Cứ đều đặn 5 giờ sáng thứ 7 hàng tuần, anh Phan Tiến Dũng (30 tuổi, cư dân phường Tây Lộc) cùng nhóm bạn lại ra sông Hương để tập thể thao và bơi lội. Anh Dũng cho biết: "Mùa hè, người dân thành phố đi bơi khá nhiều làm cho các bể bơi trở nên đông đúc, thế nên mình chọn bơi ở sông Hương, nước sông xanh, trong, bơi rất thoải mái. Tắm sông còn có thêm thú ngắm nhìn quang cảnh đẹp của sông, nó đem lại cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên".
Như vòng tay dịu dàng, sông Hương ôm trọn thành phố Huế, tạo ngọn gió lành che chở cho cố đô suốt mùa nắng nóng. Sự dịu mát từ dòng nước, cây xanh hai bên bờ đã đi vào thi ca nhạc hoạ từ đời này qua đời khác. Và, gần gũi thiết thực, trước khi có những bể tắm hồ bơi công cộng, trong khách sạn, nhà riêng… sông Hương là bể bơi độc đáo của thiên nhiên ban tặng cho người Huế.
Thói quen bơi sông là của không ít người Huế, thế hệ này già đi, thế hệ khác lại lớn lên, dòng sông mỗi sáng, mỗi chiều vẫn đón hết lớp này qua lớp khác với những "bến" tắm dọc hai bờ sông. Đó là do sự phát triển của các bể bơi (xưa Huế chỉ có gần như duy nhất một bể bơi tại "Xẹc" (nay là Trung tâm Festival) thì nay toàn tỉnh có khoảng 120 bể bơi trong khách sạn, trường học…) đã giúp giảm tải cho các bến sông. Tuy nhiên, thú bơi sông vẫn tồn tại và mỗi sáng mỗi chiều từ các bến sông những "kình ngư" của Huế lại ngụp lặn trong dòng sông xanh mát.
Vào hè, giờ bơi buổi sáng thường lúc 5 giờ, buổi chiều vào khoảng 16 giờ, khi cái nắng đã bớt chói chang. Không chỉ mình lứa tuổi trung niên, thanh thiếu niên cũng rất nhiều người chọn dòng Hương làm nơi để bơi lội thay vì bể bơi vì "bể bơi đông đúc và không sảng khoái bằng". Những người bơi sông thường cũng là những người tham gia các hoạt động thể thao. Gần đây, ở dọc sông có những dụng cụ tập, nhiều người tới sớm hơn, vận động trước khi xuống sông. Ngoài ra, do nhu cầu an toàn, những người hay bơi sông cũng dần làm thân, giao lưu để có thể hỗ trợ lẫn nhau khi bơi. Nhiều người cũng tự trang bị cho mình các biện pháp an toàn như áo phao, phao cứu hộ, khởi động trên bờ kỹ càng trước khi xuống bơi…
Tuy nhiên, sự ứng phó có tính tự phát trên không đảm bảo sự an toàn cho những bến sông, nhất là vào mùa nắng nóng. Nhiều "bến" bơi bộc phát dọc sông Hương không người quản lý là những "hố đen" gieo rắc hiểm hoạ cho người thích tắm sông.
Ông Bùi Thanh Dũng, Phó Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: "Bơi trên sông Hương vốn là hành động tự phát, kể cả các bến tắm dọc sông cũng là do người dân đi nhiều rồi tự gọi chứ không về có đơn vị hay doanh nghiệp nào thành lập cả, nên việc quản lý khá khó khăn".
Theo ông Dũngm, tỉnh cũng rất quan tâm vấn đề này, ngày 11/5/2016 tỉnh đã có Quyết định số 959/QĐ-UBND về quy chế quản lý Bến tắm biển, sông hồ trên địa bàn. Chiếu theo đó, các bến tắm dọc sông Hương hoàn toàn không đáp ứng đủ điều kiện mà quy chế đưa ra. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không thể ngăn cấm hoàn toàn người dân việc tắm sông được.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND phường Phú Thuận, nơi có đoạn sông đẹp nhất với nhiều điểm tắm trong đó có những bến khá đông như Bến Me, cho biết: "Về vấn đề này phường đã làm biển cảnh báo nước sâu, nguy hiểm tại bến, đó cũng là tất cả những gì chúng tôi có thể làm để nhắc nhở chứ không thể cấm triệt để chuyện đi bơi, đi tắm của dân".
Nhiều người nói, nên đầu tư ở các bến sông nhà tắm cạn, nhà vệ sinh, xây bến, cầu tắm và tổ chức dịch vụ cho thuê phao, áo phao… để bảo vệ người đi bơi và dòng sông theo hướng… văn minh. Nhưng khi nói chuyện với nhà quản lý thì xem ra vấn đề này không dễ thực hiện. Cái đầu tiên là kiểm soát điểm bơi, có những bến rõ nét nhưng cũng có bến tự phát trong vườn tư nhân dọc sông… Thứ hai là kinh phí, ai đầu tư và đầu tư như thế nào để có những bến bơi an toàn và đẹp và giữ được là công trình dân sinh là không hề dễ. Vì thế, như ông Hoàng nói "mặc dù đã có quy định nhưng chúng tôi cũng chỉ mới ở mức làm các bảng cảnh báo. Thế nên, mùa nắng nào, khi trên sông nhộn nhịp người bơi là chúng tôi lại khá lo…".
Hiểm họa tắm sông vẫn luôn tiềm tàng. Mong rằng các cơ quan chức năng có thế giúp mọi người giữ lại nét văn hóa tắm sông, đồng thời giúp người dân, nhất là người thân của các "kình ngư sông Hương", yên tâm khi người thân bơi lội, ngụp lặn trong dòng nước xanh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn