Phát biểu trong buổi lễ nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ấn Độ, ông Hardeep Singh Puri, cho biết, Ấn Độ là quốc gia đứng đầu về tỷ lệ nữ phi công trên toàn thế giới. Các hãng hàng không nước này sử dụng gần 12,4% phi công là nữ, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 5,4%.
Đặc biệt, hãng hàng không Air India hiện có 507 nữ kiểm soát viên không lưu đang làm việc. Air India là một hãng hàng không quốc gia của Ấn Độ với mạng lưới vận tải hàng hóa và hành khách rộng khắp thế giới. Ngoài ra, còn có 210 nữ phi công, bao gồm 103 cơ trưởng đang công tác và làm việc tại Air India.
Bình đẳng giới hiện đã được thể hiện trong nhiều ngành nghề tại Ấn Độ, nhưng có thể nói phụ nữ đã thống trị ngành hàng không của quốc gia này. Trong lịch sử, phụ nữ Ấn Độ đã gặt hái nhiều thành công và để lại nhiều thành tựu, đặc biệt trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện vẫn đang diễn ra với nhiều khó khăn.
Những thành tựu huy hoàng các nữ phi công Ấn Độ đã đạt được
Bộ trưởng Hardeep Singh Puri cho biết, phụ nữ Ấn Độ là lực lượng đi đầu trong công cuộc chống Covid-19. Trong số đó, đáng tuyên dương là bà Swati Raval, một trong những cơ trưởng của Air India. Bà đã điều hành chuyến bay đưa thành công 263 hành khách bị mắt kẹt ở Rome quay về an toàn giữa lúc nước này đang áp dụng các quy tắc hạn chế để phòng tránh dịch lây lan.
Đáng chú ý, vào tháng 1/2021, 4 thành viên nữ của phi hành đoàn Air India đã thực hiện thành công chuyến bay thẳng đường dài đầu tiên khởi hành từ San Francisco (Mỹ), bay qua Bắc Cực và hạ cánh xuống Bengaluru (Ấn Độ) với tổng chiều dài đường bay là 16.000km. Thành tích này đã mở ra giải pháp bay mới giúp tiết kiệm được 10 tấn nhiên liệu.
Ngoài ra, ngày 3/11/2019 vừa qua, bà Harpreet A De Singh đã được hãng hàng không Air India bổ nhiệm vị trí CEO của hãng với vai trò điều hành và quản lý công ty con Alliance Air. Bà trở thành nữ CEO đầu tiên nắm giữ vị trí điều hành công ty hàng không tại Ấn Độ. Harpreet A De Singh là nữ phi công đầu tiên được làm việc cho Air India vào năm 1988, khi bà mới 21 tuổi.
Không chỉ vậy, phụ nữ Ấn Độ còn đóng góp vào lĩnh vực không quân của quốc gia. Vào ngày 27/5/2019, 3 nữ phi công lần đầu tiên bay trực thăng hạng trung Mi-17 V5 trên bầu trời Ấn Độ. Phi hành đoàn đã lái trực thăng Mi-17 V5 cho nhiệm vụ Huấn luyện Tiêm chủng Chiến đấu cất và hạ cánh từ các khu vực hạn chế tại một căn cứ không quân tiền phương ở Bộ tư lệnh không quân South Western.
Những chính sách hỗ trợ phụ nữ Ấn Độ trong lĩnh vực hàng không
Theo một báo cáo, số lượng phi công nữ lái các chuyến bay thương mại ở Ấn Độ chiếm 20,6% tổng số phi công, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình của thế giới là 5%. Có thể thấy, số lượng phụ nữ tham gia vào ngành hàng không đang có xu hướng tăng lên trong thời gian qua, vì vậy những chính sách hỗ trợ và khuyến khích phụ nữ là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn giữa đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Một trong những chính sách hỗ trợ các nữ phi công đáng chú ý nhất là kế hoạch cung cấp nhà ở vào năm 2022 cho những phụ nữ làm việc trong ngành hàng không. Những ngôi nhà được cung cấp theo chương trình này sẽ do chính phụ nữ đứng tên hoặc đồng đứng tên, từ đó mang đến cuộc sống tự tin và khẳng định sự bình đẳng giới tại quốc gia này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn