Ăn khoai tây có màu xanh có độc không?

14:30 | 07/03/2024;
Khoai tây có đốm xanh có nhiều khả năng chứa độc tố solanine, có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa nếu ăn phải.

Màu xanh và vị đắng ở khoai tây có thể cho thấy sự hiện diện của chất độc solanine. Mặc dù vậy, khoai tây có phần còn xanh thường vẫn an toàn khi được chế biến đúng cách.

1. Tại sao khoai tây lại có màu xanh?

Màu xanh của khoai tây là một quá trình tự nhiên.

Khi tiếp xúc với ánh sáng, khoai tây tạo ra chất diệp lục, sắc tố màu xanh lá cây tạo nên màu sắc cho nhiều loại thực vật và tảo. Điều này khiến khoai tây có vỏ sáng chuyển từ màu vàng hoặc nâu nhạt sang màu xanh lục. Quá trình này cũng xảy ra ở khoai tây có vỏ sẫm màu, mặc dù các sắc tố sẫm màu có thể che giấu màu xanh này.

Để biết rằng liệu một củ khoai tây sẫm màu có bị chuyển sang màu xanh hay không, bạn có thể cạo một phần vỏ và kiểm tra xem có mảng xanh nào bên dưới hay không.

Chất diệp lục cũng cho phép thực vật hấp thụ năng lượng từ mặt trời thông qua quá trình quang hợp. Thông qua quá trình này, thực vật có thể tạo ra carbohydrate và oxy từ ánh sáng mặt trời, nước và carbon dioxide.

Chất diệp lục giúp khoai tây có màu xanh hoàn toàn vô hại. Nó có mặt trong nhiều loại thực phẩm thực vật bạn ăn hàng ngày.

Tuy nhiên, khoai tây có màu xanh cũng có thể là dấu hiệu của việc sản xuất một hợp chất thực vật độc hại gọi là solanine.

Ăn khoai tây có màu xanh có độc không?- Ảnh 1.

Khoai tây có màu xanh có thể là dấu hiệu cho thấy khoai chứa độc tố solanine (Ảnh: Internet)

2. Ăn khoai tây xanh có độc không?

Mặc dù màu xanh ở khoai tây có thể là chất diệp lục - chúng không có hại đối với cơ thể nhưng màu xanh ở khoai tây cũng có thể cho thấy khoai có chứa chất solanine.

Solanine là một loại glycoalkaloid có thể gây độc. Solanine thường có hàm lượng thấp ở vỏ và thịt khoai tây, có hàm lượng cao hơn ở các bộ phận của cây khoai tây. Nhưng khi khoai tây bị hư hỏng hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chúng sẽ sinh sản solanine nhiều hơn.

Mặc dù không chính xác hoàn toàn, màu xanh ở khoai tây có thể là chất diệp lục nhưng cũng có thể cảnh báo hàm lượng solanine cao.

Ngoài màu xanh, có một mẹo khác bạn có thể biết trong khoai tây có chứa solanine hay không đó là vị đắng - solanine có thể gây ra vị đắng. Nếu khoai tây nấu chín có vị đắng hoặc gây cảm giác nóng rát trong miệng hoặc cổ họng, điều này có thể cho thấy mức độ solanine cao, ngay cả khi khoai tây trông không có màu xanh.

Do vậy, để an toàn cho sức khoẻ, nếu phát hiện thấy những đốm xanh trên khoai tây, bạn không nên ăn chúng vì không có điều gì đảm bảo an toàn. Nếu lựa chọn ăn khoai tây có màu xanh, bạn hãy gọt vỏ và cắt bỏ mầm (mắt) hoặc phần thịt xanh - điều này sẽ giúp bạn ăn an toàn hơn.

- Hàm lượng solanin có thể gây độc cho cơ thể?

Khi nồng độ solanine trong khoai tây lớn hơn 0,1% thì loại rau đó không thích hợp để ăn và có thể khiến con người bị bệnh.

Theo Đại học Nebraska, so với lượng solanine bình thường trong vỏ khoai tây, một người phải ăn khoảng 9kg khoai tây mới độc hại. Nhưng tiếp xúc với ánh sáng có thể làm tăng nồng độ solanine lên tới 10 lần. Điều này khiến ngay cả ăn 1kg khoai tây cũng có khả năng nguy hiểm.

Ăn khoai tây có màu xanh có độc không?- Ảnh 2.

Không nên ăn khoai tây có màu xanh, mọc mầm và có vị đắng (Ảnh: Internet)

- Khoai tây nảy mầm có ăn được không?

Cũng giống như khoai tây xanh, khoai tây mọc mầm có chứa hàm lượng glycoalkaloid cao, cụ thể là 2 chất solanine và chaconine. Hai chất này có thể gây độc cho cơ thể khi vượt quá liều lượng và gây ra các triệu chứng - nhẹ như nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng - nặng hơn thì gây huyết áp thấp, mạch nhanh, sốt, đau đầu, lú lẫn và trong một số trường hợp, thậm chí tử vong.

Hơn nữa, một số nghiên cứu nhỏ cho thấy ăn khoai tây mọc mầm khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh.

3. Triệu chứng ngộ độc solanine

Nếu ăn phải khoai tây có hàm lượng solanine cao và bị ngộ độc, mọi người có thể thấy các triệu chứng như:

- Sốt

- Đau đầu

- Đau bụng

- Bệnh tiêu chảy

- Nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường

- Nôn mửa

- Mạch chậm

- Thở chậm

Một người nên gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức nếu thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng ngộ độc solanine nào do ăn khoai tây xanh.

Hầu hết mọi người đều hồi phục tốt tại nhà khi bị nhiễm độc solanine. Các trường hợp ngộ độc solanine nghiêm trọng dẫn tới tử vong là có nhưng hiếm khi.

4. Gọt vỏ hay luộc khoai tây xanh có an toàn không?

Mức độ solanine cao nhất ở vỏ khoai tây. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng gọt vỏ có thể làm giảm lượng solanine từ 25–75%. Bạn cũng nên loại bỏ bất kỳ mầm và phần thịt xanh ở khoai tây vì chúng có thể chứa hàm lượng solanine cao.

Thêm vào đó, bạn nên nấu khoai tây, chẳng hạn như luộc, nướng, cho vào lò vi sóng hoặc chiên - điều này có thể làm giảm mức độ solanine hơn nữa.

Tuy nhiên, nếu khoai tây quá xanh hoặc có vị đắng (dấu hiệu của solanine), tốt nhất bạn nên vứt nó đi.

Ăn khoai tây có màu xanh có độc không?- Ảnh 3.

Gọt vỏ và nấu chín khoai tây sẽ giúp làm giảm độc tố solanine (Ảnh: Internet)

5. Cách ngăn khoai tây chuyển sang màu xanh

Khoai tây vẫn có thể sản sinh ra solanine và chuyển sang màu xanh mặc dù được bảo quản trong nhà của bạn. Do vậy, bạn cần phải bảo quản khoai tây đúng cách để phòng tránh ngộ độc. Dưới đây là một vài lưu ý khi bảo quản khoai tây:

- Bảo quản khoai tây ở nơi tối, mát mẻ. Bạn có thể bảo quản chúng trong bao hoặc túi giấy đục để tránh ánh sáng.

- Không để khoai tây trong tủ lạnh. Một số nghiên cứu cho thấy mức độ solanine tăng lên khi bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh.

- Không bảo quản khoai tây ở nhà bếp hoặc tủ đựng thức ăn, vì những nơi này thường ẩm nên không thể bảo quản lâu dài.

Tóm lại, khi khoai tây mọc mầm, có màu xanh, có vị đắng, bạn tốt nhất không nên ăn vì chúng có thể gây độc cho cơ thể.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn