Thịt là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ thịt có chứa protein, kẽm, sắt, vitamin B6, B12... rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra lời khuyên về việc ăn thịt hợp lý, điều độ. Vậy nên ăn thịt ở mức độ nào? Ăn nhiều thịt có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không?
Tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ rằng, một người Việt trung bình tiêu thụ 134 gam thịt mỗi ngày, ở thành phố là 154 gam, trong khi mức tiêu thụ theo khuyến nghị là 50 - 80 gam. Tình trạng này là hồi chuông đáng báo động về thực trạng thừa dinh dưỡng.
Hơn một nửa dân số Việt Nam trưởng thành ăn không đủ rau xanh và trái cây. Mức tiêu thụ thức ăn từ động vật như thịt, cá... có xu hướng tăng nhanh trong vòng 30 năm trở lại đây, đặc biệt mức tiêu thụ thịt tăng lên đáng kể.
Mức tiêu thụ thịt tăng nhanh qua từng năm
Không thể phủ nhận lợi ích từ thịt mang đến. Đây là thực phẩm quan trọng, giúp cung cấp protein, vitamin, chất khoáng, kẽm, sắt... cho cơ thể. Việc bổ sung đủ protein sẽ giúp các nhóm cơ phát triển bình thường và cung cấp năng lượng làm việc mỗi ngày. Tuy nhiên, những con số trên cho thấy, tình trạng tiêu thụ thịt đang ở mức khá cao. Bất cứ thực phẩm nào sử dụng quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như tinh thần.
Cơ thể và hơi thở dễ có mùi khó chịu
Khi tiêu thụ quá nhiều thịt, thực đơn của bạn sẽ bị cắt giảm lượng tinh bột, rau củ quả dẫn tới tình trạng cơ thể rơi vào trạng thái Ketosis. Tình trạng này xảy ra khi thiếu hụt lượng glucose và các chất đường nói chung. Lúc này, cơ thể bắt buộc phải tiêu thụ chất béo nhằm sản sinh ra năng lượng và khiến bạn "có mùi".
Chất béo đã đốt cháy và tạo ra chất ketone. Đừng cố đánh răng hay tắm để làm sạch vì đây là chất do cơ thể sản sinh do lượng thịt được nạp vào quá nhiều. Cách tốt nhất, bạn hãy dùng men tiêu hóa để cấu trúc chất mùi bị phá vỡ.
Gây viêm ruột
Các nhà khoa học Hà Lan đưa ra cảnh báo về việc đồ ăn từ động vật có liên quan đến các vi khuẩn có hại dễ gây viêm ruột. Chuyên gia phân tích mẫu phân của 1.425 người, gồm 550 người bị viêm ruột hoặc hội chứng ruột kích thích và 871 người có sức khỏe đường ruột bình thường. Sau khi tham gia cuộc điều tra đánh giá lượng dinh dưỡng trung bình mà họ nạp vào mỗi ngày cho thấy thực phẩm có nguồn gốc từ động vật có liên quan đến sự gia tăng đáng kể số lượng vi khuẩn cơ hội và hoạt động gây viêm ruột.
Việc sử dụng quá nhiều thịt trong bữa ăn hàng ngày kết hợp với đường và các chất kích thích ảnh hưởng tiêu cực đến các lợi khuẩn và chức năng ruột. Nhóm chuyên gia khẳng định, viêm ruột thường xảy ra ở người nạp quá nhiều thịt vào cơ thể. Để giảm thiểu tình trạng này, hãy hạn chế sử dụng thịt động vật. Tăng cường lợi khuẩn chống viêm trong đường ruột bằng cách bổ sung chế độ ăn rau củ quả, các loại hạt, protein từ thực vật.
Đầy hơi, buồn nôn
Trong thịt chứa nhiều protein nên khi ăn quá nhiều dễ dẫn đến tình trạng đầy hơi, buồn nôn. Sau khi dùng bữa, nếu có cảm giác buồn nôn đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã dùng quá nhiều thịt đỏ trong bữa ăn cùng các món ăn gây khó tiêu khác. Ngoài ra, có thể bạn đã ăn phải loại thịt không đảm bảo hoặc chế biến sai cách gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến tiêu hóa. Để tránh tình trạng xảy ra, nên ăn thịt ở mức vừa đủ và bổ sung thêm rau củ, hoa quả.
Dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn nhiều thịt
Tăng nguy cơ ung thư đại tràng khi tiêu thụ nhiều thịt đỏ
Các chuyên gia tại Đại học Utah (Mỹ) sau khi nghiên cứu 45 kết quả và phân tích đã đưa ra cảnh báo ăn nhiều thịt làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Khi tiêu thụ thịt đỏ quá mức khuyến nghị sẽ làm tăng 13% nguy cơ mắc căn bệnh.
Cũng trên phát hiện này, đồng tác giả Nathorn Chaiyakunapruk cảnh báo mọi người nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, thịt chế biến sẵn vào cơ thể quá nhiều 1 ngày. Ngoài ra, bổ sung chế phẩm từ sữa, tăng cường tiêu thụ chất xơ từ ngũ cốc, rau xanh, hoa quả là điều cần thiết.
Khó kiểm soát được cân nặng
Một chế độ ăn không khoa học, lành mạnh sẽ khiến cơ thể bạn mất đi cơ bắp và tăng lượng mỡ thừa. Có nhiều trường hợp, lạm dụng việc ăn thịt nhiều để cắt giảm đường và tinh bột vào cơ thể. Mặc dù, giảm cân rất nhanh, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn bạn sẽ phải hối hận. Chất protein dư thừa trong cơ thể sẽ trữ thành chất béo, khiến cân nặng mất kiểm soát, tâm trạng dễ cáu gắt và nhanh béo trở lại.
Theo Viện nghiên cứu ung thư Mỹ, mỗi tuần nên ăn tối đa 510 gam thịt đỏ, khoảng 72 gam mỗi ngày. Thịt lợn, hải sản không nên ăn cùng thịt bò vì chứa nhiều chất dinh dưỡng, protein cũng như hàm lượng calo cao. Trong mỗi bữa ăn chỉ nên sử dụng 1 loại thịt cùng rau củ quả.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Mỗi tuần, nên ăn thịt trắng và thịt gà 3 lần, mỗi bữa không quá 150 gam. Lưu ý, khi chế biến thịt gà tránh sử dụng các gia vị như: hành sống, tỏi, gan chó...
Theo chuyên gia dinh dưỡng, khi cơ thể tiêu thụ lượng thịt vượt quá mức khuyến cáo sẽ làm giảm việc bổ sung rau củ, trái cây. Chính vì vậy, để phòng tránh các bệnh về tiêu hóa, tiểu đường, tim mạch... thay vì ăn nhiều thịt, ít rau bạn nên tăng cường rau xanh, hoa quả, hạn chế lượng thịt nạp vào cơ thể.
Bên cạnh thói quen ăn uống lành mạnh, cần hạn chế uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe. Đặc biệt, hãy tập thể dục mỗi ngày để có cơ thể khỏe mạnh, nhiều năng lượng và tràn đầy sức sống.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn