Họ phải thuê những căn phòng trọ bình dân gần bệnh viện làm nơi tá túc để chiến đấu với căn bệnh nan y. Cảm thông với số phận, hoàn cảnh của những người bệnh nghèo, nhiều chủ nhà trọ, các mạnh thường quân đã tìm cách giúp đỡ, sẻ chia với những người bệnh nơi đây...
Dạo một vòng khu xóm trọ ở tổ 15, phường Kiến Hưng, Q.Hà Đông, Hà Nội - khu vực đối diện với Bệnh viện K cơ sở 3, có thể thấy phòng ở đây rất đa dạng, từ phòng bình dân giá rẻ đến những phòng hạng sang, có máy điều hòa, vệ sinh riêng...
Khu trọ nhà bà Nguyễn Thị Năm (số 45, tổ 15, phường Kiến Hưng) có 4 phòng, chủ yếu là cơi nới, dồn phòng của gia đình để làm chỗ trọ cho người bệnh, phía trước nhà, bà còn tận dụng mở hàng nước chè chén bán cho bệnh nhân. Hỏi chuyện, ông Nguyễn Văn Phong, 67 tuổi (Đông Triều, Quảng Ninh), bệnh nhân ung thư thực quản đang phụ bán quán cho chủ nhà, vừa rót nước vừa kể về mình.
"Thấy đau họng, tôi tưởng mình bị viêm họng, uống thuốc mãi không đỡ, đi khám thì các bác sĩ ở tỉnh bảo ung thư thực quản giai đoạn muộn không chữa được nên cho tôi chuyển ra tuyến Trung ương. Nhưng ra đây khám, làm các xét nghiệm. các bác sĩ nói bệnh chưa nghiêm trọng, tôi thấy phấn chấn hẳn lên", ông Phong cho biết. Ông đã nhập viện điều trị được hơn 5 tháng nay và thuê trọ ở nhà bà Năm cùng với mấy bệnh nhân, mỗi người một quê nhưng đối đãi với nhau rất thân tình.
"Ở quê cuộc sống khó khăn, gia đình làm nông với vài sào ruộng nhưng cứ đến đợt xạ trị lại phải vay nóng anh em, bạn bè. Hiện tại, nợ nần chồng chất, không biết rồi tới đây lấy tiền đâu mà tiếp tục các đợt xạ trị" , ông Phong ngậm ngùi.
Còn với ông Hoàng Văn Tình (56 tuổi) ở Thái Thụy, Thái Bình, con đường gian nan để chiến đấu với căn bệnh quái ác mang tên ung thư cũng lắm nỗi niềm. Thấy sức khỏe sa sút, con cháu đưa ông đi kiểm tra thì phát hiện bị ung thư thực quản. Khi nghe bác sĩ kết luận, ông xây xẩm mặt mày không ngờ mình lại mắc căn bệnh quái ác này. Vậy là hơn 1 năm nay, ông Tình lấy bệnh viện, xóm trọ làm nhà để chiến đấu với ung thư.
"Từ khi bắt đầu phác đồ điều trị đến nay, tôi đã tiêu tốn hết mấy trăm triệu rồi, vẫn biết có bệnh phải vải tứ phương nhưng với tình hình bệnh tật, tiền bạc phải chi như thế này thì gia đình trở nên khánh kiệt", ông Tình thở dài.
Càng vào sâu trong ngõ, càng nhiều phòng trọ cho bệnh nhân, nhà ít cũng vài ba phòng, nhà nhiều 10 - 15 phòng. Có người chỉ ở vài ngày nhưng cũng có người ở vài tháng theo phác đồ điều trị của bệnh viện. "Ở đây, bệnh nhân đều gắn bó với nhau, vì thế chỉ cần nói tên, quê quán thì mọi người đọc vanh vách hoàn cảnh gia đình, bệnh tật, thời gian điều trị", anh Nguyễn Văn Tiến, một bệnh nhân quê Hải Dương, cho biết.
Hôm chúng tôi đến xóm trọ, đúng ngày Nhóm Từ Tâm do chị Vũ Thị Hằng làm chủ nhiệm và các bạn trong nhóm đang tổ chức phát cơm, cháo, sữa cho bệnh nhân ung thư ở địa chỉ 21 (tổ 15, phường Kiến Hưng). Đặc biệt, hôm nay Nhóm của chị Hằng còn phát hơn 70 suất cơm, đó là tấm lòng của con gái một bệnh nhân ung thư trước ở trọ tại đây đã gửi tiền nhờ Nhóm Từ Tâm mua cơm chia sẻ cho những bệnh nhân ung thư trong xóm, gọi là của ít lòng nhiều.
Chị Hằng thành lập Nhóm Từ Tâm được 6 năm nay, Nhóm đứng ra nhận những món quà, sự chia sẻ từ những tấm lòng của các mạnh thường quân để sẻ chia đến cho người bệnh, giúp họ phần nào vơi bớt nỗi vất vả khi chiến đấu với căn bệnh ung thư. "Mọi người ủng hộ gì chúng tôi tiếp nhận cái đó, đồ khô như gạo, mỳ, bánh kẹo, sữa nước đóng chai..., có nhà hảo tâm lại chuyển tiền nhờ mua cơm tặng bệnh nhân ung thư. Buổi sáng, Nhóm sẽ phát cơm, cháo, bánh kẹo và sữa cho bệnh nhân. Vào buổi chiều, Nhóm Từ Tâm lại có chương trình phát gạo (1 phiếu tương đương 1kg) cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tự nấu ăn tại phòng trọ", chị Hằng cho biết.
Sống chung với người bệnh, chủ nhà cũng hiểu được bệnh tình và hoàn cảnh từng gia đình bệnh nhân, vì vậy, họ luôn tìm cách giúp đỡ, sẻ chia. Bà Nguyễn Thị Sự có hơn 20 phòng trọ bình dân nhưng bà nắm rõ hoàn cảnh của từng người và luôn tìm cách giúp đỡ họ. Giá giao động 100.000 đồng/ngày đêm, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn bà chỉ lấy 80.000 đồng/ngày đêm.
"Chỗ tôi chủ yếu khách quen, sắp đến đợt hóa trị là họ lại gọi điện đặt phòng trước để khi lên bệnh viện có chỗ ở luôn. Tính ra giá 100.000 đồng/phòng có thể ở 2 người cả điện nước nữa cũng chỉ mất 50.000 đồng/ngày nếu thuê theo tháng", bà Sự cho biết thêm.
Cũng như nhiều chủ trọ ở xóm trọ này, bà Sự có căn bếp riêng cho người nhà và bệnh nhân làm nơi nấu ăn, bà còn sắm xoong nồi, bát đũa cho bệnh nhân mượn...
Còn bà Năm cũng giảm một nửa tiền thuê phòng cho những bệnh nhân nghèo. Ngoài ra, để giúp người bệnh giảm chi phí, bà còn mua gas, bếp, cho họ mượn xoong nồi để nấu ăn.Thậm chí, nhiều hôm bệnh nhân ốm quá, người nhà lại lo thủ tục giấy tờ, bà còn bỏ tiền mua đồ ăn, trực tiếp nấu cơm mời họ. Đáp lại tình cảm của chủ nhà, mỗi lần từ quê lên, người nhà bệnh nhân lại mang những món quà quê như mớ rau, củ khoai, con cá để tặng chủ nhà. Bà Năm nhận hết nhưng sau đó đem chế biến cho tất cả bệnh nhân khác cùng thưởng thức...
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Tổ trưởng tổ an ninh - cho biết, cả tổ có khoảng 50 nhà có phòng cho thuê, nhà ít 2 - 3 phòng, nhà nhiều thì 15 - 20 phòng, mỗi phòng từ 2 - 3 người ở. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 người mới đến đăng ký, có ngày nhiều hơn, đa số người nhà và bệnh nhân mắc bệnh ung thư từ các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Hưng Yên và các tỉnh phía Bắc...
Theo ông Nghĩa, do số lượng người đến, đi mỗi ngày khá lớn nên công tác đăng ký tạm trú, tạm vắng cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông đã tạo điều kiện tốt nhất và đảm bảo an ninh khu trọ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn