Ấn Độ: Khẩn trương tìm kiếm người mất tích sau khi sông băng ở Himalaya bị vỡ

15:52 | 08/02/2021;
Ngày 7/2, sông băng ở Himalaya, Ấn Độ bị vỡ, gây lũ quét tràn xuống hai nhà máy thủy điện, cuốn trôi nhiều cầu đường. Cho đến nay, đã có 14 người được xác nhận là đã chết và ít nhất 170 người khác mất tích.

Nước dâng dữ dội hôm Chủ nhật (7/2), cuốn trôi một dự án thủy điện nhỏ có tên là Rishiganga và làm hỏng một công trình lớn hơn ở phía hạ lưu. Người phát ngôn của chính quyền bang Uttarakhand, miền bắc Ấn Độ viết trên Twitter: "Cho đến nay, 15 người đã được cứu và 14 thi thể đã được trục vớt từ các nơi khác nhau".

Ông Om Agarwal, một cư dân sinh sống ở làng Raini, gần thung lũng sông Dhauli Ganga, bang Uttarakhand, cách thủ đô New Delhi khoảng 500km về phía Bắc, kể lại: "Khi cơn lũ quét qua, mọi thứ trở nên vô cùng hỗn loạn, bụi, đá và nước hòa vào nhau khiến tuyết lở và đổ ập xuống. Mặt đất rung chuyển như động đất".

Hầu hết những nạn nhân bị mất tích là những người làm việc trong hai dự án kể trên. Đây cũng là hai trong nhiều dự án mà chính phủ Ấn Độ đang xây dựng, nằm sâu trong vùng núi của bang Uttarakhand.

Ngay trong ngày thứ Hai (8/2), các nhân viên cứu hộ cùng hàng trăm quân nhân Ấn Độ đã có mặt tại hiện trường để tham gia công tác cứu nạn. Tất cả đã được tập trung vào một đường hầm dài 2,5km, nơi được cho là có nhiều công nhân vẫn bị mắc kẹt.

Ấn Độ: Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích sau khi sông băng ở Himalaya bị vỡ - Ảnh 1.

Cảnh sát biên giới Ấn Độ - Tây Tạng (ITBP) trong chiến dịch cứu hộ hôm 7/2. Ảnh: AP

Ông Vivek Pandey, phát ngôn viên của Lực lượng Cảnh sát biên giới Ấn Độ - Tây Tạng (ITBP), cho biết có từ 30-35 công nhân đang ở bên trong đường hầm và lực lượng cứu hộ đang cố gắng mở miệng đường hầm và tiến vào bên trong. Ông Pandey cho biết thêm, hiện vẫn chưa thể liên lạc được với bất kỳ ai trong đường hầm bởi khu vực này không phủ sóng điện thoại.

Do con đường chính dẫn vào hầm bị cuốn trôi, đường hầm chứa đầy bùn và đá, lực lượng cứu hộ bán quân sự phải leo từ sườn đồi xuống bằng dây thừng để tiếp cận lối vào. Ông Satya Pradhan, người đứng đầu Lực lượng Ứng phó Thảm họa Quốc gia, cho biết: "Chúng tôi dự kiến sẽ tiến hành các hoạt động cứu hộ trong 24 đến 48 giờ tới. Mọi thứ đều phải diễn ra khẩn trương". Chính quyền địa phương thông báo, các quận bao gồm Pauri, Tehri, Rudraprayag, Haridwar và Dehradun đều đã được đặt trong tình trạng báo động cao.

Ngay sau khi thảm họa xảy ra, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã quyết định chi 200.000 rupee Ấn Độ (khoảng 2.748 USD) tiền hỗ trợ cho mỗi gia đình của những người đã khuất và 50.000 rupee (687 USD) cho mỗi nạn nhân bị thương nặng trong sự cố này.

Thủ tướng Modi đang phải chịu sức ép rất lớn trước những công kích của truyền thông và công luận. Nhiều người đã đặt câu hỏi về việc tại sao các nhà máy thủy điện lại được xây dựng ở những khu vực sinh thái nhạy cảm như vậy.

Bà Uma Bharti, cựu Bộ trưởng tài nguyên nước của Ấn Độ và là lãnh đạo cấp cao của đảng Modi, đã chỉ trích việc xây dựng dự án điện tại đây. Bà tuyên bố: "Khi tôi còn là một Bộ trưởng, tôi đã nói rằng Himalaya là một nơi rất nhạy cảm, vì vậy các dự án điện không nên được xây dựng trên sông Ganga và các phụ lưu chính của nó".

Ông Ranjan Panda, một tình nguyện viên của Mạng lưới Chống Biến đổi Khí hậu, hoạt động về các vấn đề nước, môi trường và biến đổi khí hậu, cho biết: "Thảm họa này một lần nữa đòi hỏi một sự giám sát nghiêm túc đối với các đập thủy điện đang xây dựng ở khu vực nhạy cảm với môi trường này".

Ấn Độ: Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích sau khi sông băng ở Himalaya bị vỡ - Ảnh 2.

Một công nhân kể lại thảm họa vỡ sông băng với nhân viên Mạng lưới Chống Biến đổi Khí hậu hôm 7/2. Ảnh: AFP

Theo ông Panda, chính phủ Ấn Độ không thể phớt lờ những lời cảnh báo từ các chuyên gia, phải ngừng xây dựng các dự án thủy điện và mạng lưới đường cao tốc rộng khắp trong hệ sinh thái mong manh này. Rất nhiều chuyên gia môi trường cũng đã kêu gọi ngừng các dự án thủy điện lớn ở bang Uttarakhand.

Khu vực nhạy cảm nằm trên dãy Himalaya này là nơi rất dễ xảy ra lũ quét và lở đất. Hồi tháng 6/2013, lượng mưa kỷ lục đã gây ra lũ lụt kinh hoàng ở khu vực này, cướp đi sinh mạng gần 6.000 người. Thảm họa đó được truyền thông gọi là "sóng thần Himalaya" do các dòng nước xả ra ở vùng núi, khiến bùn và đá đổ ập xuống, vùi lấp nhà cửa, cuốn trôi các công trình, đường xá, cầu cống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn