Án oan giết con của người mẹ và khoản bồi thường triệu đô

19:30 | 14/05/2018;
18 tháng ngồi tù và bị tước quyền nuôi con là cái giá quá đắt mà cô Patricia Stallings (SN 1964, trú tại bang Missouri, Mỹ) phải trả vì những kết luận sai lầm của các phòng thí nghiệm về cái chết của con trai cô.
Bị kết tội hạ độc con
Từ một người vợ, một bà mẹ 2 con, một nhân viên bình thường tại cửa hàng tạp hóa, cuộc sống của Patricia Stallings bất ngờ rẽ sang một hướng khác khi con trai cô tử vong vì trúng độc không rõ nguyên nhân. Cô bị bắt giam, kết tội giết người mà lại giết chính con đẻ của mình ở tuổi 26.
 
Một tháng trước khi bi kịch xảy đến, Patricia Stallings và chồng, anh David Stallings, đã chuyển đến căn nhà ven hồ Wauwanoka, ngoại thành St.Louis, bang Missouri. Patricia có 2 người con, một bé 5 tuổi được chị gái cô nuôi dưỡng do chính quyền bang không cho phép Patricia nuôi đứa trẻ vì họ phát hiện thời điểm đó bé bị suy dinh dưỡng, đồng thời do cô sinh con khi còn quá trẻ và chưa đủ điều kiện về tài chính. Bé thứ hai tên Ryan, 4 tháng tuổi, thể trạng từ nhỏ đã ốm yếu. 
 
anh-2.JPG
 
Sáng 9/7/1989, sau khi trở về từ nhà chị gái, Patricia phát hiện, Ryan có biểu hiện lờ đờ, nôn mửa, không thể ăn uống và khó thở. Cô dự định đưa con trai đến Bệnh viện nhi St.Louis. Nhưng do đi lạc, trong khi tình trạng con trai quá nguy cấp, Patricia đã rẽ vào Khoa cấp cứu của Bệnh viện tim Glennon - một bệnh viện nhỏ tại thành phố St.Louis.
 
Khi nhập viện, Ryan gần như rơi vào trạng thái hôn mê và nôn liên tục. Mẫu máu và mẫu nước tiểu của đứa trẻ được gửi đến Phòng thí nghiệm Smithkline Beecham - một cơ sở thí nghiệm tư nhân ngoài bệnh viện - để tìm nguyên nhân gây bệnh. Tại đây, bằng kỹ thuật sắc ký khí (phương pháp tách và phân tích các hợp chất bay hơi mà không làm phân hủy, thay đổi mẫu), các chuyên gia đã tìm thấy Ethylene Glycol trong mẫu máu với nồng độ 180mg/l.
 
Ethylene Glycol là chất không mùi, không màu, có vị ngọt hóa học, xuất hiện trong nhiều sản phẩm gia dụng như chất chống đông, các sản phẩm làm tan băng, chất tẩy rửa, sơn, mỹ phẩm, rất nguy hiểm khi nuốt phải. Vì cơ thể con người không thể tự sản sinh Ethylene Glycol nên Ethylene Glycol chắc chắn phải được đưa vào từ bên ngoài. Chất này chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé Ryan.
 
Nhận được kết quả trên, Bệnh viện Glennon đã báo với Cảnh sát bang Missouri. Cảnh sát lập tức đến lục soát nhà Patricia và tìm thấy 2 túi chứa chất chống đông có thành phần chính là Ethylene Glycol trong bếp. Một túi đã dùng hết hơn một nửa.
 
Sau đó, dù tình trạng của Ryan khá hơn nhưng tòa không cho phép bệnh viện trả Ryan về cho gia đình mà đưa bé tới trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em của bang Missouri. Còn Patricia chỉ được phép đến thăm con 1 lần/tuần dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
 
Tuy nhiên, ngày 1/9/1989, 2 ngày sau lần thăm nom thứ 6, Ryan lại bắt đầu nôn mửa và khó thở. Bé lại được đưa vào Bệnh viện Glennon. Các xét nghiệm lần này cho thấy nồng độ Ethylene Glycol trong máu còn cao gấp nhiều lần lần trước, ở mức 911 mg/l.
 
Lần này, mẫu máu còn được gửi tới Phòng nghiên cứu độc chất của Đại học St.Louis. Tại đây, bằng phương pháp khối phổ (kĩ thuật đo đạc tỉ lệ khối lượng trên điện tích của ion, sử dụng thiết bị chuyên dụng là khối phổ kế), các nhà khoa học cũng đưa ra kết luận tương tự rằng Ryan bị ngộ độc Ethylene Glycol.
 
Điều kỳ lạ là bình sữa mà Patricia cho Ryan uống vào lần thăm cuối đã được rửa sạch và được pha trước sự giám sát của nhân viên y tế. Tuy nhiên, các công tố viên phát hiện nhân viên y tế này đã rời đi một lúc trong khoảng thời gian Patricia thăm con và cho rằng có thể Patricia đã tận dụng khoảng thời gian đó để đầu độc con trai.
 
Sau 3 ngày được điều trị theo nguyên tắc làm giảm tác động của Ethylene Glycol vào cơ thể, bé Ryan đã không qua khỏi và tử vong vào ngày 4/9/1989. Điều này khiến tội trạng của Patricia chuyển thành Giết người cấp độ 1. Đau đớn hơn, cô không hề biết con trai đã qua đời cho đến khi bản thân bị bắt.
 
Sự ra đời của đứa con thứ 3 và sự thật bị chối bỏ
3 tháng sau, khi đang trong tù chờ xét xử, cảnh sát bất ngờ phát hiện Patricia đang mang bầu. Tháng 2/1990, cô sinh con tại một bệnh viện gần nhà tù. Bé được cô và chồng David đặt tên là David Jr.
 
Khi David Jr. mới được vài tuần tuổi, bé bắt đầu có những biểu hiện nôn mửa, co giật và khó thở tương tự như người anh quá cố Ryan dù được nuôi dưỡng trong trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em bang Missouri và Patricia vẫn đang bị tạm giữ.
 
Lần này, David Jr. được đưa tới Bệnh viện St.Louis - bệnh viện mà ban đầu Patricia định đưa Ryan tới. Tại đây, bác sĩ đã chẩn đoán, bé mắc một chứng rối loạn trao đổi chất cực hiếm do gene - MMA với tỷ lệ mắc 1/48.000. Hội chứng này khiến cơ thể không thể tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là protein và sản sinh các chất gây độc trong máu.
 
Kết luận trên ngay lập tức khiến các nhà điều tra hoang mang vì có thể Ryan cũng mắc chứng bệnh tương tự. Tuy nhiên, xét nghiệm máu của Ryan tại 2 phòng thí nghiệm độc lập đều cho cùng kết quả nhiễm Ethylene Glycol và kết quả khám nghiệm tử thi cũng cho thấy trong não Ryan có tinh thể Calcium Oxalate (tình trạng gây ra bởi nhiễm độc Ethylene Glycol).
 
Cùng với đó, trong phiên xử Patricia trước đây, luật sư bào chữa của cô, Rathbone cũng không có đủ bằng chứng vững chắc về giả thiết cái chết của Ryan là do hội chứng MMA.
 
Ngày 31/1/1991, Thẩm phán Kramer, Tòa án quận Jefferson, tuyên phạt Patricia tội Giết người cấp độ 1 với án tù chung thân không được ân xá. Bản tuyên án đã khiến cả gia đình Patricia suy sụp, anh David đã ngất tại chỗ. Bản án để lại nhiều băn khoăn khi xuyên suốt vụ án, người ta không tìm thấy Patricia có bất kỳ động cơ nào cho hành động đầu độc con.
 
Khoa học lên tiếng
Tháng 5/1991, giáo sư William Sly, Chủ tịch Khoa sinh hóa và sinh học phân tử tại Đại học St.Louis, vô tình biết đến vụ án của Patricia Stallings khi nó được đề cập trong chương trình “Những bí ẩn chưa có lời giải”.
anh-1.JPG
Anh David, bé David Jr. và Patricia Stallings năm 1990

 

Nghi ngờ phương pháp thử Ethylene Glycol của 2 cơ sở thí nghiệm trong vụ án, Giáo sư William Sly và tiến sĩ chuyên ngành hóa sinh James Shoemaker, Giám đốc Phòng nghiên cứu hóa sinh thuộc Đại học St.Louis, đã tiến hành lại các thí nghiệm.
 
Để làm rõ giả thiết các phòng thí nghiệm có thể đã nhầm lẫn 2 hợp chất trên, tiến sĩ James đã gửi các mẫu chỉ chứa Acid Propionic mà không chứa Ethylene Glycole đến 7 phòng thí nghiệm tư nhân độc lập trong khu vực. Kết quả là 3/7 nơi xác định mẫu xét nghiệm dương tính với Ethylene Glycol.
 
Có trong tay thông tin trên, gia đình Patricia nhanh chóng gửi đến tòa án và yêu cầu xét xử lại. Công tố viên McElroy đã làm một việc chưa từng có trong tiền lệ khi ông gửi yêu cầu mở lại phiên tòa cho Thẩm phán Kramer.
 
Để làm rõ thêm các bằng chứng khoa học, cảnh sát bang Missouri đã nhờ đến chuyên gia hàng đầu thế giới về các bệnh rối loạn trao đổi chất Piero Rinaldo của Đại học Yale. Sau khi xem xét kĩ các tài liệu, chuyên gia Piero cũng có chung kết luận với tiến sĩ James rằng hợp chất trong mẫu máu của Ryan là Acid Propionic, không phải Ethylene Glycol.
 
Điều đó có nghĩa Ryan tử vong do hội chứng MMA, chứ không phải do ngộ độc Ethylene Glycol. Và Patricia thực sự hoàn toàn vô tội. 
 
Ngày 30/7/1991, sau 18 tháng bị giam cầm, Patricia được trả tự do. Ngày 20/9/1991, Công tố viên George B. McElroy III đã đích thân xin lỗi gia đình Patricia. Cùng ngày, cậu con trai út được sinh ra trong thời gian Patricia bị giam cầm, David Jr., cũng được về bên cha mẹ.
 
Năm 1993, Patricia đã khởi kiện và nhận được khoản bồi thường hàng triệu USD từ Bệnh viện Glennon và 2 phòng thí nghiệm tư nhân đã đưa ra kết luận sai lầm khiến cô phải ngồi tù oan.
 
anh-3.jpg
 

Ngày 31/1/1991, Patricia bị kết tội Giết người cấp độ 1 vì cái chết của con trai. Mãi sau hơn 18 tháng bị giam cầm, ngày 30/7/1991, Patricia mới được minh oan và trả tự do, được đoàn tụ cùng gia đình. Ngày 20/9/1991, Công tố viên George B. McElroy III đã đích thân xin lỗi gia đình Patricia vì sự nhầm lẫn tai hại.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn