Ấn Độ thông qua án tử hình đối với tội phạm hiếp dâm trẻ em
14:57 | 22/04/2018;
Trong phiên họp khẩn cấp ngày 21/4, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua pháp lệnh áp dụng án tử hình đối với những tội phạm hiếp dâm trẻ em dưới 12 tuổi và những hình phạt nặng hơn đối với những vụ việc liên quan tới việc xâm hại tình dục các bé gái dưới 16 tuổi.
Cần thực hiện nghiêm pháp lệnh
Pháp lệnh đã được chuyển lên Tổng thống Ram Nath Kovind phê chuẩn theo thủ tục. Trong vòng 6 tháng chờ Quốc hội thông qua để trở thành Luật, Pháp lệnh có thể dùng truy tố tội phạm hiếp dâm trẻ em.
Pháp lệnh cũng quy định tội phạm hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi phải lãnh tối thiểu 20 năm tù so với trước là 10 năm, tội phạm hiếp dâm phụ nữ trưởng thành phải lãnh tối thiểu 10 năm tù so với trước là 7 năm.
Pháp lệnh trên được thông qua sau khi người dân Ấn Độ đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ có biện pháp ngăn chặn các vụ tấn công tình dục, cưỡng hiếp trẻ em. Công luận cho rằng chính phủ của Thủ tướng Modi đã quá chậm chạp trong việc xử lý và chưa làm tròn trách nhiệm để bảo vệ phụ nữ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi càng thêm đau đầu sau khi một thành viên của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền, Kuldeep Singh Sengar, bị cảnh sát bắt hồi tuần trước về cáo buộc cưỡng hiếp một thiếu nữ 16 tuổi vào tháng 6/2017. Chưa hết, người đứng đầu Ủy ban Phụ nữ New Delhi Swati Maliwal đã công bố bức thư ngỏ cho ông Modi và tuyệt thực từ ngày 13/4 để kêu gọi chính phủ siết chặt luật đối với tội phạm tình dục.
Không chỉ các cuộc biểu tình trong nước diễn ra, nhiều tổ chức nước ngoài cũng lên tiếng hy vọng Ấn Độ sẽ làm gì đó để giảm các vụ hiếp dâm tập thể. Ngay cả Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng đề nghị nhà lãnh đạo Ấn Độ chú ý nhiều hơn đến phụ nữ nước này: "Tôi hy vọng rằng chính quyền Ấn Độ, bắt đầu từ Thủ tướng Modi, có thể tập trung hơn vì đó là điều cần thiết cho phụ nữ tại đất nước này".
Nữ luật sư Abha Singh cho biết, Pháp lệnh mới sẽ ngăn chặn đàn ông gây bạo lực giới đối với phụ nữ. Chính phủ Ấn Độ cũng sẽ phải định nghĩa lại về tội phạm hiếp dâm, đồng thời ra yêu cầu bắt buộc với cảnh sát về việc tiếp nhận và có tòa án chuyên trách để hỗ trợ, xét xử các vụ tố cáo hiếp dâm. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ dám lên tiếng về việc mình bị xâm hại tình dục.
Tuy nhiên, bà kêu gọi chính phủ thiết lập khung thời gian để đưa các nghi phạm ra trước công lý vì các tòa án Ấn Độ thường xuyên chậm trễ với hơn 30 triệu vụ đang chờ xử. Bà Singh cho biết: “Tỷ lệ kết án trong số vụ hiếp dâm ở Ấn Độ chỉ 28%, nghĩa là có đến 72% số nghi phạm không bị trừng phạt”.
Nỗi ám ảnh của “xứ sở sông Hằng”
Ấn Độ được cho là nơi có số lượng các vụ xâm hại tình dục trẻ em lớn nhất thế giới. Theo Louis Georges Arsenault - Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Ấn Độ, cứ 3 nạn nhân bị cưỡng hiếp ở Ấn Độ thì có một người là trẻ em. Ông Arsenault cho hay ước tính có hơn 7.200 trẻ em, bao gồm trẻ sơ sinh, bị cưỡng hiếp mỗi năm ở đất nước này. Phần lớn trẻ bị người trong gia đình cưỡng hiếp hoặc bị người quen như hàng xóm xâm hại.
Theo Cục Lưu trữ tội phạm quốc gia (NCRB), cảnh sát Ấn Độ nhận được khoảng 100 đơn khiếu nại tấn công tình dục mỗi ngày. Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Hồ sơ Tội phạm quốc gia Ấn Độ, gần 11.000 vụ hiếp dâm trẻ em xảy ra vào năm 2015. Năm 2016, nước này ghi nhận gần 40.000 vụ cưỡng hiếp, tăng 12% so với năm trước đó, 40% trong số nạn nhân là trẻ em. Tin tức về các vụ hiếp dâm xuất hiện gần như mỗi ngày trên các tờ báo Ấn Độ.
Bà Brimti Ram (40 tuổi) - mẹ của một bé gái 14 tuổi từng bị hãm hiếp vừa khóc vừa chia sẻ: “Tôi khóc vì nỗi đau của con và căm hờn lũ biến thái. Một bé gái nếu sống sót sau khi bị cưỡng hiếp, nỗi đau có khi còn nhân lên gấp nhiều lần. Vụ hiếp dâm đã làm mất uy tín, danh dự của chúng tôi. Tương lai của con bé đã khép lại, nó không thể kết hôn và sống phần đời còn lại trong sự ám ảnh. Gia đình tôi đã tìm cách chạy trốn khỏi ngôi làng khi bị đe dọa bởi những giai cấp trên trong xã hội sau vụ án. Hiện chúng tôi phải sống trên vỉa hè ở trung tâm Delhi và sợ hãi không dám quay trở về làng nữa. Tôi mong chính phủ phải nghiêm trị những kẻ thủ ác”.
Đặc biệt, làn sóng phẫn nộ càng lên cao khi vụ việc Asifa Bano - bé gái Hồi giáo 8 tuổi bị cưỡng hiếp và sát hại vào tháng 1/2018 vừa được phanh phui ngày 11/4. Trong vụ này có 8 đối tượng bị buộc tội, kể cả hai cảnh sát viên. Bé gái bị bắt cóc khi đang chăn thả ngựa ở một đồng cỏ thuộc huyện Kathua, bang Jammu và Kashmir vào ngày 12/1, sau đó bị cưỡng ép dùng ma túy mạnh và những kẻ thủ ác thay nhau hãm hiếp. Trước khi nạn nhân bị hại chết, họ giữ em trong một ngôi đền Hindu của thành phố.
Sự việc gây chú ý cho công chúng sau khi các nhóm cánh hữu người Hindu phản đối việc bắt giữ các nghi phạm vì họ thuộc cộng đồng này. Các luật sư ủng hộ người Hindu ngăn cảnh sát vào tòa án để nộp cáo trạng và hai quan chức thuộc đảng chủ nghĩa xã hội của người Hindu cũng tham dự một cuộc biểu tình ủng hộ các nghi phạm. Điều này khiến người dân khắp Ấn Độ tức giận bởi một hành vi phạm tội tàn bạo đang bị biến thành cuộc tranh cãi về tôn giáo. Sự phẫn nộ nhanh chóng lan truyền trên Twitter với từ khóa #Kathua và #justiceforAsifa (công bằng cho Asifa).
"Hãy tưởng tượng những gì đã diễn ra trong tâm trí của một đứa trẻ 8 tuổi khi em bị chuốc thuốc, giam giữ, cưỡng hiếp tập thể suốt nhiều ngày rồi sau đó giết chết. Nếu các bạn không cảm nhận được sự đau đớn của cô bé thì các bạn không phải là con người. Nếu các bạn không đòi công bằng cho Asifa, các bạn không thuộc về cái gì cả", ngôi sao Farhan Akhtar viết trên Twitter thu hút 42.000 lượt like.
Rahul Gandhi, chủ tịch đảng đối lập chính của Ấn Độ, đã chủ trì một lễ tuần hành thắp nến ở thủ đô. "Sao lại có người bảo vệ cho những kẻ phạm tội ác như thế? Những gì đã xảy ra với Asifa tại Kathua là tội ác chống nhân loại. Không thể không trừng phạt", nghị sĩ Rahul Gandhi viết trên Twitter thu hút hơn 26.000 lượt like.