Khoảng 16h00 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, tại con ngõ 15 Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội là cảnh hàng dài người xếp hàng, tay cầm theo hộp, bát đựng cơm để chờ nhận những suất cơm từ thiện 0 đồng.
Theo đó, những suất cơm miễn phí được phát bởi các tình nguyện viên của Nhà ăn không đồng Bạch Mai.
Được thành lập hơn 1 năm, Nhà ăn không đồng Bạch Mai đã trao hàng chục nghìn suất cơm miễn phí đến tay hàng trăm người có hoàn cảnh khó khăn, giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho những gia đình có bệnh nhân đang nằm viện.
Từ thiện không nhất thiết phải bằng tiền
Trao đổi với chúng tôi, chị Khổng Thị Hường (40 tuổi, chủ Nhà ăn không đồng Bạch Mai) cho biết, mỗi ngày đội tình nguyện phát khoảng 300 đến 400 suất cơm miễn phí. Người dân đến đây nhận cơm chủ yếu là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Để chuẩn bị cho những suất cơm đặc biệt này, khoảng 13h00 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, chị Hường và mọi người có mặt tại địa điểm trên để sơ chế, nấu nướng các món ăn. Khi chế biến, nấu nướng xong, các món ăn được đựng vào khay lớn rồi mang ra sắp xếp gọn gàng chờ mọi người đến lấy.
Kể về những ngày đầu thành lập nhóm thiện nguyện, chị Hường cho biết, khi nhóm mới được thành lập gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn từ sức người cho đến kinh phí.
"Lúc đầu nhiều người nói với tôi không có tiền thì lấy đâu đi cho. Nhưng tôi cho rằng việc giúp đỡ từ thiện không nhất thiết phải có tiền mới giúp được, mà mình có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất hoặc giúp đỡ bằng sức của mình.
Có người từng hỏi tôi chỉ có 50 nghìn đồng thì có giúp được mọi người không. Nhưng đối với tôi dù là đóng góp 10 nghìn đồng thì cũng là rất quý, bởi mỗi người đóng góp một ít thì sẽ thành nhiều", chị Hường chia sẻ.
Khó khăn là vậy nhưng với mong muốn và ước mơ có thể giúp đỡ được nhiều người, chị Hường và các thành viên trong đội tình nguyện không ngại khó khăn, vất vả để mang đến những bữa cơm ngon cho bà con.
Khoảng thời gian sau đó, nhà ăn không đồng Bạch Mai được nhiều người biết và tìm đến với mong muốn cùng chung tay giúp đỡ bà con, mong các bệnh nhân sớm qua được cơn bệnh tật để sớm về với gia đình.
"Kinh phí để duy trì hoạt động được mọi người chung tay đóng góp. Người có tiền sẽ gửi tiền, người có rau gửi rau, người không có gì thì đến góp sức.
Địa điểm phát cơm của chúng tôi thuê với giá 7 triệu đồng/tháng được các mạnh thường quân hỗ trợ", chị Hường nói.
Làm từ thiện đến khi không còn sức
Nhà ăn không đồng Bạch Mai hiện có 10 tình nguyện viên. Mỗi thành viên trong nhóm sẽ đảm nhiệm một vị trí khác nhau, người nấu cơm, người nhặt rau,… Các món ăn ở đây cũng rất đa dạng, thay đổi theo từng ngày để mọi người ăn cảm thấy ngon miệng.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Phan Thị Bàng (Phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Tôi biết đến hoạt động của nhóm từ hội chị em phụ nữ của phường Quỳnh Lôi. Có thời gian rảnh, thấy việc thiện nguyện giúp ích cho đời, giúp ích cho xã hội mà mình lại cảm thấy vui vẻ nên tôi tham gia. Đây là lần thứ 4 tôi đến phụ nấu ăn giúp đỡ mọi người".
Liên tiếp nhiều tuần liền bà Hoàng Thị Tâm (73 tuổi) đến đón nhận suất cơm miễn phí từ Nhà ăn không đồng. Với bà Tâm, những suất cơm không đồng giúp bà tiết kiệm được một khoản lớn chi phí hàng tháng.
"Tôi bị đột quỵ, nằm ở Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, thấy mọi người ai cũng vui vẻ, niềm nở đi lấy cơm nên tôi cũng đi cùng. Cơm được nhiều lắm mà còn ngon lành, sạch sẽ, bớt được rất nhiều chi phí chi tiêu, tôi cũng cảm thấy rất vui vẻ mỗi khi đến nhận cơm", bà Tâm chia sẻ.
Cũng trong tâm trạng vô cùng hào hứng, vui vẻ đi nhận cơm, bà L. (quê Hà Tĩnh) cho biết, bà được mọi người rủ đi nhận cơm miễn phí nên mới biết đến Nhà ăn không đồng.
"Suất cơm bình thường tôi mua rẻ nhất là 20 nghìn đồng, giờ được nhận miễn phí, hành động này rất thiết thực giúp chúng tôi vơi đi khó khăn. Đến đây, mọi người ai cũng niềm nở nên cảm thấy rất thoải mái", bà L. vui vẻ nói.
Chia sẻ thêm, chị Hường nói rằng ngoài việc giúp đỡ bà con giảm được phần nào chi phí, những xuất cơm miễn phí còn giúp mọi người gắn kết, cùng nhau vượt qua những ngày tháng giông bão của cuộc đời.
"Với chúng tôi, hễ còn sức khỏe là còn giúp đỡ bà con, khi nào không còn đủ sức và kinh phí thì mới dừng lại", chị Hường nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn