Ấn Độ cấm mang thai hộ: Nỗi lo thị trường đẻ thuê ngầm

14:47 | 08/06/2022;
Cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể khiến các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc thụ thai và phụ nữ nghèo dễ bị tổn thương hơn. Vì thế, nhiều người lo ngại sẽ xuất hiện một thị trường đẻ thuê ngầm.

Ngành công nghiệp mang thai hộ ở Ấn Độ

Gita Parmal, 35 tuổi, sẽ sinh em bé vào tháng 10 năm nay, một sự kiện đầy xúc động với cả cô và cặp vợ chồng mơ ước có con trong nhiều năm. Là một người mẹ thay thế, Parmal được trả một khoản tiền "thay đổi cuộc đời" là 600.000 rupee (hơn 180 triệu đồng). Số tiền này chi trả cho việc học của hai con và ngôi nhà mới. Người phụ nữ ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, nói: "Những phụ nữ như tôi không bao giờ có thể kiếm được số tiền cần thiết để xây một ngôi nhà nhỏ. Cả cuộc đời cũng không thể".

Parmal là một trong những phụ nữ cuối cùng mang thai hộ vì mục đích thương mại hợp pháp ở Ấn Độ. Theo Đạo luật mang thai hộ được thông qua hồi tháng 12/2021, mang thai hộ thương mại bị cấm. Pháp luật mới chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, khi họ hàng mang thai hộ cho những cặp vợ chồng không thể sinh con.

Mang thai hộ là thủ tục trong đó phôi thai tạo ra từ trứng của một phụ nữ được thụ tinh bởi tinh trùng trong phòng thí nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của một phụ nữ khác để mang thai và sinh ra em bé.

Vào khoảng năm 2010, ngành công nghiệp mang thai hộ của Ấn Độ đã rất thành công khi nhu cầu về thủ tục này gia tăng trên toàn thế giới. Một phương tiện truyền thông thậm chí đã gọi quốc gia này là "công xưởng sản xuất trẻ sơ sinh của thế giới" do giá cả phải chăng. Ở một đất nước mà gia đình được coi là điều quan trọng nhất trong cuộc đời, nhiều người Ấn Độ chật vật với việc thụ thai cũng đã chuyển sang mang thai hộ để thực hiện mong muốn có con. Thủ tục này dần được chấp nhận rộng rãi, ngay cả những người nổi tiếng của Bollywood như Shah Rukh Khan, Aamir Khan, Shilpa Shetty và Karan Johar cũng trở thành cha mẹ thông qua mang thai hộ.

Rủi ro sức khỏe hay cơ hội đổi đời?

Ngoài mặt, những giao dịch mang thai hộ dường như là một đề xuất các bên cùng có lợi: phòng khám kiếm tiền, các cặp vợ chồng không con có cơ hội trở thành cha mẹ và những người đẻ thuê, thường là phụ nữ từ làng quê, có cơ hội thoát nghèo. Nhưng do thiếu cân bằng quyền lực và không phải bên nào cũng giữ nguyên thỏa thuận, có những người mang thai hộ không được trả số tiền như đã hứa, trong khi những người khác bị các cặp vợ chồng, người trung gian hoặc phòng khám lợi dụng. Do lĩnh vực này không được kiểm soát, hàng trăm phòng khám không tuân thủ các tiêu chuẩn chăm sóc thích hợp, khiến các bà mẹ mang thai hộ dễ bị tổn thương ảnh hưởng sức khỏe.

Ngoài ra, còn một số phụ nữ bị buộc phải ký hợp đồng mang thai hộ bởi chính chồng hoặc cha mẹ chồng. Do địa vị thấp trong một xã hội gia trưởng ở Ấn Độ, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm theo. Một phụ nữ ở New Delhi phải mang thai hộ vì chồng cần tiền để kinh doanh máy lọc nước. "Sau một năm kinh doanh thất bại, anh ấy muốn tôi mang thai hộ lần nữa để thử công việc kinh doanh khác. Cha mẹ chồng ủng hộ anh ấy và tôi không còn lựa chọn nào khác", người phụ nữ chia sẻ với một phương tiện truyền thông địa phương.

Đối với những người tự mình muốn mang thai hộ, họ xem thủ tục này như một tấm vé để cuộc đời bước sang trang mới. Parmal, người đang điều trị tại Bệnh viện Akanksha thuộc sở hữu của bác sĩ Nayna Patel, một trong những bệnh viện nổi tiếng trong ngành công nghiệp mang thai hộ của Ấn Độ, cho biết: "Khoản tiền này sẽ thay đổi cuộc sống của gia đình tôi, chính phủ đã sai khi cấm nó và tước đi cơ hội tương tự của những phụ nữ Ấn Độ nghèo khác".

Nguy cơ một thị trường ngầm

Nayna Patel là bác sĩ chuyên khoa vô sinh và thụ tinh ống nghiệm. Bệnh viện của bà từng có nhiều người mang thai hộ cho các cặp vợ chồng Ấn Độ không có con hoặc người nước ngoài. Bà cho biết nhận được nhiều cuộc gọi từ các cặp vợ chồng không con vì hoảng loạng trước luật mới. Một số hiện đang cân nhắc bay đến Kenya, Mỹ hoặc Georgia để tìm người mang thai hộ. Patel nói: "Tôi lo sợ là khi cầu vượt cung, mang thai hộ sẽ trở thành thị trường ngầm và khi điều đó xảy ra, các bà mẹ thay thế thậm chí sẽ dễ bị bóc lột hơn trước".

Theo Trung tâm Luật Mang thai Ấn Độ, một công ty tư vấn pháp lý độc lập, luật đã bỏ qua các cặp vợ chồng chưa kết hôn hoặc đồng tính muốn có con. Cố vấn trưởng của trung tâm, Hari G. Ramasubramanian, nói: "Ở một đất nước như Ấn Độ, nơi kỳ thị gắn liền với việc không có con và xã hội không khuyến khích việc nhận con nuôi, các cặp vợ chồng sẽ trở nên tuyệt vọng khi tìm người đẻ thuê". Các hình phạt cho luật mới bao gồm mức án đến 5 năm tù giam.

Tiến sĩ Manish Banker, một chuyên gia về vô sinh ở Ahmedabad, cho rằng luật sẽ được sửa đổi vì nó chỉ tác động đến một tỷ lệ nhỏ dân số Ấn Độ và luôn tồn tại vấn đề bóc lột khi rất nhiều người trung gian và phòng khám lừa gạt phụ nữ. Banker lập luận về sự công bằng của luật, trong đó cần làm rõ chính xác thủ tục mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, ai có thể thực hiện, tình trạng cần thiết của người mẹ, cũng như các tiêu chuẩn và quy trình mà các phòng khám phải tuân thủ để bảo vệ người mẹ thay thế.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn