Gừng có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Nó thuộc họ Zingiberaceae, bao gồm nghệ, bạch đậu khấu và riềng. Gừng có thể được tiêu thụ dưới nhiều dạng như gừng tươi, gừng sấy khô, bột gừng, gừng ngâm hoặc dầu gừng, nước ép gừng,...
Theo Healthline, dưới đây là những tác dụng của việc ăn gừng đối với sức khỏe dựa trên những nghiên cứu khoa học:
- Chứa gingerol với đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ
Gừng có lịch sử lâu đời trong các bài thuốc y học cổ truyền và y học hiện đại để hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn và chống lại bệnh cúm hay cảm lạnh thông thường.
Tất cả là nhờ hợp chất gingerol - là một hợp chất hoạt tính sinh học chính trong gừng, có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ, từ đó giảm thiểu nguy cơ tổn thương do các gốc tự do trong cơ thể gây ra.
Bài thuốc chống lại bệnh cúm từ gừng: Chuẩn bị vài lát gừng tươi và ngâm trong nước sôi từ 10 - 15 phút rồi uống. Để tăng hương vị, có thể thêm mật ong, chanh.
- Giảm buồn nôn
Gừng đã được chứng minh là giúp giảm buồn nôn, bao gồm cả buồn nôn có liên quan tới thai kỳ (hay còn được gọi là ốm nghén); buồn nôn sau phẫu thuật do tác dụng phụ hoặc buồn nôn có liên quan tới hóa trị trong ung thư.
Tuy nhiên với phụ nữ mang thai gần tới thời gian chuyển dạ, người có tiền sử sảy thai hoặc chảy máu âm đạo hoặc người bị rối loạn đông máu không nên ăn gừng.
Bài thuốc giảm buồn nôn từ gừng: Ngậm một lát gừng tươi có rắc một ít muối. Hoặc lấy gừng tươi giã nhuyễn rồi vắt lấy nước cốt, khi uống pha theo tỷ lệ một thìa cốt gừng vào một cốc nước lớn.
- Có thể giúp giảm cân
Theo Healthline, một số nghiên cứu trên người và động vật đã chỉ ra rằng gừng có thể đóng một vai trò tích cực trong việc giảm cân, giảm tỷ lệ eo - hồng và vòng mông ở những người bị thừa cân, béo phì nhờ khả năng giảm viêm của gingerol và shogaols. Những hợp chất này có thể có lợi trong quá trình đốt cháy và lưu trữ chất béo phức tạp của cơ thể.
Nước uống từ gừng giúp giảm cân: Chuẩn bị giấm táo hoặc chanh cùng gừng để pha trà. Loại nước này giúp bạn cảm thấy no lâu hơn và ngăn chặn sự thèm ăn, từ đó giúp giảm cân. Ngoài ra, giấm táo hay chanh đều giàu chất chống oxy hóa có thể giúp tăng cường sức khỏe đường ruột.
- Hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp
Viêm xương khớp có liên quan tới thoái hoái khớp có thể dẫn tới các triệu chứng như đau và cứng khớp. Theo một nghiên cứu trên NCBI, những người tham gia dùng 0, 5 - 1 gam gừng mỗi ngày trong 3 - 12 tuần đã cho thấy những cơn đau viêm khớp được giảm nhẹ.
Bài thuốc từ gừng chữa đau xương khớp mùa lạnh: Ngâm chân, tay hoặc tắm với nước thảo dược có thành phần là gừng tươi. Hoặc sử dụng gừng rang với muối hột chườm lên vùng đau.
Nếu như Hàn (thời tiết lạnh) là nguyên nhân gây đau nhức khớp, thì rượu gừng dùng để xoa bóp ngoài khớp giúp làm ấm nóng, tăng tuần hoàn máu có thể giúp giảm đau, tuy nhiên khi sử dụng cần thận trọng không nên lạm dụng.
- Điều trị khó tiêu mãn tính
Khó tiêu khiến một người thường xuyên bị đau bụng, đầy hơi, ợ hơi và buồn nôn mà không có lý do rõ ràng. Gừng có thể giúp kiểm soát chứng khó tiêu bằng cách đẩy nhanh quá trình di chuyển của thức ăn qua dạ dày.
Bài thuốc trị khó tiêu từ gừng: Chuẩn bị khoảng 400 gam gừng tươi rửa sạch và nghiền nhuyễn lấy bã đun nóng lên rồi cho vào khăn sạch để chườm bụng. Chườm theo chiều kim đồng hồ, khi bọc gừng nguội thì thêm chút nước cốt gừng vào rồi đun nóng tiếp tục chườm trong khoảng 30 phút để có hiệu quả. Có thể thêm muối hạt vào bã gừng để giữ nóng lâu hơn.
- Kháng khuẩn
Đặc tính kháng khuẩn của gingerol và shogaols giúp gừng có tiềm năng trong việc chống lại các nhiễm trùng do vi khuẩn nnhư Staphylococcus vàng, E.coli, candida,... Tuy nhiên những nghiên cứu vẫn cần thực hiện chuyên sâu hơn trên người.
Ngoài các tác dụng kể trên thì một số lợi ích tiềm năng khác của gừng theo các nghiên cứu có thể kể đến như cải thiện chức năng não và ngăn ngừa các bệnh thoái hóa như Alzheimer, Parkinson, bệnh đa xơ cứng; giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa như ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy, ung thư gan; hỗ trợ giảm mức cholesterol xấu; giảm đau bụng kinh;... Tuy nhiên chúng ta cần có thêm nhiều bằng chứng và nghiên cứu rộng rãi hơn trên người trước khi kết luận.
Đông y cho rằng, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn, ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc.
Theo Medicine, mặc dù việc ăn gừng mỗi ngày có thể an toàn nhưng các bác sĩ và chuyên gia khuyên rằng người trưởng thành khỏe mạnh chỉ nên ăn dưới 3 - 4 gam gừng mỗi ngày để tránh những tác dụng phụ không mong muốn do ăn quá nhiều gừng. Với phụ nữ mang thai, tiêu thụ trên 1 gam gừng mỗi ngày được coi là quá nhiều và trẻ dưới 2 tuổi thì không nên dùng gừng.
Một số người có các tình trạng sức khỏe như sốt cao, người hay bị nhiệt miệng, táo bón, cơ địa dễ nóng trong, người bị đau dạ dày, người đang bị say nắng cũng không nên ăn gừng.
Các tác dụng phụ có thể gặp khi ăn gừng bao gồm:
- Khó chịu ở bụng
- Ợ nóng
- Tiêu chảy
- Kích ứng họng và miệng.
Ngoài ra, khi ăn gừng, tốt nhất nên tiêu thụ gừng vào buổi sáng, hạn chế uống gừng vào buổi tối bởi gừng có tính cay, nóng; dùng vào buổi tối có thể tăng tiết mồ hôi, tăng tuần hoàn dễ gây mất ngủ.
Tóm lại, gừng là một loại thảo mộc có nhiều lợi ích cho sức khỏe như cải thiện tiêu hóa, giảm buồn nôn, chống viêm và có thể hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, việc sử dụng gừng hàng ngày cần được tiến hành một cách cẩn trọng để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, đặc biệt là đối với những người có tiền sử bệnh lý hoặc phụ nữ mang thai. Một liều lượng vừa phải và phù hợp với từng cá nhân sẽ giúp tối ưu hóa lợi ích của gừng mà không gây hại cho sức khỏe. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm gừng vào chế độ ăn hàng ngày nếu có các bệnh lý đang cần điều trị theo đơn thuốc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn