Bên cạnh việc cung cấp một số giá trị dinh dưỡng nhất định thì việc ăn kem vào mùa hè có thể gây nên một số vấn đề liên quan tới tiêu hoá như rối loạn tiêu hoá hay bị viêm họng, đau đầu tức thời hay sún răng nếu ăn nhiều,...
Có một số quan niệm cho rằng ăn kem vào mùa hè có thể giúp giải nhiệt, tuy nhiên theo bác sĩ Nguyễn Bích Ngọc (Phòng Tư vấn Dinh dưỡng, Viện Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng, Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ăn kem chỉ có tác dụng giúp cơ thể giải nhiệt tức thời, nghĩa là không kéo dài, một số người còn có cảm giác ăn kem xong thấy khát hơn.
Nguyên nhân là do kem có thành phần làm từ các chất phụ gia, hương liệu, đường, sữa và nước đá,... chúng làm bạn cảm thấy mát do được để lạnh nhưng sẽ cảm thấy nóng hơn do có chứa nhiều đường. Đấy là lý do mà nếu bạn ăn kem càng ngọt thì càng dễ bị nóng.
Người ta ước tính rằng trong kem có chứa từ 74,4 gram nước, 2,4 gram protein, 5,3 gram mỡ, 17,3 gram đường và còn lại là vitamin A, vitamin B2, vitamin E và một số khoáng chất vi lượng khác như Kẽm (Zn) hay Kali (K),... có nghĩa là cứ 100 gram kem thì có lượng dinh dưỡng tương đương với 35 gram cơm.
Vậy ai là những người không nên ăn kem?
Như đã nói ở trên, kem có chứa lượng chất béo và đường cao nên rất dễ khiến bạn bị tăng cân; chưa kể trong một số loại kem lại có chứ acid béo trans - nếu hấp thụ nhiều sẽ gây ra bệnh béo phì, mỡ bị tích nhiều ở bụng.
Một nghiên cứu của CSPI của Mỹ chỉ ra rằng chỉ riêng một vỏ cây kem ốc quế bình thường đã có thể chứa đến 320 calo và khoảng 10gram chất béo bão hoà (tức là chiếm tới một nửa nhu cầu chất béo cho một ngày).
Do đó, những người muốn giảm cân không nên ăn kem.
Khi mang bầu, sự tiết dịch tiêu hoá và những enzyme của hệ tiêu hoá cũng giảm và chức năng tiêu hoá bị suy giảm theo. Vì thế, nếu ăn kem lạnh quá nhiều khi mang thai có thể khiến các mạch máu ở đường tiêu hoá bị co lại một cách đột ngột, gây ra đau bụng hay tiêu chảy.
Chưa kể đến trong kem có thể chứa các chất phụ gia không tốt cho sức khoẻ của bà bầu và sự phát triển của thai nhi.
Vì kem có chứa hàm lượng đường và chất béo bão hoà cao nên nó đặc biệt không tốt cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trẻ đang có xu hướng bị béo phì. Bên cạnh đó, các chất phụ gia trong kem cũng có thể gây ra kích ứng cho trẻ mẫn cảm.
Nếu cha mẹ cho trẻ ăn kem quá nhiều có thể gây nóng và giảm cảm giác muốn ăn, hệ tiêu hoá bị kích thích mạnh gây ra đau bụng.
Người bị đái tháo đường có nồng độ đường trong máu cao nên việc ăn kem có thể làm cho đường huyết bị tăng nhanh chóng, tình trạng bệnh sẽ nghiêm trọng hơn. Nếu muốn ăn có thể tìm một số loại kem chuyên dụng cho người bị tiểu đường mà chất tạo ngọt hoá học được thay bằng sorbitol và maltitiol.
Theo Bác sĩ Đặng Văn Quế khuyến cáo trên báo Gia đình & xã hội, khi ăn kem vào mùa hè, bạn cần lưu ý những điều sau:
Nên
- Sử dụng thìa làm bằng nhôm để xúc kem giúp giảm độ nhiệt
- Muốn giảm độ lạnh có thể uống nước lạnh từ từ
- Ăn kem để ở nhiệt độ 10 độ C trở lên để không gây ra các cơn đau đầu do ăn kem lạnh. Nếu bị đau đầu do ăn kem hãy ngừng ăn sau đó massage nhẹ nhàng vào chỗ đau để làm dịu lại
- Giảm sự chênh lệch nhiệt ở vòm miệng khi ăn kem bằng cách để kem trước miệng và hà hơi hít thở một lúc cảm giác lạnh sẽ giảm đi
- Có thể ngậm kem trong miệng một khoảng thời gian rồi mới nuốt xuống họng.
Không nên
- Khi vừa đi ở ngoài trời nắng về bạn không nên ăn kem, cần để cơ thể giảm nhiệt rồi mới ăn tránh bị viêm họng, đau họng hay cảm lạnh do cơ thể bị lạnh đột ngột
- Không nên ăn kem vào sáng sớm, ăn kem lúc dạ dày còn rỗng, ăn kem sau bữa ăn và không nên ăn kem trước khi đi ngủ
- Không nên ăn kem ngay sau khi ăn đồ nóng xong tránh ảnh hưởng xấu tới lưỡi và răng
- Không ăn kem không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chứa nhiều chất phụ gia và phẩm màu
- Không ăn quá nhiều kem một ngày, có thể ăn từ 1 - 2 que tương đương 100 - 150 gram kem mỗi ngày.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn