Alicia Alonso- vũ điệu tươi đẹp, mãnh liệt của Cuba

09:38 | 06/12/2015;
Với rất nhiều người, Cuba được biết đến với ba đặc trưng: chủ nghĩa cộng sản, xì gà hảo hạng và những vũ điệu ba lê tươi đẹp, mãnh liệt mang tên Alicia Alonso.
Alonso tên đầy đủ là Alicia Alonso Martinz - nữ diễn viên, biên đạo múa ba lê người Cuba. 17 tuổi, Alonso đã được thế giới biết đến với vai diễn thành công trong những vở ballet cổ điển Giselle hay Carmen trên sân khấu Broadway. 19 tuổi, Alicia bị ảnh hưởng bởi mắt cô mù một phần nhưng cô quyết không từ bỏ, tiếp tục tỏa sáng trên sân khấu. Dành suốt cuộc đời để múa, Alicia Alonso còn mang ba lê về với đất nước Cuba quê hương cô, nơi mà khi đó thậm chí không có cả một sàn diễn thích hợp. Vì những nỗ lực của mình, Alicia Alonso đã nhận được danh hiệu “Anh hùng lao động của nước Cộng hòa Cuba” và trở thành nữ diễn viên ba lê nổi tiếng nhất thế kỷ XX.
  1. Đam mê múa
Alonso sinh ra ở Havana, Cuba trong gia đình sĩ quan quân đội. Gia đình Alonso có khả năng tài chính khá đầy đủ cho phép các con được theo đuổi những điều chúng yêu thích. Từ bé, Alicia đã đam mê múa và âm nhạc. Mẹ Alonso kể lại, từ khi còn là một cô bé, để cô khỏi khóc lóc và quấy rầy, chỉ cần cho cô vào một căn phòng, bật nhạc và để cô bé tự nhảy múa theo ý mình. 5 tuổi, thứ đồ mà Alonso thích nhất là chiếc máy quay đĩa và chiếc khăn quàng cổ, những thứ mà với nó, cô bé có thể sáng tạo nên bất kỳ vũ điệu nào. “Khi còn nhỏ, tôi không biết khiêu vũ là gì. Tôi chỉ mơ ước có một mái tóc dài vì vậy, tôi nhảy múa cùng với chiếc khăn quàng cổ của mình, giả vờ đó là mái tóc và nhảy với nhịp điệu của tôi”. 8 tuổi, Alonso được gửi tới trường ba lê tư thục do vũ sư người Nga Nikolai Yavorski mở. “Từ những giờ học đầu tiên tôi đã biết rằng ba lê sẽ có ý nghĩa với tôi hơn bất cứ điều gì trong đời”. 12 tuổi, Alicia đã lên sân khấu biểu diễn lần đầu tiên. Khi gia đình chuyển tới Mỹ năm cô 17 tuổi, Alonso với tài năng của mình đã được biểu diễn trên sân khấu Broadway. 2 năm sau, cô đã được biết đến như một vũ nữ tài năng và triển vọng của Nhà hát ballet Mỹ ở NewYork với vị trí mà bất cứ nghệ sĩ ba lê nào trên thế giới cũng mơ ước với nhiều giải thưởng khác nhau từ Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha.
  1. Vượt lên nghịch cảnh
Bước sang tuổi 19, Alicia bị một khiếm khuyết của mắt với nguy cơ bị mù. Thị lực mất dần, Alicia vẫn không rời sân khấu, cô đã yêu cầu sử dụng đèn với công suất cực lớn để giúp cô định hướng di chuyển trong những buổi biểu diễn của mình. Trong buổi biểu diễn vở “Hồ Thiên nga”, khi chạy từ cánh gà này sang cánh gà kia, Alonso đã va phải bối cảnh trang trí và bị xước trán. Ban tổ chức định ngừng biểu diễn nhưng Alonso đã kiên quyết gạt đi “Tôi cần diễn tiếp”. Buổi biểu diễn không bị gián đoạn mà thành công hơn với vũ điệu đầy xúc cảm của Alonso.
Thị lực của Alonso tiếp tục xấu đi. Bác sĩ yêu cầu phẫu thuật võng mạc và cô phải nằm trên giường bất động trong 3 tháng. Alonso không thể chơi với con gái, nhai thức ăn một cách khó khăn, không thể khóc, cười hay di chuyển đầu của mình. Cô vô cùng đau khổ. Chồng của cô đã ngồi với Alonso mỗi ngày, sử dụng các ngón tay để dạy cô nhảy múa. Sau này, khi nhớ lại quãng thời gian đó, Alonso nói rằng “Tâm trí tôi bị mù, cơ thể tôi bất động, nằm lặng trên giường, tôi đã dạy bản thân mình những điệu nhảy của Giselle”. Cuối cùng, khi được phép rời khỏi giường, thay vì đi dạo như mệnh lệnh của bác sĩ, Alonso lại tiếp tục đến sân khấu của mình. “Tôi cần giữ đôi chân mình còn sống” Alonso nói. Và cô vẫn tiếp tục biểu diễn tới tận cuối cuộc đời mình với tâm niệm “Khiêu vũ chính là cuộc sống của tôi”. “Từ khía cạnh vật lý, có những điều rõ ràng rằng Alonso đã thay đổi, nhưng từ cảm xúc của từng vũ điệu, cô ấy giờ là một vũ công tốt hơn nhiều”- Tờ NewYork Time đã viết về Alonso như vậy sau buổi biểu diễn của cô ở Nhà hát Ballet Mỹ năm Alonso đã ở tuổi ngũ tuần.
alicia_alonso_y_fidel_castro.jpg

Alicia Alonso là một người bạn thân thiết của lãnh tụ Fidel Castro

  1. Cống hiến cho quê hương
Cô không chỉ là một vũ công ba lê, cô là người anh hùng của đất nước mình. Những năm 50, Cuba khi đó là đất nước sau chiến tranh với những thay đổi về chính trị, người dân Cuba không mấy quen thuộc với loại hình nghệ thuật sang trọng và tinh tế này. Nhưng Alicia, với sự ủng hộ của Fidel Castro, đã không ngần ngại bắt đầu giấc mơ xây dựng một nhà hát ba lê trên “hòn đảo tự do”. Với số tiền ban đầu 200.000 đô, Alonso thành lập trường dạy ba lê sau này trở thành Học viện ba lê quốc gia Cuba. Alicia là người sáng lập đồng thời là Giám đốc danh dự của Học viện đến tận khi bà 90 tuổi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn