Cùng với các lực lượng thuộc tuyến đầu chống dịch như đội ngũ y bác sĩ, lực lượng công an, quân đội thì Hội LHPN các cấp cũng ngày đêm hỗ trợ người dân không kém phần hùng hậu và đầy nhiệt huyết. Bằng sự thấu hiểu và tinh tế, các chị đã đưa ra nhiều mô hình rất "nữ tính" chăm lo cho chị em hội viên và người dân một cách sát với thực tế.
Tại TP Thủ Đức, bên cạnh các mô hình "siêu thị 0 đồng", "gian hàng 0 đồng", "bách hóa 0 đồng", "shipper 0 đồng" thì một số Hội LHPN phường còn có mô hình dành cho đối tượng là mẹ bầu và em bé như: "Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà mẹ đang mang thai và các em nhỏ" của phường Bình Chiểu, "ATM cháo - tã - sữa cho bé" của phường Cát Lái, "Sữa cho con - đồng hành cùng con phát triển" của phường Long Thạnh Mỹ.
Chị Nguyễn Thụy Khánh, Chủ tịch Hội LHPN phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức, TPHCM), cho biết: Trên địa bàn phường có rất nhiều trường hợp phụ nữ mang thai và trẻ em nhỏ gặp khó khăn khi dịch ập đến. Trong đó, có trường hợp ba mẹ con cùng sống ở một phòng trọ. Người mẹ làm công nhân nhưng mới được đưa vào bệnh viện điều trị Covid-19 nên hai anh em thui thủi ở nhà tự chăm nhau.
Hoặc trường hợp một chị công nhân tên Hạnh, đang mang thai tháng thứ 4, chồng làm nghề hớt tóc, cả hai thất nghiệp nên cuộc sống rất khó khăn. Chị Hạnh lại phải tách ra ở riêng vì chị đã nhiễm Covid-19. Từ những hoàn cảnh đó, Hội LHPN phường càng quyết tâm thành lập mô hình hỗ trợ cho các đối tượng này.
"Phường chúng tôi có nhiều khu phong tỏa nên trong quá trình đi phát quà, làm gian hàng 0 đồng thì chúng tôi gặp rất nhiều bà bầu và trẻ em nhỏ. Nhiều em nhỏ có mấy tháng tuổi đã phải theo cha mẹ vào khu cách ly nhìn thấy thương lắm. Vậy nên Hội LHPN phường quyết định mô hình "Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà mẹ đang mang thai và các em nhỏ". Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 500 phần quà dành riêng cho các đối tượng này. Chúng tôi dự tính duy trì mô hình đến hết mùa dịch", chị Khánh cho biết thêm.
Với những người dân bình thường thì việc hỗ trợ nhu yếu phẩm, rau, củ, quả thì dễ dàng thực hiện hơn. Nhưng đối với các trường hợp mẹ bầu và em bé, em bé sơ sinh thì Hội LHPN phường phải đi tìm mua khắp nơi. "Quá trình đi tìm nhà tài trợ hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn vì nguồn sữa khan hiếm, nhiều khi có tiền cũng không mua được loại sữa đang cần. Sữa bột, sữa hộp, sữa tươi hiện nay mua số lượng lớn rất khó. Chưa kể, trẻ nhỏ thì phải tặng sữa bột theo đúng độ tuổi của các bé. Với những bé lớn hơn, một số chi hội phụ nữ không xin được sữa bột thì xin sữa tươi về nấu. Nhiều hôm, các chị nấu nồi to, đóng chai và mang đến phát cho trẻ. Nhiều bé đứng xếp hàng đợi nhận sữa thấy thương lắm", chị Khánh tâm sự.
Tương tự, Hội LHPN phường Cát Lái (TP Thủ Đức, TPHCM) đã linh hoạt phối hợp với Công ty cổ phần Bibomart trao tặng 200 suất quà với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng cho phụ nữ nuôi con nhỏ trên địa bàn phường bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Chị Nguyễn Thanh Khuyên, Chủ tịch Hội LHPN phường Cát Lái cho biết: "Địa bàn phường đang có các khu cách ly tập trung tạm thời, những người dương tính với Covid-19 thì vào đây để đợi đưa đi điều trị. Trong đó, có nhiều trẻ nhỏ. Nhiều phụ huynh khi đi cách ly chưa kịp mua hoặc mua không đủ sữa cho con.
Ban đầu, chúng tôi tính nấu cháo để tặng. Tuy nhiên, số lượng các bé không đều theo từng ngày nên chuyển sang tặng cháo tươi dạng gói và tặng sữa bột, sữa tươi cho phụ huynh tự pha. Hội còn tặng 70 bình nước siêu tốc cho phụ huynh có dụng cụ để nấu nước.
Hội LHPN phường đã phối hợp với Công ty cổ phần Bibomart hỗ trợ cháo và sữa cho các bé. Hội còn vận động được sữa tươi từ một công ty sữa bên Đồng Nai. Những phần quà tuy nhỏ nhưng thể hiện được tình cảm, sự chia sẻ yêu thương của tổ chức Hội, đơn vị đóng trên địa bàn phường cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19".
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn