Một buổi chiều cuối tháng 5, khi tiết học vừa kết thúc, Sung Văn Chía (20 tuổi), sinh viên năm nhất, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa vội vã trở về ký túc xá. Cậu sửa soạn giặt đồ, ăn cơm tối để kịp giờ làm thêm buổi tối tại căng tin trong trường.
Nhiều tháng qua, Chía xin làm thêm tại căng tin để có thêm tiền trang trải việc học hành. Mặc dù, thù lao mỗi tháng chỉ vỏn vẹn khoảng 1 triệu đồng, song Chía rất vui vì có thể đỡ đần một vài khoản chi phí ăn, học giúp gia đình.
Khuôn mặt lấm tấm giọt mồ hôi với đôi mắt rất sáng, nụ cười hiền hậu của cậu sinh viên khiến tôi không khỏi cảm phục nghị lực của Chía. Bởi, chàng trai người dân tộc Mông đã quyết tâm rời bản làng đi tìm tri thức trong cái đói, cái nghèo.
Sung Văn Chía sinh ra và lớn lên ở bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), trong một gia đình có 2 anh, em trai. Năm cậu bé Chía lên lớp 1, cha của em không may đổ bệnh, căn bệnh quái ác khiến cha của Chía lúc nhớ, lúc quên.
Kể từ đó, gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai của mẹ Chía. Thế nhưng, mẹ cậu cũng mắc bệnh xuất huyết não, phải thuốc thang thường xuyên. Toàn bộ chi phí học hành của anh em Chía, tiền sinh hoạt hàng tháng của cả nhà chỉ phụ thuộc vào vài sào nương rẫy. Mỗi khi đến mùa giáp hạt hay chẳng may mất mùa, anh em Chía chỉ ăn cơm độn sắn, bữa đói bữa no đến trường tìm "con chữ".
"Từ ngày còn bé em đã rất thích đi học, dù hoàn cảnh khó khăn thường xuyên phải bụng đói đến lớp nhưng em vẫn không từ bỏ. Còn nhớ ngày học cấp 1, em được mẹ mua cho đôi dép tổ ong để đi học. Với em, ngày ấy đôi dép là cả gia tài nên rất trân quý. Cho đến khi đôi dép ấy bị rách vì đã đi quá lâu, em cũng không đành bỏ", Chía tâm sự.
Gia cảnh khốn khó là vậy nhưng Chía rất ít khi bỏ học. Ngày trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Mường Lát, Chía vui sướng đến rớt nước mắt. Do nhà cách trường hơn 20 km nên Chía cùng anh trai khi ấy cũng đang học lớp 12 xin ở lại làng học sinh, cách trường không xa để thuận tiện cho việc học.
Năm 2018, trận lũ lịch sử xảy ra tại Mường Lát đã khiến cuộc sống của gia đình Chía và bà con ở bản Kéo Hượn rơi vào cảnh khốn khó. Cả bản làng chìm trong bóng tối do mất điện, mất nước. Trong khi đó, căn nhà vốn đã xập xệ của gia đình Chía cũng có nguy cơ đổ sập.
"Hồi ấy, em mới trúng tuyển vào lớp 10. Do khu vực em sinh sống có nguy cơ sạt lở cao nên xe cộ không thể vào. Để đến trường, 2 anh em đành phải đi bộ hàng chục km vượt đèo lội suối tìm con chữ. Đầu tuần đi, cuối tuần lại về ròng rã suốt cả tháng trời như vậy. Đó cũng là lần đầu em cảm thấu được hành trình đi tìm con chữ lại gian nan đến vậy", Chía chia sẻ.
Khi cậu học trò chuẩn bị bước vào lớp 11 thì bệnh tình của bố Chía chuyển nặng. Dù đã được gia đình vay mượn khắp nơi để chữa bệnh nhưng bố em đã ra đi vì bạo bệnh. Hôm nhận tin dữ, Chía vội vã bắt xe về nhà, suốt dọc đường cậu không tin đó là sự thật.
"Sau khi bố mất, em gần như suy sụp tinh thần, mất đi người cha yêu quý khiến em từng có ý định bỏ học. Thế nhưng, được mẹ và anh trai động viên nên em gắng gượng vượt qua, tiếp tục đến trường", cậu bộc bạch.
Do hoàn cảnh khó khăn nên anh trai của Chía phải dừng việc học để đi làm dù trúng tuyển vào đại học. Chứng kiến sự hy sinh của anh dành cho mình và gia đình, Chía không khỏi xúc động.
"Em rất biết ơn anh trai vì đã hy sinh cho em và gia đình. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng anh vẫn động viên em học tiếp. Bây giờ mẹ ốm, anh trai cũng đã lập gia đình nhưng vẫn phải lo lắng cho mẹ và em", Chía ngậm ngùi.
Chía kể, hiện anh trai đang làm thuê cho một công ty ở miền Nam. Do thu nhập thấp nên mỗi tháng Chía được anh trai hỗ trợ 500.000 - 1 triệu đồng. Số tiền ít ỏi này, Chía dùng để trang trải chi phí sinh hoạt, mua sách vở.
Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, nhiều tháng nay Chía xin làm thêm cho căng tin ở trong trường. Công việc làm thêm này, Chía nhận làm vào buổi tối khi rảnh, chủ yếu là bưng bê đồ, dọn dẹp bàn ghế.
"Cứ 8h tối em bắt đầu làm việc, nhiều hôm tất bật tới tận khuya. Chịu khó làm thêm, mỗi tháng em cũng nhận được hơn 1 triệu đồng tiền thù lao để trang trải việc học hành", Chía hồ hởi chia sẻ.
Sau gần một năm theo học ngành Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, chàng trai dân tộc Mông Sung Văn Chía cảm thấy yên tâm vì việc học ngày càng suôn sẻ.
"Với hoàn cảnh của gia đình, việc đi học với em là vô cùng khó khăn. Nhờ sự động viên của anh, em đã không từ bỏ. Ngày mới xuống thành phố em rất lo lắng, bỡ ngỡ vì lần đầu tiên học xa nhà đến vậy. Sau thời gian làm quen với môi trường, em cũng dần thích nghi và hòa đồng với các bạn hơn", cậu vui vẻ nói.
Chia sẻ về hoài bão của mình, Chía hồ hởi: "Em mong ước có thể tiếp tục việc học hành. Sau khi học xong cái chữ, em hy vọng sẽ tìm được việc làm, sau này về quê để giúp đỡ gia đình và bà con chòm xóm. Khi có cái chữ cuộc sống cũng bớt khổ, sau này có thể giáo dục con cái theo con đường học hành".
Chía dự tính, nếu thời gian nghỉ hè dài khoảng 1-2 tháng, cậu sẽ ở lại thành phố xin việc làm thêm để trang trải việc học hành trong năm học tới. "Nếu em về quê có thể đỡ đần mẹ. Thế nhưng, em tính ở lại thành phố làm thêm để có thêm đồng ra đồng vào, bớt khổ cho mẹ và anh trai", Chía giãi bày.
Sau buổi trò chuyện, chàng trai dân tộc Mông Sung Văn Chía vội vã ăn qua loa bữa cơm tối để chuẩn bị cho ca làm thêm buổi tối. Trên khuôn mặt hiền hậu của Chía lóe lên niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn