suy nghĩ bằng cảm xúc của người khác. Hãy để trẻ tự do sáng tạo như chăm sóc búp hay, tạo phòng riêng cho búp bê,…
- Trò chơi đan dây: Đây là một trò chơi truyền thống Nhật Bản nhưng mang lại hiệu quả giáo dục cao. Nó đòi hỏi những chuyển động của ngón tay khéo léo và nếu làm sao thứ tự có thể không ra được hình dạng như mong muốn. Cùng trẻ chơi trò chơi này sẽ giúp trẻ nâng cao khả năng phán đoán sự vật, sự việc nhanh chóng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn