Ấn Độ tung gói cứu trợ lớn nhất thế giới dành cho người nghèo hậu Covid-19

15:48 | 14/07/2020;
Cuối tháng 6/2020, Thủ tướng Narendra Modi đã phát động chiến dịch công việc nông thôn có tên là “Garib Kalyan Rojgar Abhiyaan” nhằm tăng cơ hội việc làm và sinh kế cho người lao động nhập cư trở về làng quê sau khi dịch Covid-19 bùng phát.

Vùng nông thôn, nơi cư trú của 70% trong số hơn 1 tỷ 300 triệu người dân Ấn Độ, chịu tổn thương nặng nề nhất vì hạ tầng y tế yếu kém. Trong khi đó, sinh kế của người dân đã bị vắt kiệt sau hơn 4 tháng dịch bệnh hoành hành vừa qua. Chính phủ đã và đang thực hiện tất cả các động thái có thể để giảm thiểu khó khăn về kinh tế cho các khu vực dễ bị tổn thương ở các làng mạc của Ấn Độ. Chính phủ cũng đã tăng tiền lương theo chương trình bảo đảm việc làm ở nông thôn để trao thêm tiền cho người nghèo, mở rộng các khoản vay ưu đãi cho nông dân, lập các bếp ăn cộng đồng để phân phát các bữa ăn và cho phép một số ngành hoạt động ở khu vực nông thôn.

Dự án Abhiyaan tập trung vào cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững và cung cấp các cơ sở hiện đại như internet ở các làng. Bản đồ kỹ năng của lao động di cư nông thôn đang được thực hiện để giúp họ làm việc gần nhà hơn. Dự án Abhiyaan là sự phối hợp giữa 12 bộ ngành, được thực hiện trong 125 ngày tại 116 quận của 6 bang: Bihar, Uttar Pradesh, Madhya Pradesh, Rajasthan, Jharkhand và Odisha. Đây là các địa phương đón nhiều lao động nhập cư trở về quê nhất. Thủ tướng Modi bày tỏ mong muốn nông thôn Ấn Độ đứng vững trong cuộc chiến chống Covid-19. Thủ tướng nói rằng chính phủ quan tâm đến phúc lợi của người nghèo và người di cư. Ông cho biết chính phủ sẽ điều hành hệ thống tàu tốc hành Shramik phục vụ lao động nhập cư muốn trở về nhà.

25 hạng lục công việc đã được xây dựng ở các làng xã để đáp ứng nhu cầu lao động của người nghèo. Dự án cũng sẽ cung cấp các cơ sở hiện đại ở khu vực nông thôn. Điều cần thiết nhất là internet tốc độ cao và giá rẻ được cung cấp trong mọi hộ gia đình nông thôn để giúp đỡ thanh thiếu niên và trẻ em. Thủ tướng Modi cho biết đây là lần đầu tiên khu vực nông thôn sử dụng internet nhiều hơn khu vực thành thị. Do đó, việc đặt cáp quang và cung cấp internet cũng là một phần của dự án Abhiyan. Từ đó, dự án tạo cơ hội sinh kế cho những người di cư quay trở lại và những công dân nông thôn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đảm bảo rằng mỗi lao động nhập cư có thể có cơ hội việc làm theo kỹ năng của mình. Chương trình cũng sẽ chuẩn bị cho việc mở rộng và phát triển sinh kế trong thời gian dài hơn. Bộ Phát triển Nông thôn sẽ chịu trách nhiệm thi hành dự án và điều phối các bộ ngành khác.

Bên cạnh đó, kế hoạch Aatmanirbhar Bharat vì một Ấn Độ tự lực sẽ tập trung vào các lĩnh vực đất đai, lao động, thanh khoản và luật pháp, sẽ phục vụ cho các bộ phận khác nhau của nền kinh tế, bao gồm các doanh nghiệp, lao động nhập cư và tầng lớp trung lưu. Gói cứu trợ này, tương đương với gần 1 năm tổng doanh thu thuế của Ấn Độ, cũng bao gồm các biện pháp nới lỏng tiền tệ do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ công bố. Thủ tướng Modi cho biết, chiến lược tự lực sẽ phụ thuộc vào 5 trụ cột: Phát triển nền kinh tế mới, tạo ra cơ sở hạ tầng hiện đại, thiết lập hệ thống phân phối dựa trên công nghệ, tận dụng dân số trẻ và khai thác nhu cầu trong nước. Thủ tướng nói: "Chúng ta sẽ tạo ra những sản phẩm tốt nhất, cải thiện chất lượng và cải thiện chuỗi cung ứng của chúng ta". Qua đó, chính phủ sẽ gỡ bỏ mọi quy định để người nông dân có thể tự do bán sản phẩm của mình ở bất cứ đâu trong nước và kết nối trực tiếp với các thương nhân để được giá tốt hơn cho sản phẩm của mình. Chính phủ cung cấp kho lạnh bảo quản nông sản.

Ấn Độ thúc đẩy các gói cứu trợ kinh tế nông thôn hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Người nghèo ở Ấn Độ nhận hỗ trợ tiền và thực phẩm

Ngày 12/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 20 nghìn tỷ Rupee (tương đương 265 tỷ USD), một trong những gói cứu trợ quy mô lớn nhất thế giới, tương đương với khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ. Gói cứu trợ mới trao quyền cho tất cả mọi người, tập trung vào người lao động, người bán hàng rong và kinh doanh nhỏ lẻ.

Ấn Độ cũng đã công bố gói trị giá 1.750 tỷ Rupee (23 tỷ USD) để trang trải cho chương trình phúc lợi người nghèo của Thủ tướng (PMGKAY). Trong 3 tháng qua, 310 tỷ Rupee đã được gửi vào tài khoản ngân hàng của 200 triệu hộ nghèo. Ngoài ra, 180 tỷ Rupee được gửi vào tài khoản ngân hàng của hơn 90 triệu nông dân. Chính phủ cũng đã chi 500 tỷ Rupee trong khuôn khổ chương trình này để tạo cơ hội việc làm cho người nghèo. Đạo luật An ninh lương thực quốc gia hiện tại của Ấn Độ cung cấp 5kg lương thực/người/tháng với mức giá trợ cấp 2-3 rupee/kg cho người nghèo.

Theo chương trình phúc lợi người nghèo của Thủ tướng, người nghèo được cấp thêm 5kg miễn phí trong 3 tháng tính từ cuối tháng 3, khi Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Thủ tướng Modi nói: "Chương trình PMGKAY, trong đó có cấp khẩu phần miễn phí cho người nghèo, sẽ được gia hạn đến cuối tháng 11. Biện pháp này sẽ tiêu tốn hơn 900 tỷ Rupee, tương đương 12 tỷ USD". Với quyết định này, 800 triệu người sẽ nhận được khẩu phần miễn phí trong 5 tháng nữa.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn