Ám ảnh chất lượng chung cư giá rẻ - Bài 1: Quảng cáo "trên trời", chất lượng "dưới đất"

08:00 | 31/10/2023;
Câu chuyện khát nước sạch của hàng nghìn cư dân Khu đô thị Thanh Hà (ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) mới đây một lần nữa cho thấy những bất cập liên quan đến chất lượng sống ở chung cư giá rẻ, từ an toàn cháy nổ, điều kiện sống tối thiểu đến hạ tầng xã hội.

Sao lại để cư dân phải khổ thế ?

Năm 2017, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thủy (75 tuổi) và ông Đỗ Văn Toàn (78 tuổi) là một trong những người dân đầu tiên về sinh sống tại tòa nhà HH01C Khu đô thị Thanh Hà. Bà Thủy nguyên là cán bộ kế toán về hưu, trong khi đó ông Toàn làm nghề lái xe. Trước đây, vợ chồng bà Thủy có căn nhà nhỏ ở gần Bệnh viện 103, nơi đó rất chật chội cho gia đình 5 người sinh sống. Với đồng lương ít ỏi, gần cả đời người làm lụng, vợ chồng bà Thủy cũng chỉ đủ để nuôi 3 đứa con. Sau khi các con lần lượt lập gia đình, áp lực về chỗ ở càng đè nặng lên vai vợ chồng bà.

Ám ảnh chất lượng chung cư giá rẻ - Ảnh 1.

Người dân Khu đô thị Thanh Hà xếp hàng lấy nước sạch

Dính không ít điều tiếng khi xây nhà giá rẻ nhưng khi Khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) tung ra thị trường gần 2.000 căn hộ với "giá sốc", dự án này vẫn hút khách. Thế nhưng, sau 6 năm đưa vào sử dụng, nơi được quảng cáo với những "lời có cánh" bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế.

Đã có nhiều dự án nhà giá rẻ được tung ra thị trường trước đó nhưng bà Thủy vẫn không đủ tiền để sở hữu một căn hộ nhỏ. Phải đến năm 2017, khi Chung cư Thanh Hà Cienco 5 chào bán với giá 9,5 - 12,5 triệu đồng/m2, bà Thủy mới dám mơ đến việc mua nhà mới. Với số tiền tích cóp và vay mượn thêm, bà Thủy đã quyết định mua căn hộ 70m2 với giá chưa đến 700 triệu đồng. "Ở Hà Nội thời điểm đó, không tìm đâu ra chung cư có giá như vậy. Ngoài ra, Khu đô thị Thanh Hà còn được quảng cáo là chung cư thương mại sinh thái có đầy đủ tiện ích như một chung cư cao cấp nên tôi đã không mất quá nhiều thời gian khi đưa ra quyết định mua nhà", bà Thủy chia sẻ.

Bà Thủy cũng nói rằng, dù quảng cáo với những "lời có cánh" nhưng "tiền nào của nấy" và bà hài lòng với số tiền đã bỏ ra mua căn hộ. Bởi nếu không có dự án giá rẻ này, vợ chồng bà giờ vẫn đang ở cùng các con trong căn nhà chật chội, cũ kỹ. "Sáu năm về đây sống, tôi thật sự hài lòng, cho đến khi mất nước trầm trọng như hơn 10 ngày qua", chỉ vào đống xô chậu ngổn ngang khắp nhà để tích trữ nước sạch, bà Thủy buồn bã nói.

Ám ảnh chất lượng chung cư giá rẻ - Ảnh 3.

Người dân Khu đô thị Thanh Hà xếp hàng lấy nước sạch

Cũng như 1,6 vạn cư dân sống trong 26 tòa nhà của Khu đô thị Thanh Hà, kể từ khi người dân phát hiện "nước bẩn", sau đó là mất nước, cuộc sống của gia đình bà Thủy bị đảo lộn. Hàng đêm, con trai bà phải "canh" từng chuyến xe chở nước sạch để lấy từng xô về dùng. Việc tắm rửa, giặt giũ phải tính toán, dè xẻn từng giọt nước.

Từ đầu tháng 10, một số chung cư tại Khu đô thị Thanh Hà bị cắt nước sinh hoạt đột ngột. Khi được cấp trở lại, nước xuất hiện tình trạng nặng mùi, gây mẩn ngứa, dị ứng da. Người dân mang mẫu nước đi xét nghiệm, kết quả, hàm lượng Amoni trong nước là 11,46 mg/lít, gấp 38,2 ngưỡng giới hạn cho phép. Hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng cho phép hàng chục lần.

Phòng Y tế huyện Thanh Oai cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu nước từ bể nước Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà ngày 13/10 đã phát hiện có vi khuẩn E.coli. Cả 26 tòa nhà sau đó đã bị cắt nước khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Đến nay đã hơn 10 ngày, người dân ban ngày đi làm, tối đến phải đi lấy từng xô nước sạch để dùng. Vấn đề nước sạch cho người dân ở đây chưa có lời giải.

Khác với nhà bà Thủy, gia đình chị Lê Thị Hoa đang bán quán ăn ở tòa nhà HH02 cho biết, việc mất nước đã khiến công việc kinh doanh của gia đình chị đình trệ. "Điều tôi lo lắng nhất là chất lượng nước. Sau khi có kết luận nước nhiễm vi khuẩn E.coli và cơ quan y tế khuyến cáo không dùng vào việc ăn uống, người dân rất bất an. Suốt những năm qua, chúng tôi đã dùng nước này, giờ không biết có bị làm sao không?", chị Hoa lo lắng.

Trong khi đó, chị Kim Anh, chủ 2 cơ sở mầm non tại Khu đô thị Thanh Hà, cho biết: Cơ sở không thể đóng cửa vì học sinh đi học. Để duy trì hoạt động, chị Kim Anh đã phải đầu tư hệ thống máy lọc, tốn hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nước sau khi đã lọc cũng chỉ dùng để rửa, còn nước ăn uống cho cô và trò, chị Kim Anh phải mua nước đóng bình, rất tốn kém. "Do điều kiện kinh tế hạn hẹp nên mấy năm qua, tôi cũng khá hài lòng với số tiền đã bỏ ra mua nhà tại đây. Điều tôi sốc là tại nơi có đến hàng nghìn cư dân sinh sống lại để xảy ra tình trạng mất nước trầm trọng và nước nhiễm bẩn thế này. Nước quan trọng như giọt máu, sao lại để cư dân phải khổ thế chứ", chị Kim Anh bức xúc.

Không thể ngồi yên vì nước là điều kiện sống tối thiểu

Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 được đầu tư xây dựng trên diện tích khoảng hơn 400ha, tọa lạc tại các phường: Phú Lương, Kiến Hưng của quận Hà Đông và xã Cự Khê của huyện Thanh Oai, do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư. Theo Quyết định số 3229 ngày 13/7/2015 của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, trong đó đã xác định 23 lô đất quy hoạch xây dựng trường học. Trong số 23 lô đất này, có 21 lô đất xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS và 2 lô đất xây dựng trường THPT. Tuy nhiên, cư dân tại đây phản ánh rằng, dường như chủ đầu tư đã "quên" xây trường học, khác với lời quảng cáo "cơ sở, hạ tầng đồng bộ" như lúc chào bán. Cụ thể, trường mầm non có 12 lô; trường tiểu học có 5 lô; trường THCS có 4 lô; trường THPT có 2 lô (ký hiệu: A2.7-THPT01; B2.5-THPT01).

Ám ảnh chất lượng chung cư giá rẻ - Ảnh 5.

Đàn bò ung dung gặm cỏ trong Khu đô thị Thanh Hà

Chị Chu Huyền Trang, một cư dân Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, cho biết hạ tầng giáo dục tại đây khá đầy đủ nhưng rơi vào tình trạng "thiếu trường công và dư trường tư". "Trẻ học mẫu giáo còn có nhiều sự lựa chọn chứ trẻ bắt đầu vào lớp 1 là việc xin học rất khó khăn do các trường công lập tại khu vực lân cận đều quá tải. Cư dân chúng tôi chủ yếu cho con học tại các trường công lập ở Mậu Lương, Kiến Hưng hay Cự Khê. Trong khi đó, nhiều trường tư có chất lượng giáo dục tốt nhưng mức học phí lại cao so với thu nhập. Việc chủ đầu tư không xây trường khiến việc học tập của trẻ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các em học bậc THPT phải di chuyển rất xa", chị Trang chia sẻ.

Chỉ tay về phía công viên trước căn hộ nhà mình, nơi có đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ, chị Trang ngán ngẩm nói: "Để mua căn hộ có view ra hồ, tôi đã mất thêm một số tiền. Dự án lúc chào bán quảng cáo "tọa lạc tại vị trí đắc địa của quận Hà Đông, sẽ là nơi đáng sống bậc nhất phía Tây Hà Nội. Cư dân sẽ được tận hưởng một cuộc sống hòa mình với thiên nhiên, nơi nghỉ dưỡng lý tưởng, một đô thị có môi trường sống trong lành, tràn ngập thiên nhiên với hệ thống cây xanh"... 

Thế nhưng, khu đô thị Thanh Hà hiện tại ngoài những tòa chung cư đã đưa vào sử dụng thì hàng trăm hecta đất trong khu đô thị vẫn bị bỏ hoang, làm nơi chăn thả bò, ngựa của người dân. Quảng cáo trên trời nhưng chất lượng dưới mặt đất. Nhà giá rẻ nên chúng tôi phải chấp nhận một số tiện ích kém nhưng riêng vụ thiếu nước sạch, cư dân không thể ngồi yên vì đó là điều kiện sống tối thiểu", chị Trang nói.

Bài sau: Phá vỡ quy hoạch, quá tải hạ tầng

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn