Ai có nguồn khẩu trang, găng tay thì đem ra chia sẻ với cộng đồng
Vợ chồng anh Tùng và chị Hà là chủ một doanh nghiệp nhỏ, chuyên buôn bán cung cấp đồ nhựa gia dụng cho gia đình và nhà hàng ở Tiệp Khắc. Trong lúc Châu Âu vẫn thờ ơ với bệnh dịch, không khẩu trang và rất ít dự phòng dịp sau Tết, vợ chồng chị Hà đã nhanh chóng nhờ mối hàng quen từ Trung Quốc đặt mua sớm những thùng khẩu trang, găng tay. Số lượng không nhiều, và vợ chồng chị Hà đã phải mua với giá cao mới có được. Nhưng lúc này, bệnh viện gần ở nơi gia đình chị sinh sống thực sự cạn kiệt về nguồn y tế, thì món quà khẩu trang và găng tay của vợ chồng chị Hà đem tặng cho bệnh viện bỗng trở thành món quà vô giá.
Gia đình anh Dũng và chị Mai Anh ở Ba Lan, dù vợ chồng chị đang phải đối mặt với việc cả một chuỗi cửa hàng Thai Express phải đóng cửa, cùng mối lo chi trả lương công nhân, phí mặt bằng rất cao trong khoảng thời gian không xác định do dịch Covid -19 hoành hành. Nhưng vợ chồng chị Mai Anh vẫn gác lại tất cả nỗi lo, chung tay cùng nhân viên đóng góp hàng trăm suất cơm hộp nóng sốt mỗi ngày để ủng hộ miễn phí đến các bác sỹ, y tá đang ở tuyến đầu chống dịch ở bệnh viện Opolu, như một lời tri ân đến quê hương thứ hai của mình.
Chị Mai Anh bộc bạch: "Tôi nghĩ các cửa hàng ăn đóng cửa, không có cơm ngon, ăn uống tạm bợ qua ngày thì các y tá, bác sỹ làm sao đủ sức để đương đầu lâu dài với bệnh dịch, làm sao có thể cứu được nhiều người dân thoát khỏi dịch Covid-19, nên vợ chồng tôi bàn nhau và thống nhất, phải chung tay góp một phần nhỏ đẩy lùi dịch bệnh".
Trong các group cộng đồng từ Đức, Nga, Tiệp, Ba Lan... khắp nơi người Việt đều nhận được những lời kêu gọi khẩn thiết rằng, mọi người ai có khẩu trang, găng tay dự trữ thì hãy mang ra chia sẻ với cộng đồng người Việt. Ai có vải dư, có máy may nếu biết nghề thì chung tay góp sức cùng may khẩu trang, giúp nước sở tại đẩy lùi bệnh dịch. Và cộng đồng người Việt cũng đưa lên nhiều địa chỉ cần giúp đỡ trong đại dịch như: Viện dưỡng lão, bệnh viện, đội cứu thương, cảnh sát và nhân viên túc trực cung cấp thực phẩm... cho người nhiễm Covid, họ đều rất cần tiếp thêm sức mạnh chống dịch.
Dừng may áo dài để may khẩu trang giúp người Việt chống dịch
Chị Nguyễn Thuý Hiền, ở Zittau (Đức) vốn là một thợ may. Chị thường may những bộ áo dài truyền thống để quảng cáo tinh hoa áo dài Việt Nam trên nước bạn. Nhưng khi dịch lây lan ngày càng rộng, chị đã dừng ngay công việc thường ngày, chuyển sang may khẩu trang gửi tặng bạn bè và ủng hộ cho những bệnh viện gần nhà.
Nghe tin trường học của con gái chị có học sinh bị nhiễm Covid-19, chị Hiền và gia đình vội thông báo với bạn bè, người thân trong cộng đồng người Việt cũng như hàng xóm xung quanh biết để tự cách ly, cho đến khi nhận mẹ con chị nhận kết quả test âm tính. Sau khi trút bỏ nỗi lo nhiễm Covid-19, mẹ con chị Hiền lại tiếp tục say sưa với công việc may hàng chục khẩu trang mỗi ngày, con gái chị tham gia sắp xếp lại ngay ngắn từng sản phẩm khẩu trang vào hộp, vào túi để gửi đi ủng hộ cộng đồng chống dịch.
Trong lúc gặp gian nguy vì đại dịch ở xứ người, dù nhiều người Việt nơi đây còn bất đồng ngôn ngữ, sự hạn chế hiểu biết và giao tiếp, vô cùng khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh, rất may trong cộng đồng Việt ở đây lại có những anh chị làm bác sỹ, tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 hàng ngày. Các anh chị vẫn tranh thủ thời gian lúc giải lao, liên tục cập nhật quá trình diễn biến của bệnh dịch một cách cụ thể, rõ ràng nhất, để mọi người có cách nhận biết sớm và chính xác hơn về đại dịch.
Kèm theo đó là những lời tư vấn cho việc ăn uống phòng ngừa, lời động viên, chia sẻ kịp thời của các y, bác sỹ người Việt đã giúp cả cộng đồng người Việt ở trời Âu bớt lo lắng, hoang mang vì bệnh dịch.
Cộng đồng người Việt ở Châu Âu lúc này đang đặc biệt lưu tâm đến những người không có đủ giấy tờ tuỳ thân, không bảo hiểm, sống chui lủi trên khắp các nước Châu Âu. Cũng từ đây, những số điện thoại trợ giúp phiên dịch được đưa lên. Khi nhận được kêu cứu, hỗ trợ của người Việt vô gia cư, nhiều gia đình còn dư phòng ở đã sẵn sàng đến đón "đồng hương" về ở nhờ qua cơn bão Covid-19.
Một chị y tá người Việt ở München (Đức) bị lây bệnh trong quá trình làm việc. Hiện chị đang ở nhà tự điều trị, nhưng chị kịp lập ra một trang xã hội "cùng chung tay giúp đỡ cộng đồng người Việt vượt qua đại dịch".
Với kinh nghiệm của chính bản thân đang chống chọi với bệnh và kinh nghiệm lâu năm trong nghề, chị đã chia sẻ phác đồ điều trị trong từng giai đoạn của chị, giúp nhiều người hiểu rõ hơn cách chống dịch bệnh.
Hàng ngày chị nhiệt tình tư vấn cho hàng chục người khi họ đang biểu hiện, triệu chứng của bệnh mà chưa được test. Trong số đó có những người Việt vô gia cư, mẹ đơn thân, bị sốt cao, khó thở mà không dám vào viện nên phải cầu cứu tới chị. Cũng chính chị là người đã đưa ra những lời khuyên đúng lúc, hỗ trợ gọi hotline kịp thời để bệnh nhân được tiếp nhận vào bệnh viện trước khi quá muộn.
Chị Trần Thuỷ, ở Giessen, thuộc Bang Hessen (Đức), chia sẻ: "Còn rất nhiều những hình ảnh đẹp của cộng đồng Việt Kiều hiện còn ở lại Châu Âu giữa bão Covid-19 vẫn đang sẵn sàng tiếp sức cho quê hương thứ hai chống lại đại dịch. Những hình ảnh, nghĩa cử tuy nhỏ bé, giản dị nhưng được chính quyền địa phương nước sở tại đánh giá rất cao về một cộng đồng người Việt cần cù chịu khó và biết sẻ chia tình người trong hoạn nạn".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn