Bỏng ngô được nhiều người yêu thích vì hương vị độc đáo. Thống kê cho thấy Mỹ là quốc gia tiêu thụ bỏng ngô lớn nhất thế giới, với khoảng 17 tỷ quart (khoảng 19,38 tỷ lít) bỏng ngô mỗi năm, tương đương trung bình 64 lít cho một người mỗi năm.
Cách làm bỏng ngô dựa trên hiện tượng bắp ngô nở ra tự nhiên sau khi được làm nóng, nhờ thế chứa các chất dinh dưỡng tự nhiên của ngô. Về cơ bản, thực phẩm này có mật độ calo thấp. Lý do tại sao nó được coi là một loại thực phẩm có hàm lượng calo cao là do chúng ta thường cho thêm đường và muối, cùng các gia vị bột phô mai, caramel... để tăng hương vị.
Bỏng ngô tốt cho sức khỏe nếu ăn với lượng phù hợp. (Ảnh minh họa).
Về cơ bản, bỏng ngô không bổ sung hương vị là loại ngũ cốc nguyên hạt lành mạnh chứa nhiều chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa. Nó chứa ít calo, chất béo và đường, giúp người ăn dễ cảm thấy no. Thực phẩm này cũng giàu chất xơ, với khoảng 15 gam chất xơ trên 100 gam bỏng ngô. Lượng chất xơ được khuyến nghị hàng ngày là 25 gam đối với phụ nữ và 38 gam đối với nam giới, do đó, bỏng ngô có thể là một nguồn cung cấp chất xơ dồi dào.
Ngoài ra, bỏng ngô giàu chất xơ có đặc tính chống viêm có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và một số bệnh ung thư cũng như tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa. Mặc dù hầu hết chất xơ trong bỏng ngô là không hòa tan nhưng nó cũng chứa một số loại hòa tan. Chất xơ hòa tan, như tên gọi cho thấy, hòa tan vào nước trong ruột, điều này tạo ra một chất giống như gel có thể giúp giảm cholesterol LDL xấu. Chất xơ hòa tan liên kết với mật - một chất lỏng có chứa cholesterol - buộc mật phải thoát ra ngoài qua phân của bạn thay vì được cơ thể hấp thụ. Điều này làm giảm sự hấp thụ cholesterol tổng thể trong cơ thể, do đó làm giảm lượng cholesterol trong máu cao, một yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim.
Bỏng ngô rất giàu polyphenol, chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do. Thực phẩm này giúp cải thiện lưu thông máu, cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa và giảm nguy cơ mắc bệnh tim cùng một số loại ung thư, bao gồm cả ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú.
Nhà hóa học Joe Vinson của Đại học Scranton ở Pennsylvania (Mỹ) cùng nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra, mỗi khẩu phần bỏng ngô chứa tới 300 miligam polyphenol. Hàm lượng polyphenol trên mỗi khẩu phần ngô ngọt và trái cây chỉ bằng khoảng một nửa so với bỏng ngô, với con số lần lượt là 114 mg và 160 mg.
Bỏng ngô có hàm lượng chất xơ cao, ít calo và mức năng lượng thấp, giúp nó trở thành một loại thực phẩm ăn kiêng lý tưởng. Một hộp bắp rang bơ 15 calo sẽ no bằng một miếng khoai tây chiên 150 calo. Trong trường hợp bạn đói mà không muốn ăn nhiều cho tăng cân, có thể dùng bỏng ngô. Món ăn cũng hoạt động giống như một miếng bọt biển trong ruột, khi nó thấm nước và nở ra. Jones giải thích: "Điều này khiến các thụ thể trong dạ dày tiết ra hormone để báo cho não biết bạn đã no".
Đương nhiên, như vậy không có nghĩa là bỏng ngô tốt cho sức khỏe hoàn toàn. Một số bỏng ngô có nhiều hương vị nhân tạo, bơ, đường hoặc muối, có thể trở thành gánh nặng cho cơ thể. Các loại được bán ở một số rạp chiếu phim đa phần được thêm quá nhiều gia vị. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, một xô bắp rang bơ ở rạp chiếu phim có thể chứa tới 1.090 calo. Lượng dinh dưỡng trong các loại bỏng ngô mà bạn hay ăn được thống kê như sau:
Mỗi khẩu phần bắp rang bơ thông thường chứa 0,21 gam đường, 1,09 gam chất béo.
Bắp rang bơ phủ caramel có 10,89 gam đường và 1,87 gam chất béo.
Bắp rang bơ được nhiều người yêu thích. (Ảnh minh họa).
Bắp rang bơ trong lò vi sóng là một loại bỏng ngô khác, có thể có chứa diacetyl, một chất hóa học có trong bơ thực vật. Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng hít phải diacetyl có thể làm hỏng đường hô hấp và gây bệnh phổi. Ngoài ra, một số loại bỏng ngô bằng lò vi sóng được làm bằng dầu hydro hóa hoặc hydro hóa một phần, có chứa chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các bệnh nghiêm trọng khác.
Bỏng ngô tốt hay không tốt cho sức khỏe?
Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn chế biến. Bỏng ngô có thể được làm theo nhiều cách, có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng của thành phẩm. Điều này bao gồm các phương pháp nấu ăn khác nhau như nấu trên bếp, lò vi sóng hay loại dầu được sử dụng để nấu bỏng ngô lẫn gia vị bổ sung như muối, pho mát bột, bột tỏi, bơ...
Ngoài ra, bỏng ngô cũng có một số tác hại bạn cần lưu ý:
Hàm lượng chất xơ cao trong bỏng ngô có thể dẫn đến táo bón, đặc biệt là nếu bạn có cơ địa dễ táo bón. Ngoài ra, việc thay thế chế độ ăn uống của bạn bằng bỏng ngô có thể khiến bạn khó nhận được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết khác cho cơ thể.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn