Ấn Độ lần đầu có đội nữ đặc nhiệm

06:40 | 10/09/2018;
Giỏi võ, leo tường, bắn tỉa, gỡ bom, phá vỡ trần nhà thủy tinh... những nữ binh sĩ trong đội đặc nhiệm chiến thuật và vũ khí đặc biệt (SWAT) đầu tiên đầy tài năng, không hề thua kém nam giới.

Lần đầu tiên trong lịch sử 71 năm, Ấn Độ có một đội đặc nhiệm SWAT với toàn bộ thành viên là nữ giới. Lễ ra mắt đội SWAT vừa được tổ chức nhân dịp Quốc khánh Ấn Độ (16/8) vừa qua. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định năng lực của phụ nữ Ấn Độ trong quá trình phát triển đất nước, đồng thời khuyến khích nữ giới Ấn Độ đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới tại đất nước được đánh giá là nguy hiểm nhất thế giới đối với phụ nữ.

a5-swat-5.jpg
Nữ binh sĩ trong đội đặc nhiệm chiến thuật và vũ khí đặc biệt luyện tập chiến thuật

 

Ý tưởng thành lập SWAT nữ được đưa ra sau khi một số lượng lớn nữ học viên tốt nghiệp trường Học viện cảnh sát Delhi vào năm ngoái với hàng chục người bày tỏ mong muốn trải qua khóa huấn luyện sĩ quan đặc nhiệm. Toàn bộ 36 thành viên nữ đặc nhiệm đều đến từ các bang phía Đông Bắc nước này như Assam, Sikkim và Arunachal Pradesh. Đây là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề các cuộc nổi loạn của phe đối lập và được cho là đã bị chính phủ “bỏ rơi” trước nhiệm kỳ của Thủ tướng Narendra Modi. Mihnhunsa, một thành viên trong đội đặc nhiệm, hy vọng rằng điều này sẽ giúp mọi người có cái nhìn thay đổi về khu vực này trong tương lai.

 

Các nữ binh sĩ phải trải qua quá trình tuyển mộ khắt khe, được đào tạo bởi lực lượng Vệ binh an ninh quốc gia chống khủng bố và đơn vị cảnh sát đặc nhiệm New Delhi. Trong suốt 15 tháng học tập, chị em được làm quen với các loại vũ khí, tác chiến trong rừng núi và đô thị, xử lý khủng hoảng con tin và chống khủng bố. Các thành viên lực lượng đặc nhiệm SWAT còn được trang bị súng trường AK-47, súng máy MP5, súng lục Glock 17 hoặc 26 và thiết bị hỗ trợ tầm nhìn tốt hơn vào ban đêm.

a3-swat-3.jpg
Luyện tập võ thuật

 

Ngoài ra, lực lượng này cũng thành thạo môn võ Krav Maga, môn võ tự vệ đặc trưng của lực lượng phòng thủ Israel. Họ cũng có khả năng leo lên các tòa nhà cao tầng, bắn tỉa, gỡ bom, phá vỡ trần nhà thủy tinh... và thực hiện các hoạt động cứu hộ tại những địa điểm như khách sạn, ga tàu điện ngầm và xe buýt.

 

Đôi khi làm tốt hơn đồng nghiệp nam

 

Ông Pramod Kushwaha, sĩ quan cấp cao của Sở Cảnh sát Thủ đô New Delhi của Ấn Độ nói đầy tự hào: “Mọi người thường có quan niệm sai lầm rằng phụ nữ không thể làm điều này hoặc phụ nữ không thể làm điều đó. Tuy nhiên, tôi có thể nói rất tự hào rằng những người phụ nữ này ngang hàng và đôi khi tốt hơn so với những người đồng nghiệp nam. Các nữ sĩ quan đã được huấn luyện trong suốt 15 tháng với nội dung tác chiến rừng núi và đô thị, xử lý khủng hoảng con tin và các tình huống căng thẳng, trải qua mọi kịch bản mà lực lượng đặc nhiệm phải đối mặt. Chúng tôi rất tự tin rằng những phụ nữ này đầy đủ năng lực và không có lý do gì để họ không được giao nhiệm vụ cao cấp”.

a2-swat-2.jpg
Duyệt đội hình

 

Hiện nay, đội nữ đặc nhiệm nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho những sự kiện chủ chốt và những nhân vật quan trọng, trong đó có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

 

Ấn Độ là quốc gia có tình trạng bất bình đẳng giới tương đối phổ biến. Nước này đứng thứ 120/131 thế giới về tỷ lệ nữ giới tham gia lao động, trong khi chỉ có 7,2% nhân lực trong ngành cảnh sát Ấn Độ là nữ. Trong bối cảnh đó, sự thành lập đội nữ đặc nhiệm được đánh giá là thể hiện quyết tâm của Chính phủ Ấn Độ thời gian tới: Đó là tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho phụ nữ, tạo điều kiện phát triển cho phụ nữ, hướng đến bình đẳng giới...

a4-swat-4.jpg

 

Trước đội SWAT, đội nữ cảnh sát đặc nhiệm của thành phố Jaipur, bang Rajasthan được thành lập giữa năm 2017, có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ trước nạn quấy rối tình dục. Hằng ngày, biệt đội này tuần tra trên phố, các công viên, khu ký túc xá hay bến tàu xe, nơi phụ nữ thường có nguy cơ bị tấn công tình dục.

 

Trong lúc tuần tra, nhóm sẽ tiếp xúc với các cô gái để hướng dẫn họ bảo vệ bản thân. Chị em phụ nữ cũng có thể liên lạc với nhóm qua ứng dụng điện thoại bất kỳ lúc nào để được giúp đỡ. Sau một thời gian hoạt động, nhóm đã cho thấy hiệu quả khi tình trạng quấy rối tại địa phương giảm rõ rệt.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn