Chỉ số Khoảng cách Giới toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Ấn Độ ở vị trí 135 trong số 146 quốc gia về bình đẳng giới. Với con số 22,8% phụ nữ tham gia lượng lao động, Ấn Độ luôn nằm trong nhóm thấp nhất toàn cầu. Con số này thậm chí còn giảm đi trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Với chỉ số phụ trong tham gia kinh tế và cơ hội, Ấn Độ đứng vị trí 143, chỉ xếp trước Iran, Pakistan và Afghanistan.
Phụ nữ ở Ấn Độ trải qua nhiều khó khăn trên thị trường việc làm và những cuộc đấu tranh của họ cũng dần dần lấn sang việc tìm kiếm bạn đời. Một nghiên cứu gần đây trên Shaadi.com cho thấy phụ nữ chưa từng đi làm thu hút 70% phản hồi tích cực từ nam giới. Trong trường hợp phụ nữ đang đi làm nhưng sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp sau khi kết hôn, con số này giảm xuống còn 66%. Tỷ lệ phản hồi tích cực giảm xuống còn 59% đối với những phụ nữ muốn tiếp tục làm việc sau khi kết hôn.
Prachi, hiện làm quản lý cấp cao tại MNC có trụ sở tại Gurgaon và đã kết hôn được 1,5 năm, kể lại trải nghiệm đầy day dứt của mình trong quá trình mai mối. "Tôi không thể nhớ mình đã tương tác với bao nhiêu chàng trai qua các trang web hôn nhân. Hầu hết những người đàn ông tôi gặp đều muốn tôi tập trung vào gia đình hơn là sự nghiệp. Họ chấp nhận tôi đi làm nhưng ủng hộ điều đó một cách miễn cưỡng. Ngay cả bố mẹ cũng đã bắt đầu khéo léo để tôi thay đổi các ưu tiên của mình. Đại dịch đã cho phép mọi người làm việc linh hoạt, song cái ngày mà phụ nữ không phải lựa chọn giữa sự nghiệp vững chắc và một gia đình hạnh phúc vẫn còn xa lắm".
Trình độ học vấn của phụ nữ của Ấn Độ khá nổi bật. Tuy nhiên, quan niệm phổ biến là hướng đến cải thiện triển vọng hôn nhân chứ không phải tìm kiếm việc làm. Hầu hết phụ nữ cũng bị hạn chế bởi ý tưởng về "công việc phù hợp với xã hội" - một điều giới hạn nghiêm trọng lựa chọn nghề nghiệp của họ.
Do đó, ngày càng nhiều phụ nữ chọn học lên trình độ cao hơn là đi làm. Meera, một chuyên gia truyền thông, hoàn thành chương trình Thạc sĩ hai năm trước. Nhưng sau hai năm đi làm, cô lại đang tìm kiếm cơ hội tiếp tục học lên cao. "Cha mẹ đang ép buộc tôi phải kết hôn. Họ nghĩ rằng bây giờ tôi có việc làm nên không còn muốn đạt được điều gì nữa. Tôi đã tích cực tìm kiếm các chương trình giáo dục ở nước ngoài để thoát khỏi hôn nhân. Tuy nhiên, cha mẹ tôi một mực nói rằng chỉ để tôi ra nước ngoài khi tôi đã kết hôn", Meera thở dài nói.
Khoảng cách giàu nghèo giữa nam giới và phụ nữ Ấn Độ trong các vai trò chuyên môn hoặc kỹ thuật là 31%. Tuy nhiên, phụ nữ đang tìm ra những phương pháp mới hơn để giữ vững nền tảng tài chính của mình.
Dữ liệu mới từ LinkedIn cho thấy số lượng nữ doanh nhân đã tăng theo cấp số nhân trong đại dịch. Từ năm 2016 đến năm 2021, các nhà sáng lập nữ đã tăng gấp 2,68 lần. Trong khi đó, các nhà sáng lập nam chỉ tăng 1,79 lần.
Anil Thankachan, Đồng sáng lập, Giám đốc tại PeopleAsset, nhấn mạnh điều này: "Cùng với sự gia tăng của công việc từ xa trong thời kỳ đại dịch, các hợp đồng kinh doanh và hợp đồng ngắn hạn cũng tăng theo. Mặc dù làm việc tại nhà có những thách thức riêng nhưng nó giúp phụ nữ tiếp tục xây dựng sự nghiệp của mình".
Mặc dù ngay từ đầu, điều này có vẻ tích cực nhưng nó chỉ ra một vấn đề sâu sắc hơn - những rào cản về cấu trúc tại nơi làm việc. Cho đến nay, nam giới có khả năng được đề bạt vào các vị trí cấp cao trong công việc cao hơn 42% so với phụ nữ.
"Chúng tôi nhận thấy có một tỷ lệ cao lực lượng lao động nữ hướng đến mô hình làm việc kết hợp. Điều này khá dễ hiểu vì phụ nữ là người đảm nhiệm phần lớn công việc nhà cũng như học tập từ xa của con cái. Nếu xảy ra gián đoạn nghề nghiệp do quay lại làm việc tại văn phòng, chúng tôi dự đoán lực lượng lao động nữ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn lực lượng lao động nam", Bhavishya Sharma, Giám đốc điều hành Athena Executive Search & Consulting, cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn